Một số kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Yên Bái Ngày đăng: 20/02/2017
Yên Bái là tỉnh có vị trí đầu mối nối liền Đông Bắc với Tây Bắc, các tỉnh trung du Bắc Bộ với cửa khẩu Lào Cai, có hệ thống đường sắt, đường thủy, đường bộ thuận lợi đến các địa phương khác trên toàn quốc. Yên Bái còn là một tỉnh nghèo (72⁄180 xã đặc biệt khó khăn), kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Tại các xã vùng cao với đặc điểm địa hình đồi núi chia cắt, hiểm trở, nhân dân sống phân tán, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu, đây là nguyên nhân khiến người dân bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, lừa gạt gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Vì vậy, trong những năm gần đây trên địa bàn các huyện vùng cao hoạt động mua bán người vẫn được diễn ra và có nhiều diễn biến phức tạp.

Năm 2016 công tác tuyên truyền về phòng chống mua bán người được tiếp tục tăng cường trong cộng đồng, phát huy sức mạnh của các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn xã hội trong phòng, chống loại tội phạm này. Ban chỉ đạo tỉnh đã phối hợp với chính quyền cơ sở và các ngành chức năng tổ chức 04 cuộc truyền thông về phòng, chống mua bán người tại một số địa bàn trọng điểm cho trên 2.000 lượt người; tổ chức 08 buổi tọa đàm cấp ngành cho gần 700 người hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, 01 buổi tọa đàm “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” với trên 130 người tham gia. Thông qua các buổi sinh hoạt đoàn, hội cơ sở đã thực hiện tuyên truyền và vận động trên 100.000 lượt hội viên nêu cao tinh thần cảnh giác tội phạm mua bán người. Tổ chức trên 30 lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm các cấp về nâng cao năng lực và tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho trên 1.200 cán bộ, hội viên cơ sở. Tổ chức cho các hội viên ký cam kết không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội, tích cực tham gia tố giác tội phạm mua bán người.

Các cơ quan chuyên môn của tỉnh như Sở Thông tin và truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan báo chí... đã làm tốt công tácthông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc ít người, các cơ quan đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, sử dụng nhiều hình thức phong phú như: tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, tọa đàm, hội thi; họp tổ dân phố, thôn, bản; các buổi sinh hoạt lồng ghép tại các câu lạc bộ; chiếu phim lưu động, phát tờ rơi, cung cấp tài liệu; nói chuyện trực tiếp... Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã góp phần tích cực đến nhận thức, ý thức của nhân dân, nhằm hạn chế tình trạng mua bán người trên địa bàn.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, chủ động đề ra nhiều biện pháp cụ thể, tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tiến hành xác lập các chuyên án đấu tranh triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán người nước ngoài,tiến hành thực hiện các biện pháp nghiệp vụ được triển khai trên toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng các địa bàn trọng điểm, khẩn trương điều tra xác minh làm rõ các vụ án để sớm đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật … Trong năm, Công an tỉnh đã phát hiện, điều tra khám phá 04 vụ, 10 bị can phạm tội mua bán người, với 07 nạn nhân bị mua bán. Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 03 vụ, 07 bị can. Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức đưa 02 vụ án mua bán người, mua bán trẻ em xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm nơi xảy ra vụ án. Việc xét xử lưu động đã góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, giáo dục pháp luật trong nhân dân, đồng thời răn đe, ngăn chặn tình trạng tội phạm mua bán người.

Công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được đẩy mạnh, 100 % các trường hợp nạn nhân bị mua bán sau khi được giải cứu, tự trở về đều được tiếp nhận, xác minh lai lịch, nhân thân hoặc bảo vệ bí mật thông tin theo nguyện vọng của nạn nhân. Đồng thời được hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đăng ký lại các giấy tờ cần thiết, tư vấn pháp luật, y tế, giáo dục; trường hợp nạn nhân có nhu cầu về việc làm, học nghề, vay vốn để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng đều được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng có liên quan tạo điều kiện. Năm 2016 tổ chức xác minh để hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với 01 nạn nhân và đang hoàn thiện hồ sơ để thực hiện hỗ trợ đối với 02 nạn nhân. Phối hợp với các Tổ chức quốc tế (Tổ chức Tầm nhìn thế giới, Tổ chức quốc tế Haga) tư vấn và hỗ trợ ban đầu cho 60 người là nạn nhân mua bán người, bạo lực gia đình và bị sâm hại tình dục; tiếp tục duy trì hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình cho 27 trường hợp, đang xét duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 25 trường hợp là nạn nhân bị mua bán trở về.

Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng buôn bán người trong thời gian tới, cần tăng cường sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các cấp, các ban, ngành có liên quan, đặc biệt là lực lượng Công an các cấp trong công tác quản lý, tuyên truyền chính sách pháp luật, giải cứu, tiếp nhận và bảo vệ nạn nhân bị mua bán.

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân cần được tăng cường, đẩy mạnh; trong đó chú trọng tuyên truyền nêu cao ý thức đấu tranh, cảnh giác trước mọi thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người; hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng, cụ thể, phù hợp với nhận thức của người dân từng địa bàn.

Ngoài ra, cần chủ động, tích cực hợp tác với các tỉnh về phòng,chống tội phạm mua bán người, trong đó tăng cường sự phối hợp giữa Công an tỉnh Yên Bái với Công an các tỉnh có cửa khẩu biên giới với Trung Quốc.

Nguồn Cổng thông tin điện tỉnh Yên Bái