Nhóm tự lực ở Tây Ninh hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 20/09/2017
Trong những năm qua, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với các ngành, đoàn thể trên địa bàn, tích cực giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về và đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Tiêu biểu là mô hình Nhóm tự lực.

Từ năm 2011 đến năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận Dự án tài trợ của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) với mục tiêu chính nhằm ngăn ngừa nạn mua bán người đối với cộng đồng người di cư; tăng cường bảo vệ cho người di cư dễ bị tổn thương, đặc biệt là nạn nhân thông qua nâng cao năng lực của cán bộ đơn vị cung cấp dịch vụ và cung cấp hỗ trợ trực tiếp toàn diện; thực hiện mô hình nhóm tự lực dành cho nạn nhân mua bán người và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân mua bán người thông qua việc đào tạo nghề và hỗ trợ vốn sinh kế.

Tỉnh đã thành lập 4 nhóm tự lực tại 04 huyện Hòa Thành, Châu Thành, Gò Dầu, Tân Biên gồm 57 thành viên là nạn nhân bị mua bán trở về và tổ chức thực hiện các hoạt động như: Hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho mô hình tạo thu nhập của thành viên nhóm tự lực, hướng dẫn các thành viên nhóm xây dựng Kế hoạch sử dụng vốn hỗ trợ. Tổ chức Lễ trao vốn và tập huấn kỹ năng trồng trọt và chăn nuôi cho 40 thành viên. Tổ chức kiểm tra sức khỏe tổng quát 02 đợt cho 32 nạn nhân bị mua bán tại Bệnh viện Hòa Hảo và Bệnh viện Xuyên Á thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi khám sức khỏe các nạn nhân được cấp phát mỗi người 01 thẻ Bảo hiểm y tế có giá trị trong 01 năm để các nạn nhân được hưởng quyền lợi khi có nhu cầu khám chữa bệnh với tổng kinh phí: 94.416.000 đồng.

 Ngoài ra, tổ chức 02 buổi chiếu phim tuyên truyền về phòng chống mua bán người tại Công ty TNHH BANDO VINA cụm công nghiệp xã Thanh Điền, huyện Châu Thành và Công ty Dệt may Hoa Sen khu Công nghiệp Trảng Bàng. Xây dựng 01 vở kịch tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và biểu diễn tại trường THPT Tây Ninh và trường THPT Lê Hồng Phong huyện Châu Thành, kết hợp chiếu phim và thi vẽ tranh về phòng, chống mua bán người nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật, nhận biết âm mưu, phương thức, thủ đoạn, tác hại của tội phạm mua bán người để mọi người, mọi gia đình chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh ở cộng đồng dân cư. Tổ chức truyền thông qua loa đài về phòng ngừa mua bán người 20 lần /tháng trong 5 tháng tại 05 huyện Hòa Thành, Châu Thành, Tân Biên, Gò Dầu và Thành phố Tây Ninh.

 Tổ chức họp lồng ghép sinh hoạt nhóm và dã ngoại về nguồn tại Trung ương cục miền Nam cho 04 nhóm tự lực nhằm mục đích ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của quân đội nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta, qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tạo sân chơi lành mạnh, giúp các thành viên nhóm tự lực giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Tổ chức 02 Chương trình đối thoại chính sách cho hơn 500 hội viên phụ nữ, thanh niên và người dân đã và đang có ý định đi làm việc xa nhà, kết hôn với người nước ngoài, người bị mua bán trở về, đối tượng nguy cơ cao để cung cấp thông tin cho người dân hiểu rõ hơn những vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, kết hôn có yếu tố nước ngoài và phòng chống mua bán người…

Tổ chức 09 lớp học về phòng chống mua bán người tại trường THPT Lê Hồng Phong huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về phòng, chống mua bán người. Qua tiết học các em hiểu rõ hơn những thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người từ đó biết tự bảo vệ bản thân và gia đình tránh xa những cám dỗ và cạm bẫy của bọn tội phạm. Kết hợp với cán bộ Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tổ chức 10 lượt tư vấn lưu động về việc làm, sức khỏe, phòng, chống mua bán người và các chế độ hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về tại các khu Công nghiệp (hơn 100 người được tư vấn).

Tổ chức Hội thảo cấp địa phương về mua bán người cho các trưởng ấp, khu phố với các nội dung như: đánh giá thực trạng tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, quá trình hoạt động của mô hình nhóm tự lực, những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện mô hình nhóm tự lực; tổng hợp các ý kiến đóng góp mô hình nhóm tự lực và nhân rộng mô hình nhóm tự lực trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Từ năm 2007 đến tháng 6/2017, tỉnh  đã hỗ trợ cho 82 nạn nhân với tổng số tiền là 87.300.000 đồng. Trong đó, hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 82 người với số tiền là 84.000.000 đồng, hỗ trợ học nghề và tiền tàu xe cho nạn nhân các tỉnh với số tiền là 3.300.000 đồng.

Mô hìnhnhóm tự lực được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Sự thành công của mô hình bước đầu đã giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả đem lại thu nhập ổn định cuộc sống, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Thông qua sinh hoạt nhóm tự lực, các thành viên trở nên tự tin hơn, dễ dàng chia sẻ tâm tư tình cảm của mình với cán bộ và người thân, hòa nhập với cộng đồng xung quanh, thoát khỏi sự tự ti và kỳ thị của xã hội. Đồng thời, họ cũng được cung cấp các kỹ năng, kiến thức cần thiết trong công việc, trong cuộc sống và được hỗ trợ vốn để góp phần ổn định cuộc sống, để từ đó họ tự tin, nỗ lực, cố gắng vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập tốt trong cộng đồng, xã hội./.

H. M. Phượng