Kinh nghiệm tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại Nhà Nhân ái, tỉnh Lào Cai Ngày đăng: 13/10/2017
Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới với hơn 200 km đường biên giáp Trung Quốc; dân số toàn tỉnh khoảng hơn 637 ngàn người, gồm 25 dân tộc, trong đó 65% là người dân tộc ít người sống ở vùng cao. Hiện, tỉnh có hai cửa khẩu Quốc tế, trên 10 cửa khẩu phụ tiếp giáp tỉnh Vân Nam cùng hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, đặc biệt cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã giúp cho kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh, ổn định. Tuy nhiên, những năm qua, tình hình mua bán phụ nữ và trẻ em đã và đang trở thành vấn đề xã hội bức xúc, là mối quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh.

Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, Lào Cai có trên 2.000 phụ nữ đi khỏi địa phương không rõ lý do, đa số có độ tuổi từ 30 - 35, trong đó hơn 80% là người dân tộc thiểu số, với hình thức vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Trong đó rất nhiều người do thiếu hiểu biết, bị lừa gạt bằng các thủ đoạn kết hôn, du lịch, lao động đã trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người. Nhiều người bỏ trốn, tự tìm cách trở về, nhiều người được cơ quan nước bạn giải cứu, trả về Việt Nam. Ban đầu, nạn nhân được tiếp nhận vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, trang thiết bị, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của cơ sở Bảo trợ xã hội còn hạn chế, không có điều kiện tổ chức các hoạt động học tập, tư vấn, học nghề cho nạn nhân. Để nâng cao chất lượng năng lực tiếp nhận và công tác hỗ trợ nạn nhân, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở LĐTBXH đã tiếp nhận đề án “Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về (Nhà Nhân ái) trên địa bàn tỉnh Lào Cai” do Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Tổ chức Vòng tay Thái Bình (NGO) tài trợ.

Nhà Nhân ái được thành lập tháng 3 năm 2010, với mục đích tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, gồm có 3 biên chế (1 nhân viên công tác xã hội (NVCTXH), 1 y sỹ đa khoa, 1 nhân viên quản gia). Ngoài ra, các NVCTXH, cử nhân tâm lý của Chi cục PCTNXH và Điều phối viên NGO thường xuyên phối hợp chặt chẽ, trợ giúp khi cần thiết. Theo quy định của pháp luật về mua bán người, thông tin cá nhân của nạn nhân được bảo mật nghiêm ngặt. Nạn nhân được bảo đảm an toàn; được cung cấp các dịch vụ thiết yếu như ăn, ở, khám chữa bệnh; học văn hóa, học nghề, kỹ năng sống; được lựa chọn gói dịch vụ lưu trú và thăm thân theo quy định.

Các nạn nhân tham gia lớp học nghề May 

Việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân tại Nhà Nhân ái được thực hiện theo các bước sau:

1- Tiếp nhận ban đầu: Khi có thông báo về việc trao trả nạn nhân từ phía Trung Quốc, NVCTXH phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tiếp nhận và thực hiện các nghiệp vụ điều tra, thụ lý, hoàn thiện hồ sơ ban đầu. Nạn nhân được hỗ trợ về ăn, mặc, tư trang cá nhân, được thông báo về chính sách hỗ trợ và làm các thủ tục cần thiết để đưa nạn nhân về nơi cư trú hoặc về Nhà Nhân ái. Khi lưu trú tại Nhà Nhân ái, các nạn nhân, nhất là trẻ em, được NVCTXH trợ giúp đặc biệt ngay từ đầu về tư vấn tâm lý, nhu cầu giám hộ, tham vấn cho gia đình nạn nhân đưa đón hồi gia, đồng thời, cập nhật ghi chép các thông tin từ ngày tiếp nhận cho đến khi hồi gia, kết thúc chuyển giao (bước 5).

2- Hỗ trợ phục hồi: Hiện tại, Nhà Nhân ái thường xuyên lưu trú từ 25 - 30 nạn nhân. Tại đây, các em tiếp tục được tư vấn ổn định về tâm lý và thực hiện các liệu pháp trị liệu cá nhân và nhóm; được cung cấp khẩu phần ăn, bố trí nơi ở an toàn, trang bị tư trang, quần áo; 100% nạn nhân được khám chữa bệnh, tư vấn về HIV/AIDS, nhất là sức khỏe sinh sản cho nạn nhân nữ. Thời gian ở Nhà Nhân ái, các nạn nhân còn được bố trí kinh phí về thăm gia đình 3 tháng/1 lần và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.

Đối với trẻ em có chế độ chăm sóc đặc biệt như sắp xếp ở cùng các chị hơn tuổi để tạo cảm giác như sống trong gia đình; phòng tư vấn tâm lý bố trí các đồ chơi, bảng màu, thú nhồi bông... tạo cảm giác thân thiện cho các em; lắp đặt xích đu, bàn ghế đá, xà đơn, cầu lông trong khuôn viên để các em vui chơi và luyện tập thể lực. Ngoài ra, các em còn được tư vấn về kỹ năng sống, học tập, vui tết thiếu nhi, rằm Trung thu, tổ chức sinh nhật, xem phim, tham gia các hoạt động ngoại khóa cũng như học cách vệ sinh và chăm sóc thân thể, cách nấu nướng và quản lý chi tiêu. Đặc biệt, các em còn tham gia tìm hiểu kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng tránh tái mua bán trước khi hòa nhập gia đình, cộng đồng.

