Một ngày… với Thanh Đa Ngày đăng: 22/04/2019
Từng là điệp báo, Cụm phó A10 (Cụm điệp báo thuộc Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định), sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy công tác ở khối Bảo vệ chính trị thuộc Ban An Ninh - Nội chính TP. Hồ Chí Minh rồi chuyển đến Trại giam Chí Hòa và được giao nhiệm vụ điều trị cho những bệnh nhân nghiện ma túy là tù nhân, can phạm sau chiến tranh. Như duyên trời đã định, bác sĩ Khánh Duy tự học tập, nghiên cứu về ma túy và gắn bó cả cuộc đời với việc điều trị, cai nghiện cho những mảnh đời trót “làm bạn với nàng tiên nâu”.

Gắn bó với những “mảnh đời lầm lạc”

Trời Sài Gòn cuối tháng ba, nắng trải vàng khắp phố phường. Theo lời hẹn, khoảng 9h sáng, chúng tôi đến gặp bác sỹ Khánh Duy tại Cơ sở 1, tọa lạc trên đường Bình Quới, Phường 28, quận Bình Thạnh. Tiếp chuyện chúng tôi là một “ông già” ngoài 70 tuổi, đậm chất Nam bộ với mái tóc bạc phơ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bác sỹ Khánh Duy là thương binh với tỷ lệ thương tật 61%. Ngay sau khi về hưu, vào năm 1999, ông vận động gia đình và cùng với các cựu chiến binh trước đây là đồng chí, đồng đội thành lập Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa để tiếp tục cứu sống những “mảnh đời lầm lạc” vì ma túy, thực hiện cho được điều trăn trở từ lúc sinh thời và những năm tháng chiến đấu, hy sinh xương máu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm phòng y tế, phòng cắt cơn, giải độc, bác sĩ Khánh Duy chia sẻ, muốn cai nghiện phục hồi và phòng, chống tái nghiện có hiệu quả thì rất cần một môi trường trị liệu thật tốt. Trước khi cắt cơn, giải độc, chúng tôi thực hiện tư vấn tâm lý, sau đó kết hợp sử dụng thuốc và tổ chức cắt cơn trong phòng lạnh (lạnh trị liệu) – massage – tắm hơi. Ngoài việc cắt cơn, chống tái nghiện bằng thuốc Naltrexone, chúng tôi kịp thời điều trị các bệnh cơ hội, bệnh tâm thần - hậu quả của việc sử dụng ma túy. Đồng thời, kết hợp nhiều phương pháp điều trị không dùng thuốc như tư vấn tâm lý - giáo dục, tư vấn xã hội, sinh hoạt cá nhân, nhóm và gia đình.

Bác sỹ Khánh Duy cho biết thêm, qua kinh nghiệm điều trị, cai nghiện cho hàng ngàn người, chúng tôi nhận thấy, không có phác đồ cai nghiện chuẩn cho tất cả người nghiện mà chỉ có những nguyên tắc cơ bản trong điều trị, cai nghiện ma túy. Một mô hình có thể phù hợp với người này nhưng lại không hiệu quả với người khác. Do đó, cần lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Chúng tôi cho rằng, nghiện ma túy là “bệnh” nên đã đặt tên là Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa.

Trung tâm hiện có 85 cán bộ, nhân viên (trong đó, có 4 bác sỹ, 7 y sỹ, 01 dược sỹ, 02 điều dưỡng, 02 kỹ thuật viên…) và đang quản lý, điều trị, cai nghiện cho 225 người. Tất cả học viên vào Trung tâm phải đủ từ 16 tuổi trở lên, tự nguyện đến cai hoặc gia đình tự nguyện gửi người thân vào chữa trị. Đặc biệt, Trung tâm không tiếp nhận đối tượng trốn viện, trốn phép hoặc trốn thi hành quyết định bắt buộc vào cơ sở cai nghiện của Tòa án hoặc trong thời gian đang thi hành quyết định xử phạt hành chính.

Để đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng cai nghiện, từ vài năm trước đây, Trung tâm đã đầu tư xây dựng thêm Cơ sở 2 với diện tích rộng hơn 4.000m2 (tại đường Trần Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh) làm nơi trị liệu, phục hồi hành vi, nhân cách kết hợp với dạy nghề, lao động sản xuất. Còn Cơ sở 1 (cũ) là nơi tiếp nhận, phân loại, tổ chức cắt cơn, chữa trị bệnh. Tổng mức đầu tư cả hai cơ sở đến nay gần 40 tỷ đồng.

Đầu những năm 2002, Trung tâm đã áp dụng phác đồ điều trị cắt cơn bằng Clonidine kết hợp với thuốc giải lo âu, an thần và giảm đau trong điều trị, cắt cơn với liều lượng thuốc giảm còn 1/3 liều điều trị cho phép nên đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người nghiện. Đây là phác đồ điều trị lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Tính từ năm 2004 cho đến nay, qua hơn 15 năm điều trị, Trung tâm Thanh Đa đã cắt cơn cho hơn 14 ngàn trường hợp, không có trường hợp nào xảy ra tai biến, hội chứng cai nhẹ. Những năm gần đây, trước tình hình ma túy tổng hợp (ATS) lan rộng trong phạm vi cả nước, nhất là khu vực TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm tiến hành nghiên cứu về loại ma túy này và tiếp nhận những học viên sử dụng ATS vào điều trị.

