Thoát nghiện trở thành chủ cơ sở sản xuất kinh doanh sắt thép Ngày đăng: 23/07/2018
Đó là câu chuyện về anh Lê Văn T., xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Một người từng có thâm niên nghiện ma túy 9 năm, từ năm 1990 đến năm 1999. Và sau 4 năm cai nghiện, trở về địa phương, với sự quyết tâm của bản thân, sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền, đặc biệt là tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện, anh đã đoạn tuyệt hẳn với ma túy và từng bước phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh của mình.

Được biết, khi mới ngoài hai mươi, do ăn chơi đua đòi và không làm chủ được bản thân, anh T. đã nghiện ma túy. Đến khi gia đình biết chuyện thì T. đã nghiện nặng. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, T. bất chấp mọi thủ đoạn, xin tiền gia đình không được thì T. trộm cắp của người thân và hàng xóm láng giềng. Năm 1999, T. bị bắt đi cải tạo lao động và cai nghiện. Sau 4 năm cai nghiện trở về địa phương, T đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều và nhờ sự quan tâm của gia đình, sự gần gũi động viên của các tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện và các ban, ngành, đoàn thể trong xã, T. xác định cho mình con đường mới, đó là phải quyết tâm đoạn tuyệt ma túy để không phụ lòng mong đợi của gia đình.

Để làm được điều đó, T. từ chối mọi rủ rê, lôi kéo của đám bạn nghiện cũ và dành toàn bộ thời gian để học nghề cơ khí từ bố. Năm 2004, T. lập gia đình. Có thêm sự đồng hành của vợ, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, khi tay nghề đã vững, T. đề nghị nguyện vọng vay tiền và tách ra để mở xưởng sản xuất sắt thép của riêng mình không phụ thuộc và gia đình nữa. Được gia đình ủng hộ, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền các cấp, của các tình nguyện viên, T. được ngân hàng cho vay 20.000.000 đồng, một số tiền không quá lớn nhưng cũng đủ để T. phát triển nghề của mình. Sau một thời gian làm ăn, kinh doanh, đến năm 2008, nhu cầu về vốn sản xuất nhiều lên, T. lại được cho vay 100 triệu đồng để vừa sản xuất vừa kinh doanh sắt thép. Cùng với sự hỗ trợ của gia đình, T. đầu tư vào mua đất làm xưởng, mua ô tô làm phương tiện chở vật liệu và nhiều phương tiện, đồ dùng khác để phục vụ sản xuất.

Hiện nay, xưởng sản xuất sắt thép của T. có 6-7 công nhân, với mức lương cao nhất là 10.000.000đồng/tháng, người thấp nhất là 7.500.000đồng/tháng. Thu nhập hiện nay của gia đình T. khoảng 50.000.000đồng/tháng và anh đã trả hết số nợ vay ngân hàng. Quan trọng hơn là anh đã đoạn tuyệt được ma túy nhiều năm, lấy lại được niềm tin của gia đình, hàng xóm và các cấp chính quyền. Anh cũng sẵn sàng giúp đỡ những người sau cai nghiện có nhu cầu vào làm việc tại xưởng của mình.

Từ những kinh nghiệm của bản thân, anh T. mong muốn các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho người sau cai nghiện về việc làm như giới thiệu, chuyển gửi họ tới các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, cho vay vốn ưu đãi để họ ổn định cuộc sống. Tạo điều kiện cho cơ sở hoặc doanh nghiệp có sử dụng người sau cai về các mặt như ưu đãi vay vốn, giảm thuế đất, giới thiệu mặt hàng của cơ sở sản xuất tới các đối tác tiêu thụ để họ có điều kiện mở rộng sản xuất và tăng thêm thu nhập cho người sau cai. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng, tránh tâm lý kỳ thị đối với người sau cai nghiện. Đồng thời, phân công cán bộ làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý sau cai để thường xuyên theo dõi, quản lý và hỗ trợ tâm lý cho những người sau cai đặc biệt, trong giai đoạn đầu tái hòa nhập cộng đồng để giúp họ vượt qua được những khó khăn, mặc cảm và giữ vững quyết tâm không tái sử dụng lại ma túy./.

K.T.H