Một số kết quả hoạt động hưởng ứng “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2017 tại Phú Thọ Ngày đăng: 07/09/2017
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30⁄7" năm 2017, ngày 15⁄6⁄2017, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2465⁄KH-BCĐ chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2017 gắn với công tác phòng, chống mua bán người năm 2017 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Các sở, ban, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trên phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng với hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng.

Công an tỉnh phối hợp Hội liên hiệp phụ nữ, Tỉnh đoàn, Chi cục PCTNXH tổ chức 11 buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Tam Nông; phối hợp cơ quan báo, đài địa phương xây dựng, phát sóng nhiều tin, bài, phóng sự tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức 24 buổi tuyên truyền tại cộng đồng thu hút 1.735 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia với các khẩu hiệu "Tích cực hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người", "Phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội"…; phối hợp cơ quan thông tin truyền thông đưa 67 tin, bài, phòng sự tuyên truyền về Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phát huy vai trò quản lý nhà nước, định hướng các cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người với khẩu hiệu như "Tích cực hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người", "Chung tay phòng, chống mua bán người"... Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người trên sóng phát thanh, truyền hình và website; tổ chức phát sóng trên 21 tin, bài liên quan đến công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người... Sở Tư pháp biên tập, đăng tải lên trang Thông tin điện tử 79 tin, bài phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; cấp phát 3.000 tờ gấp tuyên truyền về Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội duy trì, phát huy hiệu quả của 20 Đội công tác xã hội tình nguyện tại các xã, phường thị trấn trọng điểm thuộc 13 huyện, thành thị trong tỉnh, làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng. Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức 608 buổi nói chuyện chuyên đề; treo 925 băng zôn, khẩu hiệu có nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tăng cường phát động toàn dân phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; cảm hoá, giáo dục người phạm tội tại gia đình, cộng đồng dân cư; phối hợp cơ quan thông tin truyền thông đăng tải 98 tin, bài liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người. Ban Chỉ đạo huyện, thị, thành chỉ đạo các  ban, ngành, đoàn thể, xã, phường, thị trấn đăng tải, phát sóng 585 tin, bài, phóng sự; treo 205 băng rôn tuyên truyền về các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống mua bán người, tập trung tuyên truyền ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa bàn có nhiều phụ nữ, trẻ em bị mua bán, xuất cảnh trái phép.

Về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Lực lượng Công an tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, xác định mới 02 đầu mối, đường dây nghi vấn mua bán người phát sinh; 06 địa bàn thường xảy ra các hoạt động tuyển lựa, tập kết và chuyển giao người bị mua bán là Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Phù Ninh, Hạ Hòa. Tổ chức rà soát, lập danh sách 12 phụ nữ nghi bị mua bán hiện nay chưa trở về địa phương; 24 đối tượng có tiền án, tiền sự về tội mua bán người để quản lý, giáo dục. Chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các tỉnh để trao đổi thông tin, điều tra, triệt phá các đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán. Công tác quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kết hợp với thực hiện tốt công tác quản lý giáo dục, cảm hoá các đối tượng có tiền án, tiền sự về tội mua bán người tại cộng đồng dân cư. Ngoài ra, các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người của lực lượng Công an còn gắn với việc thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ các sự kiện lớn của đất nước năm 2017 và các kế hoạch, chuyên đề về phòng, chống tội phạm như: Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030; công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên.

Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được các ngành, đoàn thể phối hợp triển khai nghiêm túc, bảo đảm cho các nạn nhân được giúp đỡ về tâm lý, khám chữa bệnh, tư vấn hướng nghiệp. Quá trình tiếp nhận, hỗ trợ được gắn với chương trình phòng chống tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, phòng chống ma tuý, các chương trình phát triển kinh tế xã hội, dạy nghề, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa tại các địa phương. Duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động hiệu quả mô hình “Ngôi nhà bình yên”, 20 Đội tình nguyện xã hội, 13 Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người, 06 nhóm tuyên truyền viên nòng cốt phòng, chống mua bán người tại địa bàn 13 huyện, thành, thị, bảo đảm cho người bị mua bán trở về được giúp đỡ về tâm lý, khám chữa bệnh, tư vấn hướng nghiệp...

Trong thời gian tới, để tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống mua bán người, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống mua bán người cho nhân dân, nhất là tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, các địa bàn đặc biệt khó khăn, nơi nhiều phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị mua bán. Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm mua bán người gắn với việc thực hiện hiệu quả các kế hoạch, chuyên đề về phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người;

Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; huy động các nguồn lực tham gia hỗ trợ các nạn nhân (hỗ trợ vốn, tạo việc làm…), không để họ bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường phạm tội hoặc tiếp tục bị mua bán. Duy trì và nhân rộng các mô hình điển hình trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng.

Thanh Hải