Đến nay, Nhà Nhân ái đã tiếp nhận, chăm sóc 210 nạn nhân (90% là người dân tộc ít người), trong đó có 54 trẻ em, chiếm 26% (30 em đang học phổ thông, 20 bỏ học, 4 em không biết tiếng Kinh). Có em sống trong gia đình bố nghiện rượu, mẹ bỏ đi lấy chồng. Có trường hợp bố của nạn nhân đến bắt về ép gả chồng, NVCTXH đã can thiệp kịp thời, phối hợp với chính quyền cơ sở giải thoát cho nạn nhân. Bên cạnh đó, các em được học tiếp bậc phổ thông và tư vấn học nghề tại Trung tâm dạy nghề Hoa sữa và Coto Hà Nội, trường nghề Đà nẵng. Nhiều em dự thi vào các trường chuyên nghiệp trong tỉnh, có em thi đỗ đại học Lao động - Xã hội.

3- Kết nối các dịch vụ, chuyển tuyến an toàn: Cùng với việc bảo vệ, chăm sóc, nạn nhân có nguyện vọng trở về gia đình được cán bộ Nhà Nhân ái phối hợp với chính quyền cơ sở, Chi cục PCTNXH và Công an địa phương giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng. Trường hợp nạn nhân là trẻ em, người chưa thành niên được NVCTXH giám hộ trong suốt quá trình làm các thủ tục pháp lý trước khi trở về; mời gia đình và đại diện chính quyền nơi cư trú đến đón các em và hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn. Chỉ khi nào có cha hoặc mẹ nạn nhân đón mới chuyển giao, nếu không, cán bộ trực tiếp đưa các em về gia đình. Ngoài ra, thời gian qua, Nhà Nhân ái cũng đã chuyển tuyến cho 38 nạn nhân đến Ngôi nhà Bình yên; 03 nạn nhân đến Tổ chức HaGa và hỗ trợ 2 nạn nhân người Lào, 2 nạn nhân người Campuchia về nước an toàn.

Bên cạnh đó, 121 nạn nhân được hỗ trợ ban đầu với mức từ 1.000.000 – 4.000.000 đ/người và hỗ trợ phục hồi, học văn hóa, học nghề, tạo việc làm. Những nạn nhân có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét tạo điều kiện thuận lợi, giúp họ có việc làm, giải quyết khó khăn ban đầu, ổn định cuộc sống. Chương trình trao sổ tiết kiệm tạo vốn cho nạn nhân bước đầu phát huy hiệu quả. Đến nay, trên 100 em đã học nghề, có việc làm ổn định, lập gia đình riêng; trên 20 em có tiền gửi tiết kiệm, trong đó có em đã tiết kiệm được 6 triệu đồng và được Nhà nhân ái hỗ trợ thêm 6 triệu đồng tự mở cửa hàng may tại Lào Cai với thu nhập ổn định, tự nuôi sống bản thân.

4- Đánh giá, chuẩn bị hồi gia: Trước khi về gia đình, cán bộ Chi cục PCTNXH và Nhà Nhân ái tổ chức đánh giá nhu cầu hòa nhập cộng đồng, phối hợp với các địa phương và gia đình xem xét khả năng kinh tế, tâm lý của các thành viên có sẵn sàng đón nhận nạn nhân hay chưa? điều kiện học tập và ăn ở, sinh hoạt có bảo đảm an toàn không? Đặc biệt đối với trẻ em, việc đánh giá sàng lọc trước khi tái hòa nhập là rất quan trọng, vì tâm lý các em dễ bị tổn thương.

Trong trường hợp gia đình bất hòa hoặc không thể hòa nhập thì NVCTXH tư vấn, hỗ trợ các em học nghề, tìm việc làm mới. Bởi vì, nhiều trường hợp về gia đình, các em bị ép gả chồng và nguy cơ tảo hôn rất cao.

5- Hoàn thành chuyển giao và giám sát sau hồi gia: Khi các nạn nhân trở về gia đình, NVCTXH tiếp tục kết nối với chính quyền cơ sở giám sát quá trình hòa nhập cộng đồng và có kế hoạch hỗ trợ tiếp theo như học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ khó khăn ban đầu (1 triệu đồng/người/đợt). Đối với trẻ em có kế hoạch riêng, cùng với gia đình chăm sóc kỹ hơn. Hàng tháng, nhân viên Nhà Nhân ái còn phối hợp với chính quyền cơ sở tới thăm nạn nhân, nhất là các bản làng vùng sâu, vùng xa nhằm tư vấn cho các thành viên gia đình tiếp tục giúp đỡ các em ổn định cuộc sống. Thiết lập đường dây liên lạc sẵn sàng hỗ trợ các nạn nhân khi cần thiết. Quá trình giám sát được đưa vào diện quản lý trường hợp. Hiện, Nhà Nhân ái đã theo dõi trên 100 ca theo quy định, lập sổ quản lý hồi gia.

Những nạn nhân sau khi được hỗ trợ, trang bị kiến thức, kỹ năng, đủ tự tin cùng tham gia vào hoạt động truyền thông bằng cách kể lại những câu chuyện của bản thân cho các bạn cùng trang lứa và cộng đồng nhằm cảnh giác và nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người./.

Th.s Nguyễn Tường Long

Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH Lào Cai