CHUYÊN MỤC “HƯỚNG TỚI KỈ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP CỤC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI” Ngày đăng: 29/11/2018
(BBT) - Nhân dịp kỉ niệm 25 năm thành lập Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (11⁄01⁄1994 - 11⁄01⁄2019), Ban Biên tập Trang thông tin điện tử Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội trân trọng giới thiệu với độc giả một số bài viết về quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị.

 

 

Bài 5. Hướng về cơ sở, nâng cao hiệu quả phòng, chống tệ nạn xã hội (giai đoạn 2009 – 2014)

Với phương châm hướng về cơ sở, coi trọng công tác phòng ngừa, giải quyết các vấn đề xã hội trong mỗi gia đình trên địa bàn dân cư, từng bước xã hội hóa công tác phòng chống tệ nạn xã hội, Cục PCTNXH tham mưu xây dựng và triển khai Kế hoạch liên ngành phát động toàn dân tham gia phát hiện người nghiện ma túy, vận động người nghiện cai nghiện và hỗ trợ người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai công tác xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội, kết hợp với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… Trong khoảng 10 năm (2005-2014), mạng lưới Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã - “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở ngày càng hoạt động hiệu quả và lan rộng. Cục cũng tạo các mối quan hệ phối hợp với nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) và tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) hoạt động với mục tiêu giúp đỡ nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương.

Đối với lĩnh vực điều trị, cai nghiện ma túy: Tiếp tục thực hiện Luật Phòng, chống ma túy (2000), Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy (2008) và Luật xử lý vi phạm hành chính (20/6/2012) thay thế Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (năm 1995), Cục PCTNXH tham mưu cho Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Nghị định, 01 Quyết định và 06 Thông tư tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai. Theo quy định, thẩm quyền ra quyết định đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện. Điều này đã góp phần tăng cường tính pháp lý, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đơn phương quyết định của các cơ quan hành chính trước đây.

Tiếp đó, ngày 27/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2596/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020”, theo đó, quan điểm về nghiện ma túy, định hướng công tác cai nghiện ma túy được thay đổi phù hợp với nhận thức của thế giới và phù hợp với tình hình. Phát triển các cơ sở điều trị tự nguyện với mục đích hình thành mạng lưới các cơ sở điều trị nghiện có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị nghiện; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, phát triển Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị, cai nghiện tại cộng đồng với mục đích huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện nâng cao nhận thức, tuân thủ việc điều trị lâu dài tại cộng đồng.

Kết quả, từ 2011 - 2014, cả nước đã tổ chức quản lý, cai nghiện cho 189.724 lượt người. Trung bình mỗi năm cai nghiện cho khoảng 47 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý, chiếm 25 %; quản lý sai cai nghiện cho 58.873 lượt người, trong đó: tại các Trung tâm 15.615 người; tại nơi cư trú 43.528 người. Tổ chức dạy văn hóa cho 22.989 người có nhu cầu, dạy nghề cho 42.570 người, hỗ trợ vốn vay, tạo việc làm cho 15.292 người.

Công tác phòng, chống mại dâm: Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành, đây cũng chính là thời điểm thay đổi quan trọng trong công tác phòng, chống mại dâm. Theo đó, không còn biện pháp xử lý người mại dâm bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà thay vào đó là tăng cường công tác hỗ trợ giảm hại cho người mại dâm, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, giúp họ có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội ngoài cộng đồng.