Bên cạnh việc quản lý, điều trị, cai nghiện, Trung tâm còn tổ chức tốt công tác tư vấn, giáo dục nhân cách, dạy văn hóa, dạy nghề và lao động trị liệu cho học viên. Tùy tình hình sức khỏe, lứa tuổi, trình độ và nguyện vọng, sau khi được cán bộ Trung tâm tư vấn, học viên sẽ được bố trí phù hợp vào các lớp học và tổ, đội lao động. Quá trình tham gia lao động, học viên được hưởng chế độ bồi dưỡng, thưởng theo lương, theo năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bác sỹ Khánh Duy (bên trái) trò chuyện với Phó Cục trưởng Cục PCTNXH Lê Đức Hiền

Khao khát của trái tim người chiến sỹ - bác sỹ

Mặc dù còn bộn bề khó khăn nhưng Trung tâm vẫn cố gắng đảm bảo các chế độ ăn, ở, thuốc điều trị cho học viên và an ninh trật tự trong đơn vị. Khoa dinh dưỡng luôn thay đổi thực đơn phù hợp và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để học viên ăn uống đầy đủ. Trong quá trình tiếp nhận, điều trị, trường hợp học viên thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, con cựu chiến binh, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… sẽ được Trung tâm xem xét miễn, giảm một phần kinh phí đóng góp.

Bác sỹ Khánh Duy trăn trở, hiện nay, những người nghiện ma túy thuộc lứa tuổi thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ ngày càng cao – đây là giai đoạn các cháu đang hoàn thiện về tâm lý và nhân cách con người. Có muôn vàn lý do dẫn các cháu tới con đường nghiện ngập, như thử cảm giác lạ của ma túy, do bạn bè rủ rê, lôi kéo hoặc bắt chước trên phim ảnh, internet,… Một số khác sử dụng ma túy để tự khẳng định mình, hoặc bất mãn với cuộc sống, gia đình và người thân. Bên cạnh đó, tỷ lệ người sử dụng ATS có xu hướng tăng nhanh, môi trường học đường cũng đang bị ma túy xâm nhập và là nơi tội phạm về ma túy “nhắm tới”.

Ông cho rằng, nghiện ma túy là “bệnh mãn tính”, không thể chữa trị một lần là xong được. Cắt cơn, giải độc chỉ là bước khởi đầu của quá trình cai nghiện lâu dài. Song, dù là bệnh khó chữa nhưng nghiện ma túy vẫn có thể chữa trị được nếu người nghiện có sự quyết tâm cao. Và bên cạnh họ, gia đình và cộng đồng cần gần gũi, động viên, khuyến khích. Đối với thế hệ trẻ, cùng với việc tạo môi trường sống lành mạnh, cần phải kết hợp đồng bộ các biện pháp cho mỗi cá nhân người nghiện, gia đình, cơ sở cai nghiện và cộng đồng xã hội.

“Các em, các cháu vào đây được cán bộ y tế lập hồ sơ bệnh án, khám tổng quát, chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng như XQ phổi – ECQ – công thức máu – phân tích nước tiểu – xét nghiệm viên gan B, C, HIV… Căn cứ kết quả, cán bộ y tế phân loại tình trạng sức khỏe, loại ma túy sử dụng, mức độ nghiện để tổ chức cắt cơn, giải độc theo phác đồ và lên kế hoạch điều trị phù hợp. Ngoài ra, Trung tâm kết hợp với các bệnh viện như Phạm Ngọc Thạch, Nhiệt đới, Gia Định để chuyển bệnh nhân có bệnh lý vượt quá khả năng điều trị của Trung tâm”, ông tâm sự.

Đi ngang qua khu vui chơi, giải trí, thấy một nhánh cây sà xuống đường đi, bác sỹ Khánh Duy nhẹ nhàng nâng lên và uốn theo dãy song sắt thẳng đứng. Ông cười hiền: “Sau hơn 17 năm làm cai nghiện, chúng tôi mới rút ra bài học “đối phó” với việc trèo tường trốn ra ngoài của học viên, đó là: khi xây dựng tường rào hoặc nhà cửa, cần lắp đặt mái tôn “chìa” ra ngoài khoảng 01m, học viên không thể vượt lên hàng rào hoặc bức tường được nữa”.

Một ngày… với Thanh Đa, chúng tôi đã thấu cảm về nghị lực và khát khao cháy bỏng để giành lại “quyền sống lành mạnh” cho thế hệ trẻ của trái tim người chiến sĩ - bác sỹ. Và, cũng từ nơi đây, những “đứa con lầm lỡ” của “ông tiên” Khánh Duy đang từng giờ, từng phút tận hưởng một môi trường sống thực sự lành mạnh, không có “làn khói trắng” của ma túy. Hy vọng, ngày mai tươi sáng hơn./.

Như Ngọc