NHỚ LẠI NHỮNG NGÀY ĐẦU MỚI THÀNH LẬP Ngày đăng: 05/01/2019
Trong quá trình đi quay tư liệu xây dựng phóng sự về sự ra đời và phát triển của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội chuẩn bị cho kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (11⁄01⁄1994- 11⁄01⁄2019), chúng tôi cùng đoàn phóng viên của Trung tâm Truyền hình kỹ thuật số VTC có dịp gặp gỡ và trao đổi với bác Nguyễn Thị Huệ - nguyên Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội và hiểu rõ hơn về sự ra đời cũng như những thuận lợi khó khăn trong những ngày đầu mới thành lập cũng như kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội được Bộ và Chính phủ giao. Ban Biên tập xin giới thiệu chia sẻ của nguyên Cục trưởng Nguyễn Thị Huệ xung quanh nội dung trên.

Trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, bên cạnh những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới về tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng,… các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm nảy sinh và có xu hướng phát triển trên diện rộng, gây hậu quả nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Đảng ta chủ trương tăng trưởng kinh tế phải đi đôi giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó, công tác phòng, chống, khắc phục có hiệu quả các tệ nạn xã hội, trước hết là tệ nạn mại dâm và nghiện ma túy là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà Đảng và Nhà nước ta kiên quyết chỉ đạo thực hiện. Ngày 29/1/1993, Chính phủ ban hành 02 Nghị quyết: Nghị quyết số 05/CP về ngăn chặn và chống tệ nạn mại dâm, Nghị quyết số 06/CP về tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy.

Thời kỳ đó chưa gọi là Ủy ban quốc gia như bây giờ mà là Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Trần Đình Hoan làm Thường trực BCĐ. Thực tế, 2 Nghị quyết Chính phủ đã ban hành nhưng tình hình thực hiện sau gần 1 năm vẫn còn chậm vì chưa có tổ chức và cán bộ chuyên trách giúp việc BCĐ.

Thời điểm đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thường trực Chính phủ rất kiên quyết chỉ đạo công tác này, đã mời Bộ trưởng Trần Đình Hoan lên làm việc. Trong lịch sử, rất ít một Nghị định từ khi có chủ trương đến khi ban hành chỉ trong vòng 1 tuần. Và ngày 11/01/1994, Cục PCTNXH được thành lập theo Nghị định 01/CP của Chính phủ với chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Thường trực BCĐ xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống các tệ nạn xã hội; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, kế hoạch đó; phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng các dự án, chính sách, chế độ về phòng, chống các tệ nạn xã hội để Bộ Lao động - Thương binh và xã hội trình Chính phủ ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền; hướng dẫn và kiểm tra các ngành, các cấp và các cơ sở thực hiện các chính sách, chế độ đó; cùng các cơ quan có liên quan và các tổ chức xã hội thực hiện việc tuyên truyền, vận động, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội; cùng các địa phương và các ngành, các đoàn thể có liên quan tổ chức xây dựng và quản lý các cơ sở chữa trị, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho các đối tượng tệ nạn xã hội.

Được Lãnh đạo Bộ phân công đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục PCTNXH, tôi nhận thấy nhiệm vụ được giao vô cùng khó khăn.

- Đầu tiên là bản thân và những cán bộ của Cục khi đó còn rất ít hiểu biết về PCTNXH theo chức năng, nhiệm vụ của Cục. Hơn nữa, đây lại là một đơn vị hoàn toàn mới, chưa có tiền thân (dù chỉ là một tổ hoặc một phòng ở một tổ chức nào đó).

- Thứ hai, đây là một cơ quan đa chức năng, vừa làm chức năng quản lý nhà nước xây dựng các văn bản Luật, Pháp lệnh và Nghị định, Thông tư nhưng đồng thời cũng làm chức năng quản lý, hướng dẫn, chữa trị, cai nghiện phục hồi cho gái mại dâm và người nghiện ma túy tại trung tâm và cộng đồng. Đối tượng vừa mang tính chất xã hội, vừa mang tính chất tệ nạn, có phần liên quan đến tội phạm nên việc quản lý, giáo dục, chữa trị rất khó khăn và phức tạp.

