Hiệu quả hoạt động của Nhóm tự lực huyện A Lưới Ngày đăng: 16/07/2018
Sinh ra tại xã A Ngo, một xã vùng sâu của huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Lê Quang Son, người dân tộc Tà Ôi lớn lên như cây xanh giữa đại ngàn núi rừng. Năm 2008, nghe theo lời rủ rê của đám bạn cùng bản, Son trở thành nạn nhân của một chủ bưởng khai thác vàng trái phép...

Anh Son kể, khi làm thuê cho chủ bãi vàng, chứng kiến nhiều cảnh tượng hành hạ người lao động rất tàn bạo như đánh bằng ống sắt đến gãy chân, gãy xương do bỏ trốn; dùng hơi cay để buộc mọi người phải dậy đi làm từ 4 giờ sáng; đau ốm không được uống thuốc, ăn uống đầy đủ... dù là người dân đi rừng như Son cũng không thể chịu đựng được. Sau một thời gian, anh quyết định bỏ trốn. Nhiều người như anh sau khi trở về rất hoảng loạn, không dám đi làm ăn xa, kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, lo chạy ăn từng bữa, nhà cửa dột nát...

Năm 2012, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tiến hành khảo sát và xây dựng 02 nhóm (1 nam, 1 nữ) gồm những nạn nhân bị mua bán trở về tại huyện A Lưới. Lê Quang Son tham gia và được bầu làm Nhóm trưởng Nhóm tự lực nam.

Lê Quang Son chia sẻ về những ngày làm việc tại bãi vàng (Ảnh NC)

Được sự hỗ trợ giúp đỡ của cán bộ Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Nhóm tự lực duy trì sinh hoạt đều đặn theo kế hoạch (01 lần/tháng) với nội dung sinh hoạt phong phú theo các chủ đề khác nhau tạo ra môi trường thân thiện, đồng cảm để mỗi thành viên trong nhóm có thể chia sẻ tâm tư tình cảm của mình với những người cùng hoàn cảnh, từ đó góp phần thay đổi cách nhìn và nhận ra giá trị của bản thân, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Chủ đề sinh hoạt của nhóm là tăng cường sự hiểu biết về các thành viên trong nhóm; tư vấn về sức khoẻ, hướng nghiệp; trang bị kiến thức, kỹ năng sống; kiến thức phòng chống mua bán người; kiến thức về cuộc sống, tình yêu và hôn nhân gia đình; về sức khỏe sinh sản, tình dục; sản xuất kinh doanh và quản lý tài chính... Qua các hoạt động sinh họat nhóm, giúp cho các thành viên trong nhóm trưởng thành hơn. Các thành viên dần làm quen với cách bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình, mong muốn được hỗ trợ vốn để làm ăn, ổn định kinh tế gia đình, nâng cao nhận thức để từ đó tuyên truyền trở lại trong cộng đồng dân cư về phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, các thành viên của nhóm còn được dự án cung cấp gói hỗ trợ khởi nghiệp như hỗ trợ trực tiếp con giống (dê, lợn), xây dựng chuồng trại... Đồng thời, các thành viên cũng được các chuyên gia kỹ thuật do Chi cục mời đến từng nhà để hướng dẫn chữa bệnh, chăm sóc con giống và trồng rau sạch.

Sau hơn 1 năm, kể từ ngày được hỗ trợ lợn giống và dê giống, các thành viên Nhóm tự lực huyện A Lưới đã lần lượt xuất bán lợn thịt. Mỗi lần xuất chuồng, sau khi đã trừ các chi phí, mỗi thành viên lãi 4 - 6 triệu đồng. Đàn lợn của gia đình Son đã phát triển lên đến 10 con và một thành viên khác trong nhóm có đến 7 con dê và 6 con lợn, còn lại các thành viên khác duy trì đàn lợn từ 4 - 6 con, dê từ 2 - 4 con. Mặc dù lợi nhuận không nhiều nhưng đã góp phần vào việc cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

Không những thế, Nhóm tự lực còn thường xuyên tuyên truyền, tư vấn cho mọi người dân xung quanh biết được những thủ đoạn cũng như những tác hại, ảnh hưởng xấu của kẻ mua bán người cho mọi người dân xung quanh.

“Mỗi thành viên chúng tôi trở thành một tuyên truyền viên tích cực cho cộng đồng để không một ai xung quanh mình trở thành nạn nhân của mua bán người. Từ khi tham gia vào Nhóm tự lực, các thành viên đã vượt lên được chính mình, tự tin hơn, không còn lo sợ sự kỳ thị của hàng xóm, cộng đồng. Hơn thế nữa, chúng tôi nhận thấy bản thân mình vẫn còn có ý nghĩa rất lớn đối với gia đình và xã hội. Bản thân các thành viên cũng tự thấy được trách nhiệm của mình khi tham gia vào Nhóm tự lực cũng như các hoạt động xã hội tại cộng đồng”, Son chia sẻ.

Hiện tại, dù không còn được tiếp tục hỗ trợ kinh phí hoạt động từ Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và các tổ chức khác nhưng Nhóm tự lực của anh Son vẫn định kỳ tổ chức sinh hoạt, duy trì sự liên lạc với thành viên và tổ chức các đợt nói chuyện cho thanh, thiếu niên ở bản về những câu chuyện của chính bản thân để cho họ hiểu và biết cách phòng ngừa.

Có thể khẳng định, hoạt động của Nhóm tự lực huyện A Lưới bước đầu đã giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả đem lại thu nhập ổn định cuộc sống, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Đây là một trong những mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về ở các địa phương được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn./.

N.C