Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Phú Thọ Ngày đăng: 09/10/2017
Sau hơn 3 năm triển khai Quyết định 2596⁄QĐ-TTg về phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, Phú Thọ là một trong những địa phương triển khai tích cực và đạt được kết quả bước đầu, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh trật tự xã hội.

Phú Thọ không phải là tỉnh trọng điểm về tệ nạn ma túy, song tình hình tội phạm ma túy và người nghiện ma túy vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Trước năm 2014, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh đã tiếp nhận, quản lý, điều trị, dạy nghề, lao động trị liệu cho khoảng 500 - 600 lượt học viên/năm, trong đó tiếp nhận mới từ 250 - 300 người. Còn Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy tỉnh, mỗi năm cũng tiếp nhận từ 70 - 80 học viên, gồm những người có nguy cơ tái nghiện cao và chuyển tiếp từ Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, số người vào cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm này có xu hướng giảm. Tính đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có 1.254 người nghiện ma túy, trong đó có 1.115 người nghiện ma túy tại cộng đồng.

Thực hiện Quyết định 2596/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Thọ đã ban hành các văn bản, kế hoạch về cơ chế, chính sách cai nghiện ma túy và tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt; các cấp chính quyền, đoàn thể có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác cai nghiện ma túy và từng bước giải quyết các vấn đề xã hội sau cai. Cuối năm 2016, tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt kế hoạch chuyển đổi Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội, thành Cơ sở điều trị nghiện ma túy và Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy thành Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện; thành lập 3 điểm tư vấn, hỗ trợ tại cộng đồng tại thị trấn Sông Thao (huyện Cẩm Khê), huyện Lâm Thao và phường Vân Phú (thành phố Việt Trì). Đồng thời đã tiến hành khảo sát để tiếp tục thành lập mới điểm tư vấn, hỗ trợ tại cộng đồng ở phường Tiên Cát, phường Nông Trang (thành phố Việt Trì); phường Hùng Vương (thị xã Phú Thọ) và thị trấn Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy). Việc triển khai hoạt động các điểm tư vấn đã góp phần giảm sự kỳ thị với người nghiện trong gia đình và cộng đồng, giúp họ có nơi chia sẻ, tư vấn, hướng dẫn trong quá trình điều trị. Cộng đồng xã hội đã bước đầu nhận thức được ý nghĩa của điều trị nghiện ma túy là tự nguyện dựa vào cộng đồng.

Bên cạnh đó, Sở Lao động – TBXH đã phối hợp với các ngành hữu quan của tỉnh chủ động thực hiện đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, tăng dần điều trị nghiện tự nguyện, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc với lộ trình phù hợp. Trong 6 tháng đầu năm 2017, các Cơ sở đã tiếp nhận và cắt cơn an toàn cho 28 lượt học viên, thí điểm điều trị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy đá. Việc quản lý học viên theo hướng thân thiện, gần gũi, giúp người nghiện điều trị ổn định tâm lý, nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Cán bộ, nhân viên cũng xác định việc giáo dục và tổ chức học tập cho học viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quy trình cai nghiện. Học viên được chia theo từng tổ nhóm, tổ chức họp, bình xét đánh giá theo thang điểm hàng tuần, tháng và quý. Các đơn vị cũng đã thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt thể thao, văn hóa văn nghệ nhằm tạo không khí vui vẻ, thân thiện, gần gũi giữa các học viên với cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Qua đó, bước đầu tạo được niềm tin của học viên và gia đình vào công tác điều trị cai nghiện.

Tuy nhiên, trong thực tế, số người tự nguyện cai nghiện còn hạn chế. Nguyên nhân do do cơ sở vật chất phục vụ công tác điều trị cai nghiện chưa đáp ứng yêu cầu; mặc dù các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn song việc tiếp cập người nghiện còn khó khăn do còn mặc cảm; một số đối tượng đi làm ăn xa và không có mặt tại địa phương; gia đình người nghiện còn khó khăn về kinh tế.

Dự báo đến năm 2020, tình hình tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy trên địa bàn Phú Thọ còn tiềm ẩn nhiều thách thức, khó kiểm soát. Vì vậy, cùng với việc tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống, kiểm soát ma túy, các cấp, các ngành của tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục hành chính; có biện pháp xử lý phù hợp đưa người nghiện vào cai nghiện bắt buộc; đổi mới cơ chế nhằm thu hút, động viên người nghiện vào cơ sở điều trị tự nguyện; tổ chức điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. 

Để thực hiện các giải pháp trên, các cấp ủy, chính quyền và các  ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân và người nghiện, coi nghiện ma túy như một căn bệnh và người nghiện có thể điều trị tự nguyện; tổ chức điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại cơ sở điều trị nghiện ma túy và cộng đồng; nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các Cơ sở điều trị theo hướng thân thiện với người nghiện, coi họ là khách hàng, không kỳ thị, phân biệt đối xử.

Cùng với đó, các Cơ sở điều trị nghiện ma túy tiếp tục đổi mới công tác tổ chức cung cấp các dịch vụ như: y tế, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, vật lý trị liệu, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng người bệnh, đồng thời, tăng cường kết nối giữa Cơ sở điều trị nghiện ma túy với các tổ chức xã hội ở địa phương, các Trung tâm Dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp trên địa bàn để tổ chức dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người điều trị cai nghiện tự nguyện; vận động các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh tiếp nhận, tạo việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng./.

Diệu Anh