Giúp người lầm lỡ vay vốn, phát triển sản xuất, hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 25/02/2018
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ vốn vay cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và Ngân hàng Chính sách xã hội luôn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Được sự quan tâm trực tiếp của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, đến nay 1.072 hộ trong xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng được vay vốn, với tổng dư nợ trên 20 tỷ đồng, đây là điều kiện thuận lợi để nhân dân địa phương phát triển kinh tế.

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Quần Mục 4, xã Đại Hợp, chị Phạm Thị Lê đảm nhận công tác cho vay vốn, bản thân chị xác định đây là vinh dự, đồng thời, cũng là trách nhiệm nặng nề, chị đã tích cực học hỏi kinh nghiệm, vượt qua khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Được các cấp tạo điều kiện, hội viên tin tưởng, đến nay tổng dư nợ của hội là 1.683 triệu đồng, giúp 52 hội viên mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Nhận thức ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình tín dụng chính sách này nhằm giúp cho các đối tượng lầm lỡ hòa nhập cộng đồng tự lực phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống, xã Đại Hợp đã cho những người nhiễm HIV vay vốn, phát triển sản xuất.

Sau khi được tập huấn công tác vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, UBND xã đã công khai niêm yết tại Bộ phận một cửa và tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh đến toàn thể nhân dân được biết, từ đó, các anh chị em trong diện được vay đã đến đăng ký với các đồng chí Trưởng thôn, báo cáo UBND xã và tổ chức bình xét. Trong quá trình cho vay, nhận thấy các anh chị em cũng còn rất nhiều băn khoăn, tự ti, mặc cảm về hoàn cảnh của mình, chị Lê đã chủ động gặp gỡ từng thành viên, trao đổi, động viên nên chị em có thêm nghị lực, bỏ qua mặc cảm, bớt mặc cảm, tự ti, vươn lên, vay vốn để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Đến nay, trong tổ vay vốn có 8 thành viên là người nhiễm HIV được hỗ trợ vay với số tiền 175 triệu đồng. Mỗi người đều nghiên cứu một nghề riêng cho mình: đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm; mở rộng vườn - ao - chuồng; chế biến thủy hải sản; đầu tư ngư lưới cụ và nhiều chị vá lưới tại nhà. UBND xã và các ban, ngành, đặc biệt là Hội Cựu chiến binh thường xuyên động viên, đôn đốc, kiểm tra vì vậy việc sử dụng vốn trong những năm qua luôn đạt hiệu quả cao. Đến nay, các thành viên đã thực sự vươn lên, xác định được trách nhiệm của mình, thực hiện trả lãi, trả gốc đúng hợp đồng tín dụng, đồng thời, nuôi dạy các con mạnh khỏe, học tập tốt (tiêu biểu là Chị Bùi Thị Lệ, địa chỉ thôn Quần Mục 3, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, được vay vốn 20 triệu đồng với mục đích góp vốn trồng nấm. Ngoài việc làm ổn định, trồng nấm các loại, chị vẫn kết hợp lúc nhàn rỗi để vá lưới tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đến nay, chị đã tiết kiệm và làm được hai gian nhà diện tích 52 m2.. Số tiền vay hàng tháng đều được chị trả lãi đúng kỳ hạn

Việc tuyên truyền, phổ biến Quyết định 29 đến từng cộng đồng và người yếu thế để họ biết và hiểu rõ về chính sách vay vốn; tuyên truyền giảm kì thị của cộng đồng thì vai trò của các Tổ trưởng Tổ dân phố, thôn, bản; tổ chức xã hội nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội; Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn là rất quan trọng, qua đó, tạo điều kiện cho người yếu thế tiếp cận với nguồn vốn vay được dễ dàng thuận lợi; tuyên truyền, vận động, tư vấn giúp người yếu thế mạnh dạn, tự tin làm hồ sơ vay vốn để phát triển sinh kế nhằm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Thanh Hà