Vĩnh Lộc làm tốt công tác hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 17/01/2017
Thị trấn Vĩnh Lộc là trung tâm kinh tế- chính trị, văn hóa, xã hội của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, có diện tích tự nhiên 727 ha, được chia thành 23 tổ nhân dân, thị trấn Vĩnh Lộc là nơi tập trung các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp của huyện, có 1 chợ trung tâm huyện với diện tích lớn, hàng hóa lưu thông nhiều, thu hút được nhiều lao động, lưu lượng người đến địa phương công tác, làm ăn rất đông, đa dạng và phức tạp.

Thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 về xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND thị trấn Vĩnh Lộc đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xây dựng các kế hoạch, chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội. Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm được kiện toàn gồm 21 đồng chí, trong đó đồng chí Chủ tịch UBND thị trấn là trưởng ban. Tại 23 tổ nhân dân thành lập 23 tiểu ban. Với vai trò là tham mưu cho Đảng ủy, UBND xây dựng các chương trình kế hoạch phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, ban chỉ đạo thị trấn đã thường xuyên được kiện toàn, củng cố, các thành viên ban chỉ đạo đã làm tốt công tác phối hợp, thường xuyên họp trao đổi rút kinh nghiệm, đánh giá những việc đã làm được, tìm ra những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục theo từng tháng, quý, năm.

Ban chỉ đạo đã tham mưu cho UBND mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội. Thường xuyên mở các đợt tuyên truyền pháp luật và tố giác tội phạm vắn với phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện, tố giác, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn xã hội.

Công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, làm cho quần chúng nhận thức được mục đích, vị trí, ý nghĩa quan trọng của công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thông qua các hình thức tuyên truyền như: qua các phương tiện truyền thông đại chúng, qua hệ thống giáo dục, thông qua văn hóa, văn nghệ. Các ngành, đoàn thể trên địa bàn xã đã tổ chức được trên 500 buổi tuyên truyền pháp luật với trên 56.000 lượt người tham dự, xây dựng, phô tô phát hành trên 1.000 văn bản cho nhân dân.

Lực lượng công an thị trấn thường xuyên tổ chức kiểm tra tạm trú, tạm vắng, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: nhà nghỉ, nhà trọ, quán karaoke, cà phê, internet, điện tử. Thường xuyên phối hợp với các ban, ngành và các cơ quan chức năng huyện tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội được trên 200 buổi.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý đối tượng sau cai nghiện trở về cộng đồng luôn được quan tâm thực hiện. Ban chỉ đạo đã phân công các thành viên phụ trách từng tiểu ban để kịp thời phối hợp với tiểu ban giúp đỡ các đối tượng sau cai nghiện. Trong 10 năm đã cảm hóa được trên 60 đối tượng hình sự không tái phạm, giúp đỡ 37 đối tượng hoàn thành cai nghiện 3 giai đoạn, tạo việc làm cho 12 đối tượng, ngoài ra, các đoàn thể đã tín chấp cho các gia đình đoàn viên, hội viên có người phạm tội vay vốn để tạo việc làm với số tiền 500 triệu đồng và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.

Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân nên nhiều người nghiện ma túy sau khi được về gia đình đã nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, không mặc cảm và có nhiều cố gắng trong lao động, phát triển kinh tế gia đình, nhiều người đã đoạn tuyệt được với ma túy và phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như anh Nguyễn Đức Quân, tổ Trung tâm 1, năm 2001 được công nhận hoàn thành cai nghiện ma túy và được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư chi bộ, tổ trưởng, tổ phó nhân dân, hiện nay anh Quân kinh doanh vận tải và nhà hàng ăn uống, thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng; anh Đinh Trọng Toàn, tổ A1, hoàn thành cai nghiện năm 2003, hiện anh đang kinh doanh xe du lịch, thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng, anh Phạm Hữu Bằng, tổ Vĩnh Phúc, hoàn thành cai năm 2003, hiện mở cơ sở sản xuất bún tươi, thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng, anh Tạ Bá Đức, tổ Vĩnh Lợi, hoàn thành cai nghiện năm 2005, hiện mở cơ sở lắp đặt điện nước tư nhân, thu nhập bình quân hàng trăm trên 100 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Hải, tổ Phúc Hương 2, hoàn thành cai nghiện năm 2009, hiện mở cơ sở sửa chữa xe máy, thu nhập bình quân hàng năm trên 100 triệu đồng... Ngoài ra, còn nhiều trường hợp khác được UBND giới thiệu việc làm, có thu nhập ổn định, bình quân 4 triệu đồng/tháng.

Nhìn chung, trong thời gian qua, công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy, UBND, MTTQ và các đoàn thể đối với việc xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm được triển khai đồng bộ và có hiệu quả góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn.

T. T