- Thứ ba, về tổ chức bộ máy thì hầu như chưa có gì, kể cả cán bộ của Cục được điều động từ các đơn vị về, một số rất ít có hiểu biết về lĩnh vực này nhưng số đông làm các ngành nghề khác, từ tiền lương, định mức, dạy nghề, văn phòng, thậm chí, một số cán bộ đang dôi dư ở các đơn vị khác, chưa có chỗ sắp xếp thì cũng về Cục. Bộ máy ở địa phương hầu như không có, chưa bao giờ có, đến lúc thành lập Cục thì mới bố trí 01 cán bộ ở phòng Bảo trợ xã hội để tiếp nhận những thông tin, triển khai văn bản ở địa phương. Do vậy, vấn đề cán bộ cả về trình độ, nghề nghiệp, bộ máy, số lượng, chất lượng hầu như là con số không.

- Thứ tư, theo yêu cầu của Chính phủ, Cục PCTNXH là cơ quan thường trực cho BCĐ Chính phủ về công tác PCTNXH. Do đó, tham mưu giúp Chính phủ điều hòa và điều hành sự phối kết hợp hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Y tế, những bộ có liên quan trực tiếp đến vấn đề phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS. Với chức năng đa ngành, đa lĩnh vực mà cán bộ và tổ chức bộ máy từ con số không nên việc gặp khó khăn là không tránh khỏi.

Nên cạnh những khó khăn đó, công tác PCTNXH cũng có những thuận lợi cơ bản. Đó là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, bước đầu đã hình thành tổ chức bộ máy ở Trung ương, như Bộ Công an có phòng 5 (Phòng PCTNXH) thuộc Cục Cảnh sát Hình sự; Bộ Y tế có Phòng phòng, chống HIV/AIDS. Và các cơ quan, đoàn thể khác, đặc biệt là Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên đều hình thành các đầu mối để thực hiện sự phối hợp.

Đặc biệt, các đề xuất của Cục  đều được Chính phủ và Lãnh đạo Bộ quan tâm. Một ví dụ vui là, hồi đó, Cục có làm văn bản xin một xe Land Cruiser hai cầu, có đèn chống sương mù nhưng Bộ Tài chính duyệt cho Cục xe 5 chỗ. Cục báo cáo lên Phó Thủ tướng rằng: “Cục xin xe để đi chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn PCTNXH ở vùng sâu, vùng xa chứ không phải xin xe đi du lịch”. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính cân nhắc cấp theo đúng yêu cầu của Cục. Không chỉ vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã nói với Lãnh đạo Bộ LĐTBXH và nói đi nói lại nhiều lần ở các Hội nghị rằng: ở cơ quan Phó Thủ tướng giao cho thư ký, ở nhà thì giao cho bà xã, nếu có điện thoại của Cục PCTNXH thì không được từ chối, phải báo ngay cho Phó Thủ tướng. Những điều trên cho thấy sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ, Phó Thủ tướng và Chính phủ đến công tác PCTNXH.

Trước những khó khăn, thuận lợi và nhiệm vụ được giao, ngay sau khi thành lập, một trong những hoạt động quan trọng của Cục là khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo, xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy PCTNXH của ngành bao gồm cán bộ chuyên trách cấp tỉnh (thành lập ngay 15 Chi cục ở các tỉnh, thành phố trọng điểm, các tỉnh khác, tùy tình hình, thành lập Phòng PCTNXH hoặc tăng cường cán bộ làm công tác này ở Phòng BTXH) và cán bộ của các Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội.

