Vượt lên số phận từ những giọt nước mắt của người vợ Ngày đăng: 24/08/2017
Từng nghiện ngập một thời gian dài, giờ Phạm Huy Khương thành "của hiếm" ở thị trấn nông trường Mộc Châu (Sơn La). "Hiếm" là bởi những người "nghiện cùng thời" với anh chẳng mấy ai còn sống, đồng thời anh đã tu tâm dưỡng tính, trở thành người tốt, xây dựng kinh tế gia đình. Hơn thế, anh còn trở thành một ông chủ cung cấp bánh bún có uy tín trong khu vực.

Năm 2012, sau nhiều năm nghiện ngập, tự cai rồi tái nghiện, Công an huyện Mộc Châu đã đưa Khương đi cai bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục lao động tỉnh Sơn La. Đó thật sự là những ngày tháng vật vã của anh.

Nhưng thời gian đó, chị Bùi Thị Thơm dù đã ly dị song vẫn đưa con vào thăm chồng cũ, động viên anh thức tỉnh để làm lại, bởi cuộc đời có nhiều thứ, trong đó có niềm kiêu hãnh. "Anh cần phải được sống tự do, đi ra đường ngẩng cao đầu chứ không phải cứ lấm lấm lét lét, cúi gằm mặt xuống", chị Thơm nhấn mạnh.

Biết hoàn cảnh của anh, cán bộ Trung tâm cũng động viên: Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó. Anh cần phải nghĩ đến vợ cũ, đến con, mẹ già ở nhà và đặc biệt là bản thân mình. Nghĩ đến mẹ già, con nhỏ không ai chăm sóc, Khương đã quyết tâm cai nghiện đồng thời chịu khó lao động, sản xuất, được bầu làm Đội trưởng một đội sản xuất ở Trung tâm Giáo dục lao động. Anh cũng nhắc nhở, tâm sự với những người cùng vào cai nghiện với anh: Hãy từ bỏ rượu bia, bởi rượu bia dễ dẫn đến con đường nghiện ngập, sẽ không thể từ bỏ được ma túy.

Sau này, khi đã cai nghiện anh Khương trải lòng: "Vợ tôi là người phụ nữ dịu dàng, là giáo viên mầm non. Chính tôi thấy vợ thương tôi thật sự, còn bản thân lại làm vợ khổ nhiều. Nhìn những giọt nước mắt của người vợ đã ly dị khi vào thăm tôi, làm tôi vừa bối rối vừa thấy vui sướng. Vợ đã không bỏ rơi, lại còn đưa con vào động viên, trong khi đó nhiều người cùng cai nghiện với tôi chẳng bao giờ được vợ quan tâm nữa".

Vợ chồng anh Khương và các cháu

Đến tháng 6-2015, Khương đã hoàn thành việc cai nghiện và trở về ngôi nhà của mình. Chị Thơm ở với bố mẹ đẻ. Dù nhiều người khuyên chị nên đi bước nữa bởi đã ly dị từ lâu. Nhưng chẳng hiểu sao lúc nào chị cũng nghĩ đến Khương.

Đúng như đã hứa với mọi người, về nhà anh thuyết phục gia đình vay mượn thêm tiền để đầu tư dây chuyền làm bánh, bún phở cung cấp cho các nhà hàng trong khu vực thị trấn. Cùng với đó anh cũng tráng bánh cuốn phục vụ bà con ăn sáng. Hằng ngày, anh  dậy từ 4 giờ sáng vận hành dây chuyền máy sản xuất, từ 6 giờ sáng thì phục vụ bà con ăn sáng, thu nhập khá ổn định. Những ngày đó, chị Thơm thi thoảng vẫn sang chăm sóc con, động viên chồng cũ, rồi cùng tổ chức đám cưới cho con trai cả.

Đúng một năm sau, năm 2016, anh Khương nói với chị Thơm: “Mình về đây với bố con tôi, mình vẫn còn thương tôi, thương con mà. Tôi sẽ không bao giờ phạm sai lầm nữa". Và chị đã trở về, chị nói "Trước đó, tôi cũng nhủ mình là mặc kệ, muốn ra sao thì ra, thế rồi tôi vẫn vào thăm. Chắc vì tôi thương. Tôi nghĩ đời tôi cũng nhiều gian truân, nhưng sông có khúc người có lúc. Bây giờ thì chúng tôi thật sự vui vẻ, bảo ban nhau cùng làm ăn"./.

Theo CAND