CHUYÊN MỤC “HƯỚNG TỚI KỈ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP CỤC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI” Ngày đăng: 14/12/2018
(BBT) - Nhân dịp kỉ niệm 25 năm thành lập Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (11⁄01⁄1994 - 11⁄01⁄2019), Ban Biên tập Trang thông tin điện tử Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội trân trọng giới thiệu với độc giả một số bài viết về quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị.

 

 

Bài 6. Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (giai đoạn 2014 – 2019)

Hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Tuy nhiên, nhiều vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh, trong đó, các tệ nạn xã hội diễn biến dưới nhiều hình thức, khó kiểm soát, đòi hỏi phải cần có giải pháp tăng cường, đổi mới đồng bộ nhằm từng bước hạn chế, đẩy lùi trong thời gian tới.

Về công tác xây dựng văn bản, Cục PCTNXH đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng, tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Chỉ thị, 04 Nghị định và 07 Quyết định về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, đồng thời, trực tiếp xây dựng, tham mưu cho Bộ ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn. Trong đó, tập trung xây dựng các chính sách, giải pháp mới đảm bảo quyền con người, tổ chức lại nguồn lực, nâng cao hiệu quả, chất lượng cai nghiện, xử lý tình hình nghiện ma túy tổng hợp đang gia tăng.

Trong lĩnh vực điều trị, cai nghiện ma túy, đây là giai đoạn tình hình tệ nạn ma túy vẫn có chiều hướng gia tăng, phức tạp và tội phạm có liên quan ngày càng hoạt động tinh vi, khó kiểm soát. Nếu như trước đây, đại đa số người sử dụng các chất dạng thuốc phiện (Opiats) thì hiện nay, phần lớn chuyển sang dùng ma túy tổng hợp (ATS). Theo báo cáo, thống kê của Bộ Công an, tính đến 15/5/2018, cả nước có 224.690 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 2.108 người so với năm 2017 (222.582 người). Tỷ lệ người sử dụng ATS chiếm từ 60 - 70%, đặc biệt, tại các tỉnh khu vực miền Trung và Nam Bộ, tỷ lệ này lên tới 70 -85%. Điều đáng báo động là số người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng tăng cao, gây ra rối loạn tâm thần cấp dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc, lo lắng trong quần chúng nhân dân và ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội. Trước tình hình đó, Cục đã tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến 63 tỉnh thành phố, Hội nghị 21 tỉnh trọng điểm nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tăng cường của công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, công tác điều trị, cai nghiện được tổ chức, thực hiện với các giải pháp tổng thể, gồm: các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép; thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện (điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội). Tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các Trung tâm với lộ trình phù hợp. Tạo điều kiện cho người cai nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ phù hợp tại cộng đồng; Nhà nước có chính sách đầu tư nguồn lực và khuyến khích xã hội hóa công tác dự phòng và điều trị nghiện, hỗ trợ điều trị nghiện cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát cai nghiện ma túy trong tình hình mới, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện ma túy. Đến nay, cả nước có 105 cơ sở (giảm 18 cơ sở so với 2016), gồm: 06 cơ sở cai nghiện bắt buộc; 79 cơ sở cai nghiện tổng hợp; 18 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện và Methadone; 02 cơ sở tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định

Để nâng cao chất lượng điều trị, cai nghiện, Cục đã chủ trì xây dựng bộ tài liệu và tập huấn về Tư vấn điều trị nghiện với nhiều nội dung mới lần đầu tiên được đưa vào áp dụng. Giai đoạn này cũng xuất hiện hoặc khẳng định nhiều mô hình cai nghiện có nhiều hiệu quả như mô hình Tư vấn điều trị, hỗ trợ cai nghiện cộng đồng;mô hình cai nghiên quân dân y kết hợp ở các vùng biên giới; mô hình xây dưng cơ sở cai nghiện thân thiện; mô hình kết nối Cơ sở cai nghiện tại cộng  đồng hỗ trợ người sau cai nghiện; mô hình dự phòng nghiện cấp xã thông qua các Câu lạc bộ, nhóm tự lực; mô hình Tình nguyện viện hỗ trợ người nghiện cai… Ngoài ra, Cục đã phối hợp chặt chẽ với nhiều tổ chức quốc tế để tranh thủ kiến thức, kỹ thuật, nâng cao chất lượng điều trị cai nghiện và hướng tới chuẩn quốc tế về điều trị nghiện, như UNODC, WHO, CDC, SAMHSA, COLOMBO PLAN, FHI, SCDI… Một số địa phương đã tích cực đưa thuốc hỗ trợ cắt cơn đông y vào chương trình cai  nghiệnnhư Cedemex, Heantos, Bông Sen…

Trong 4 năm liên tiếp, từ 2014 – 2017, Cục PCTNXH đã tham mưu cho Bộ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức mít tinh cấp quốc gia và các hoạt động hưởng ứng “Tháng Hành động phòng chống ma tuý, Ngày Quốc tế và Ngày Toàn dân phòng chống ma tuý” (26/6) như triển lãm ảnh, tổ chức hội thảo tuyên truyền phòng, chống ma túy với các Bộ, ngành, đơn vị.

Về công tác phòng, chống mại dâm. Tình hình tội phạm liên quan tới tệ nạn mại dâm ngày càng hoạt động tinh vi dưới nhiều hình thức. Lợi dụng sự phát triển của công nghệ và quá trình mở cửa hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới, các hình thức mại dâm sử dụng công nghệ cao được các đối tượng phạm tội lựa chọn sử dụng thông qua mạng internet, điện thoại thông minh, hệ thống máy tính, các kênh liên lạc trực tuyến… Ngoài ra, còn có sự tham gia của người nước ngoài và đưa người ra nước ngoài hoạt động mại dâm. Nhiều đường dây mua bán dâm cao cấp (diễn viên, người mẫu…) được hình thành và tổ chức chặt chẽ. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội, khiến cho tình hình rất khó kiểm soát, xử lý.