Quá trình hình thành và củng cố hệ thống tổ chức cũng là quá trình huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ. Thực tiễn phòng, chống tệ nạn xã hội là trường học lớn tôi luyện cho đội ngũ cán bộ từng bước trưởng thành trên cơ sở không ngừng tổng kết, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích kết hợp với việc các đoàn đi thăm quan, khảo sát, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm quốc tế. Nhờ đó, tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của ngành đã có sự lớn mạnh, chuyển biến về số lượng và chất lượng. Từ những bước chập chững đầu tiên, hệ thống cán bộ Chi Cục (Phòng) PCTNXH thuộc Sở LĐTBXH, phòng Tổ chức lao động cấp huyện; cán bộ, nhân viên Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội với nhiều chuyên ngành khác nhau như y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội học, kinh tế, pháp luật… chưa kể đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên PCTNXH ở xã, phường được trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cần thiết và lòng nhiệt huyết, trở thành lực lượng nòng cốt PCTNXH ở các địa phương.

Cùng với đó, Cục cũng tập trung nghiên cứu, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về PCTNXH. Đây là lĩnh vực mới nhưng phạm vi điều chỉnh rộng lớn, liên quan đến nhiều hoạt động của đời sống xã hội. Hệ thống chính sách, pháp luật phải thể hiện đầy đủ chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời, phải tạo được hành lang pháp lý nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Cục đã tham mưu và trực tiếp soạn thảo các Chỉ thị của Đảng về lãnh đạo công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, xây dựng Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, nhiều Nghị định, Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều thông tư, thông tư liên bộ, nghị quyết liên tịch… trong đó có những vấn đề lớn, mang tính chiến lược. Đồng thời, hướng dẫn thực hiện các nội dung cụ thể về cơ chế, chính sách, nghiệp vụ, tổ chức hoạt động PCTNXH. Cục cũng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi nhiều văn bản như Bộ Luật hình sự, Luật phòng, chống ma túy, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh phòng, chống AIDS và nhiều văn bản cấp Chính phủ, liên Bộ. Thực tế đã khẳng định, hệ thống chính sách, pháp luật về công tác PCTNXH được xây dựng đã đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; nhiều chủ trương, giải pháp do Cục đề xuất được Chính phủ chấp nhận, góp phần vận động toàn dân tham gia PCTNXH.

Là vấn đề xã hội bức xúc, công tác PCTNXH liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều Bộ, ngành. Do vậy, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội hết sức coi trọng sự phối hợp của các đơn vị chức năng trong Bộ cũng như của các Bộ, ngành có liên quan như: Công an, Y tế, Nội vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa - Thông tin… và các đoàn thể chính trị - xã hội như Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương… trong việc xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách đến các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thanh tra, kiểm tra, truy quét triệt phá, xử lý, xét xử các ổ nhóm tệ nạn mại dâm đến giáo dục, chữa trị, cai nghiện cho đối tượng.

Ngay từ giai đoạn đó, tinh thần hướng công tác PCTNXH về xã, phường, thị trấn đã được quan tâm. Tệ nạn xã hội đều phát sinh, phát triển trên một địa bàn cụ thể. Cấp xã cũng có đầy đủ các lực lượng và không ai hiểu tình hình và có thể huy động lực lượng tại chỗ  bằng cán bộ ở đó. Chỉ những vụ việc lớn, vấn đề lớn mới cần sự vào cuộc của cấp trên. Công tác xây dựng xã phường lành mạnh được hình thành, vừa là nhiệm vụ, vừa là phong trào, đồng thời là thước đo đánh giá hoạt động PCTNXH cũng như trách nhiệm của chính quyền. Qua thời gian, càng khẳng định công tác này có hiệu quả.

Bên cạnh triển khai công tác xây dựng xã phường lành mạnh, để tăng cường lực lượng cho cấp xã, Cục đã tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng cho thành lập Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã (sau này đổi thành Đội công tác xã hội tình nguyện). Đây là cách huy động lực lượng vừa có tâm huyết, trình độ, kinh nghiệm cho công tác PCTNXH. Tình nguyện viên dù là các bác hưu trí, cựu chiến binh hay thành viên các đoàn thể xã hội đều cảm thấy vinh dự được tham gia vào Đội. Rất nhiều thành tích, kết quả hoạt động của tình nguyện viên tiêu biểu, đặc sắc, góp phần vào kết quả chung của xã, phường, thị trấn

Với tinh thần tăng cường hợp tác quốc tế để thực hiện nhiệm vụ chính trị, Cục đã thực hiện tốt việc hợp tác, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Hội đồng Kinh tế - Xã hội Châu Á Thái Bình Dương (ESCAP), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF)… trong các hoạt động cai nghiện phục hồi, phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em, phòng, chống mại dâm… Nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đã đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả của Cục.

Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục luôn tham mưu cho Bộ, Chính phủ ban hành các chương trình, kế hoạch dài hạn, sau chia ra thành từng giai đoạn, từng năm với mục tiêu rõ ràng, chỉ tiêu cụ thể. Từng quý, cuối năm phải kiểm điểm, đánh giá sát sao từng công việc. Tại sao có công việc không hoàn thành hoặc hoàn thành chưa đúng tiến độ? Giao chưa đúng người, hay quá sức của cán bộ, chưa được tạo điều kiện hay các lý do khách quan? Quan trọng hơn là phải huy động được sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị có liên quan. Để có bằng chứng và thuyết phục được các lãnh đạo về sự trụy lạc của các nhà nghỉ, nhà hàng “tù mù”, các ổ nhóm chích hút ma túy cộm cán, cán bộ Cục đã cùng với chuyên viên một số cơ quan như Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức đi khảo sát, đi thực tế để có tư liệu báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và Thường trực Ban chỉ đạo để chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc.

Để thuyết phục Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp thông qua các văn bản, chính sách, chế độ cho đối tượng và cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở, Cục nhiều lần thành lập Đoàn công tác, gồm đại diện các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp đi xuống các Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội. Có lần dẫn đoàn đến Trung tâm 05, 06 có nhiều người bị nhiễm HIV/AIDS để khảo sát thực tiễn, khi đến, các đối tượng đã thể hiện những mặt tiêu cực, sống bất cần đời, gây áp lực cho cán bộ trung tâm và cả đoàn khảo sát. Sau những chuyến đi thực tế như vậy, được tận mắt chứng kiến điều kiện khó khăn của đối tượng cũng như cán bộ Trung tâm, các Bộ, ngành cũng phải thay đổi suy nghĩ và qua đó, nhiều chính sách được thông qua.

Về nội bộ Cục, đầu tiên là xây dựng một hệ thống quy chế nội bộ “lệ làng” như: quy chế làm việc, mối quan hệ công tác giữa các phòng, các đơn vị trong Cục, quy chế quan hệ đối ngoại, quy chế khuyến khích lợi ích cán bộ khai thác được các dự án quốc tế.v.v… Hệ thống quy chế đó góp phần phát huy dân chủ nội bộ, phát huy tốt năng lực của cán bộ, xây dựng khối đoàn kết, hợp tác, lấy nhiệm vụ chính trị làm trung tâm. Về công việc, lãnh đạo Cục luôn có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng dựa trên năng lực và điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người, có thời hạn cụ thể để kiểm tra, giám sát, làm sao để mỗi người đều hoàn thành nhiệm vụ thì người ta mới phấn khởi và có động lực. Hàng năm, đánh giá, xếp loại cán bộ xem ai hoàn thành tốt công việc, ai chưa hoàn thành, tốt hay yếu ở điểm nào để cùng khắc phục. Một hoạt động nữa không kém phần quan trọng là thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các gia đình trong Cục nhân dịp nghỉ hè hay ngày lễ, tết. Thông qua những buổi giao lưu này, các cán bộ trong Cục hiểu rõ hơn về điều kiện, hoàn cảnh của đồng nghiệp, từ đó có những tương trợ, giúp đỡ nhau cả trong công việc lẫn cuộc sống, tăng cường sự đoàn kết để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Có thể nói, với những khó khăn, thuận lợi từ những ngày đầu thành lập Cục nhưng tập thể cán bộ, nhân viên Cục PCTNXH đã luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Chính phủ và Bộ giao. Đồng thời, xây dựng được một “tổ ấm”, một đại gia đình đoàn kết. Trong 10 năm đầu, năm nào Cục cũng được công nhận là tập thể lao động tiên tiến, nhiều năm được Chính phủ, Bộ tặng bằng khen và năm 2004, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, Cục đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba./.

K.H (ghi)