Cục PCTNXH đã nghiên cứu những biện pháp quản lý, hỗ trợ phù hợp với tình hình mới, chỉ đạo các địa phương xây dựng mô hình hỗ trợ tại cộng đồng đối với người bán dâm để có thể cung cấp kịp thời các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý; khám, điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục; giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp xã hội; hỗ trợ học nghề, việc làm, tiếp cận các nguồn vốn nhằm tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi công việc, hòa nhập cộng đồng bền vững. Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 15/10/2013 về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình mới. Trong đó, chính sách hỗ trợ thiết thực cho người bán dâm là hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người bán dâm hoàn lương đã được Cục xây dựng và tham mưu trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả, đến năm 2014, cả nước đã xây dựng được 1.077 mô hình hỗ trợ dựa vào cộng đồng tại 50 tỉnh, thành phố, đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phát triển cộng đồng tham gia chăm sóc sức khỏe, giảm hại từ hoạt động mại dâm. Các mô hình đã phát huy tác dụng, hiệu quả to lớn: hỗ trợ, tư vấn cho 352.728 lượt người bán dâm; dạy nghề cho1.822 người; tạo việc làm cho 1.212 người; tái hòa nhập cộng đồng cho 2.601 người; hỗ trợ vay vốn cho 1.227 người với tổng số tiền 4.779 triệu đồng.

Đối với công tác phòng, chống mua bán người, đây không phải là một lĩnh vực mới. Trước yêu cầu phát sinh từ tình hình thực tiễn về thực trạng phụ nữ, trẻ em bị mua bán để phục vụ cho mục đích mại dâm ngày càng cao nhưng hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực này chưa đầy đủ, chủ yếu được điều chỉnh thông qua văn bản pháp luật liên quan như Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm,… năm 2011, Cục PCTNXH tham gia xây dựng Luật phòng, chống mua bán người cùng các Nghị định về tiếp nhận, tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán trở về; trình Bộ trưởng ban hành Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về giai đoạn 2012-2015” nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tạo các điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập với cộng đồng.

Để tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ người cai nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở về, ngày 22/10/2012, Liên Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Chính, Bộ Nội Vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 24/TTLT- BLĐTBXH- BTC- BNV quy định về thành lập, giải thể, tổ chức hoạt động và chế độ, chính sách đối với Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn (Thông tư liên tịch 24/2012/TTLT) thay thế Thông tư liên tịch 27/2003/TTLT. Đội tình nguyện đã tổ chức nhiều hoạt động với hình thức đa dạng, nội dung phong phú, sát thực, từng bước cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và phòng, chống HIV/AIDS của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng vào kết quả phòng, chống tệ nạn xã hội và phòng, chống HIV/AIDS tại địa bàn cơ sở.

Đến cuối năm 2014, cả nước có 37 tỉnh, thành phố thành lập 2.929 Đội tình nguyện với 18.035 tình nguyện viên với nhiệm vụ chính là tập trung tuyên truyền đối với từng gia đình, người cai nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở gặp nhiều khó khăn và những người có nguy cơ cao, nhất là các địa điểm, khu vực phức tạp dễ phát sinh tệ nạn xã hội như trường học, khu trọ của học sinh, sinh viên, người lao động, khu du lịch... về tác hại của tệ nạn xã hội, cách phòng tránh và chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Một số tỉnh, thành phố đã thành lập ĐTN ở 100% xã, phường, thị trấn là Hà Nội, TPHCM, Bến Tre, Phú Yên, Đắc Lắc, Cần Thơ, Bắc Ninh... Hoạt động của Đội tình nguyện đã giúp cho các cá nhân, gia đình chủ động trong việc phòng ngừa, bảo vệ bản thân, người thân trong gia đình trước tình hình tệ nạn xã hội ngày càng có nhiều thay đổi tinh vi, dễ bị lôi kéo. Đồng thời, giảm sự kỳ thị của cộng đồng, thay đổi cách nhìn tích cực đối với những người có sai lầm trong quá khứ, giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Đối với công tác tổ chức, nhân sự: Bộ máy quản lý và hệ thống cán bộ có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến thời điểm này, toàn quốc có 505 công chức, người lao động công tác tại Chi cục/Phòng PCTNXH hoặc Phòng Bảo trợ xã hội; 708 công chức, người lao động thuộc Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội cấp huyện; 123 Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tại 63 tỉnh, thành phố, với tổng số 6.877 cán bộ, nhân viên công tác tại Trung tâm./.