Giai đoạn 2011 – 2015, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, bất cập.  Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 07/03/2016 về chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu lấy phòng ngừa làm trọng tâm trong công tác phòng, chống mại dâm. Chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với đời sống xã hội; Tăng cường xây dựng các thể chế nhằm bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế (người bán dâm, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm) vào hệ thống an sinh xã hội; Từng bước xã hội hóa, xây dựng cơ chế, chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và các thiết chế xã hội (gia đình, nhà trường...) tham gia vào công tác phòng ngừa mại dâm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương tiếp tục thí điểm các mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho người bán dâm, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng theo Quyết định số 361/QĐ-TTg. Đến nay, 41 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm hoặc duy trì mô hình can thiệp giảm hại, phòng chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người bán dâm. Trong đó, 08 địa phương triển khai mô hình cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; 17 địa phương thực hiện mô hình đảm bảo quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 11 địa phương triển khai mô hình tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới.

Theo báo cáo của các địa phương, tính từ năm 2014 đến 2018, đã có 5.993 lượt người bán dâm được hỗ trợ từ các mô hình thí điểm. Riêng năm 2018, có 1.194/3.709 người bán dâm được hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng. Trong đó: 231 lượt người được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; tư vấn trợ giúp pháp lý cho 937 lượt người; 13 người được hỗ trợ học nghề và 13 người được vay vốn, tạo việc làm.

Về lĩnh vực phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Theo thống kê, từ năm 2012 – 2017, cả nước có 3.090 người là nạn nhân và nghi bị mua bán, số trở về là 2.571 người. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (chiếm hơn 90%), tập trung tại các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa (80%). Các nạn nhân bị mua bán chủ yếu đưa ra nước ngoài (chiếm trên 98%), trong đó, sang Trung Quốc trên 90%. Đa số nạn nhân bị cưỡng ép kết hôn, làm vợ, đẻ thuê, bóc lột tình dục, sức lao động… Một số nạn nhân là nam giới bị lừa bán nội tạng. Ngoài ra, nhiều trẻ em là học sinh đang theo tại các nhà trường, cơ sở giáo dục - nơi được xem là an toàn nhất cũng bị các đối tượng mua bán người nhắm đến, dẫn đến tình trạng mua bán trẻ em trở thành một vấn đề đáng báo động.

Theo quy định, nhiều chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về thực hiện rất kịp thời và nhân văn tại các cơ sở bảo trợ xã hội và cộng đồng: 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, hỗ trợ pháp lý; trên 50% nạn nhân được trợ cấp khó khăn, học văn hóa – học nghề, vay vốn lãi suất thấp để phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nơi chưa thực sự quan tâm, nhiều chính sách thực hiện chưa đồng bộ; mức hỗ trợ tiền ăn, khám bệnh trong thời gian tạm trú ở cơ sở bảo trợ xã hội còn thấp; thủ tục hỗ trợ khó khăn ban đầu, vay vốn còn rườm rà; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở tiếp nhận nạn nhân còn thiếu thốn, hạn chế…

Nhằm hỗ trợ cho các nhóm yếu thế vươn lên trong cuộc sống, Cục PCTNXH đã tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Qua quá trình triển khai thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố, tính đến cuối năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 504 cá nhân, hộ gia đình vay vốn với tổng số tiền 12.883 tỷ đồng. Trong đó, hộ gia đình người sau cai nghiện 246/504 hồ sơ (48,8%); hộ cá nhân, hộ gia đình người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế 150/504 hồ sơ (29,76%); cá nhân, hộ gia đình người nghiện nhiễm HIV 84/504 hồ sơ (16,66%); cá nhân, hộ gia đình người bán dâm hoàn lương 21/504 hồ sơ (4,16%).

Chính sách tín dụng đối với 4 nhóm yếu thế là bước đột phá, mang đậm tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, có tính xã hội sâu sắc, mang lại lợi ích không chỉ cho bản thân người yếu thế mà còn nhận được sự quan tâm của gia đình họ và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Kết quả bước đầu đã tác động tích cực đến công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, giúp cho nhóm đối tượng này có việc làm mới và thu nhập, ổn định cuộc sống, lấy lại được niềm tin của gia đình và cộng đồng. Nhiều người trong số đó tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, tham gia tuyên truyền, vận động những người cùng cảnh ngộ phấn đấu vươn lên, góp phần giảm kỳ thị, giảm tỷ lệ tái nghiện, tái phạm ở những người được vay vốn và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại địa bàn cơ sở. Tuy nhiên, một số thủ tục vay vốn còn nhiều vướng mắc; đối tượng vay vốn thuộc nhóm đối tượng yếu thế, trình độ học vấn thấp, điều kiện sức khỏe hạn chế, tâm lý, hành vi, nhân cách chưa ổn định, dễ bị lôi kéo trở lại con đường cũ, thiếu kỹ năng trong kinh doanh và thiếu kiến thức khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi nên hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện các xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì. Hiện, có 42 tỉnh, thành phố đã thành lập 3.063 Đội công tác xã hội tình nguyện với 19.734 tình nguyện viên, triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa giúp đỡ người nghiện, người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng học nghề, vay vốn, tạo việc làm ổn định cuộc sống./.