Xây dựng mô hình giảm hại trong phòng, chống mại dâm ở TP Hồ Chí Minh Ngày đăng: 18/09/2017
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thí điểm 2 mô hình phòng, chống mại dâm, bước đầu mang lại kết quả rất khả quan.

Mô hình “Tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm”

Tháng 11/2014, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH), Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã ký thỏa thuận hợp tác với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Cục PCTNXH) và Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam để triển khai thực hiện thí điểm mô hình nêu trên. Đến nay, đã tiếp cận, vận động được trên 550 lượt chị em đến tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ “Chúng tôi là phụ nữ”. Tính đến tháng 6/2017, số chị em thường xuyên tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ có khoảng 50 đến 55 người. Hàng tháng, duy trì giao ban Câu lạc bộ từ một đến hai lần. Đã có 167 trường hợp chuyển gửi xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chuyển gửi dịch vụ pháp lý: 17 trường hợp, chuyển gửi giới thiệu việc làm: 10 trường hợp và chuyển gửi 18 thành viên Câu lạc bộ đủ điều kiện có nhu cầu học nghề tóc miễn phí tại Trung tâm Đào tạo nghề tóc L’Oreal, kinh phí đào tạo được hỗ trợ hoàn toàn theo Dự án “Làm đẹp để sống-Sống để làm đẹp” do L’Oréal Việt Nam tài trợ với số tiền 35 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Tổ chức 10 lớp tập huấn các kiến thức pháp luật về Luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế và những kiến thức cơ bản trong dự phòng lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) cho trên 20 thành viên Câu lạc bộ và 25 lao động nữ đang làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội tại quận Bình Tân; tập huấn về phòng chống bạo lực giới với chủ đề “Bạo lực giới và mối quan hệ giữa các dạng bạo lực giới”; “Nhận diện các hành vi bạo lực giới”,“Kỹ năng ứng phó với khách hàng trong tình huống nguy hiểm, khẩn cấp” và “Giá trị của sự hợp tác” cho các chị em đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ, thu hút gần 200 lượt người tham dự.

Nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý cho nhóm phụ nữ bán dâm; Cục PCTNXH và Chi cục PCTNXH thành phố phối hợp với Hội Luật gia thành phố hỗ trợ phụ nữ bán dâm tiếp cận được với dịch vụ trợ giúp pháp lý khi cần thiết, đặc biệt là trang bị một số kiến thức, kỹ năng khi bị bạo lực. Tổ chức khảo sát ngẫu nhiên 130 chị em đang hành nghề mại dâm để đánh giá về nhu cầu hỗ trợ pháp lý. Tổ thực hiện Dự án phối hợp với chuyên gia tư vấn tổ chức 15 buổi truyền thông pháp lý và 35 buổi tư vấn pháp lý chuyên sâu nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, giải quyết cho chị em những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hồ sơ cá nhân, kể cả tư vấn về pháp luật liên quan đến phòng chống mại dâm.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn pháp lý, Chi cục PCTNXH cùng với Tổ thực hiện Dự án đã vận động hỗ trợ cho chị em 37 thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức 120 lượt chị được khám phụ khoa và tầm soát ung thư cổ tử cung miễn phí, chuyển gửi 32 chị em đến Bệnh viện Da liễu để khám và điều trị, hướng dẫn làm đơn xin hỗ trợ học nghề cho 5 trường hợp, hỗ trợ các vật dụng thực hiện buôn bán nhỏ cho 37 chị em tham gia mô hình có hoàn cảnh khó khăn, có kế hoạch kinh doanh khả thi với số tiền từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng để giúp đỡ các chị em từng bước ổn định cuộc sống, sớm chuyển đổi hành vi nhân cách và hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”

Tháng 8/2016, TPHCM tổ chức triển khai hoạt động mô hình thí điểm Bảo đảm quyền của người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ (KDDV) dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Bước đầu đã khảo sát, thu thập thông tin 100 người lao động là nhân viên, tiếp viên nữ đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí như nhà hàng ăn uống, nhà hàng karaoke, cơ sở massage, xông hơi, day ấn huyệt, tiệm cắt tóc; đồng thời, thảo luận phỏng vấn sâu 10 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ và 10 người lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Qua khảo sát, thu thập thông tin nhận thấy: Người lao động có thời gian làm việc dài hơn so với quy định (10 đến 12 tiếng/ngày), mức lương thấp, chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội và các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật, kiến thức về sức khỏe; đồng thời trong công việc người lao động cũng gặp phải những rủi ro về vấn đề sức khỏe, bạo lực, bị ép sử dụng rượu, bia, áp lực công việc, không biết và chưa từng tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ. Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại với người lao động; việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế rất ít chủ cơ sở quan tâm thực hiện. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về lao động đến người lao động đang làm việc tại cơ sở chưa được chú trọng đầy đủ. Trên cơ sở khảo sát đã xét chọn 3 thành viên tham gia vào nhóm đồng đẳng viên tiếp cận cộng đồng.

Sau khi khảo sát thực tế hoạt động của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, Chi cục PCTNXH đã phối hợp với Cục PCTNXH, tổ chức Quốc tế ILO và các Sở, Ban ngành liên quan tổ chức các buổi Hội thảo nhằm tạo sự thống nhất và đồng thuận cao giữa cơ quan quản lý nhà nước với chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ và người lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nhằm thực hiện đảm bảo quyền của người lao động đang làm việc tại đây, được giải quyết đầy đủ các chế độ chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ hàng quý để họ phục vụ tốt hoạt động kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí tại cơ sở.

Hiện nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã và đang tiếp tục nhân rộng và duy trì hoạt động của các mô hình nêu trên để hỗ trợ giúp đỡ cho những người lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ tránh nguy cơ sa vào tệ nạn mại dâm, đồng thời, tạo điều kiện cho người bán dâm ổn định cuộc sống hòa nhập tốt với xã hội cộng đồng.

Minh Châm