Cơ hội ứng tuyển chuyên gia tư vấn trong nước Ngày đăng: 12/11/2016
Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang cần tuyển chuyên gia thực hiện hoạt động rà soát, đánh giá tổng quan chính sách pháp luật về hỗ trợ nạn nhân và kiến nghị sửa đổi, bổ sung

1. Bối cảnh

Sau 5 năm thực hiện Đề án 3 giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã đạt được một số kết quả đáng kể. Tuy nhiên, nhìn chung công tác này vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Theo báo cáo của các địa phương, số nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số nạn nhân đã trở về. Nhiều nạn nhân trở về qua đường mòn biên giới lẫn với số cư trú trái phép hoặc tự trở về không qua thủ tục xác minh, tiếp nhận nên chưa được xác minh là nạn nhân nên họ cũng không được nhận các chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Hầu hết các địa phương mới dừng lại ở việc hỗ trợ tiếp nhận, nuôi dưỡng ngắn hạn tại trung tâm, hỗ trợ tiền tàu xe về gia đình theo quy định của nhà nước; việc tiếp cận và hỗ trợ những nạn nhân tại cộng đồng đem lại hiệu quả chưa cao; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng còn lúng túng, một số nơi có mô hình nhưng cũng do có dự án hỗ trợ mới làm được. Nạn nhân vẫn gặp khó khăn trong hòa nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội. Nguyên nhân chính là do phần lớn nạn nhân còn mặc cảm tâm lý, sợ bị trả thù, không khai báo với chính quyền địa phương, trình độ học vấn thấp, gia đình thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục; xã hội còn kỳ thị,... Bên cạnh đó, các chính sách pháp luật về hỗ trợ nạn nhân hiện nay còn chưa phù hợp với thực tế, thiếu các chính sách cụ thể trong hỗ trợ vay vốn, học nghề, tìm việc làm…nên ảnh hưởng tới tiến trình hòa nhập cộng đồng của các nạn nhân, việc hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân chưa thật sự bền vững.

Thực hiện Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án 3 đã ban hành Quyết định số 1057/QĐ-LĐTBXH ngày 12 tháng 8 năm 2016 phê duyệt Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2016 – 2020. Một trong những giải pháp cơ bản cần tập trung giải quyết được nêu trong Đề án tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2016 – 2020 là: Rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân cho phù hợp thực tế.

Trên cơ sở hoạt động rà soát, đánh giá tổng quan chính sách pháp luật về hỗ trợ nạn nhân, các đề xuất kiến nghị sửa đổi bổ sung sẽ góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân, đảm bảo thực hiện theo các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2016- 2020.

2. Mục tiêu rà soát, đánh giáNhằm phát hiện các quy định của chính sách, pháp luật liên quan đến công tác hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng còn có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; trên cơ sở đó đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật nâng cao hiệu quả công tác.

3. Phương pháp đánh giá: Đánh giá dựa trên các tài liệu có sẵn

- Các văn bản chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng (Nghị định 09/2013; Thông tư liên tịch 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH; Thông tư 35/2013/TT-BLĐTBXH;...)

- Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả công tác hỗ trợ nạn nhân của trung ương và địa phương trong những năm vừa qua

- Các báo cáo, nghiên cứu, khảo sát khác có liên quan

4. Các bước thực hiện

- Xây dựng phương án/ kế hoạch thực hiện

- Lấy ý kiến góp ý của các đơn vị có liên quan, hoàn thiện kế hoạch thực hiện

- Xây dựng công cụ cho công tác rà soát đánh giá chính sách, pháp luật

- Tổng hợp, phân tích thông tin, số liệu

- Xây dựng báo cáo đánh giá, rà soát

- Lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo báo cáo đánh giá

- Hoàn thiện báo cáo

5. Phạm vi công việc của chuyên gia tư vấn

Thiết kế khung đánh giá và bộ công cụ để thu thập thông tin

- Viết đề xuất đánh giá bao gồm khung thời gian và các công cụ thu thập thông tin

- Điều chỉnh và hoàn thiện đề xuất đánh giá sau khi có góp ý của Cục PCTNXH

Tiến hành hoạt động đánh giá:

- Nghiên cứu các hướng dẫn, báo cáo sẵn có (bao gồm cả các báo cáo của chi Cục, Cục, các tổ chức liên quan) về triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân

- Xử lý thông tin của hoạt động đánh giá: đọc, phân tích báo cáo

Báo cáo kết quả đánh giá

- Phân tích thông tin và xây dựng báo cáo

- Chuẩn bị và chia sẻ báo cáo tại các hội thảo góp ý

- Điều chỉnh báo cáo dựa trên các góp ý của các bên liên quan

- Hoàn thiện báo cáo

6. Thời gian thực hiện: dự kiến cuối tháng 11- 12 năm 2016 (10 ngày).

7. Yêu cầu năng lực và kinh nghiệm công tác:

- Có  ít nhất 07 năm  kinh nghiệm trong việc tiến hành đánh giá các vấn đề xã hội, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương tại Việt Nam.

- Có kinh nghiệm viết báo cáo nghiên cứu, đánh giá cho các tổ chức quốc tế và Chính phủ Việt Nam.

- Ưu tiên người có bằng cấp, chứng chỉ chuyên ngành về Luật; có kinh nghiệm làm việc liên quan trực tiếp đến công tác đánh giá, nghiên cứu xây dựng luật pháp, chính sách về phòng, chống mua bán người.

8. Thù lao: theo quy định nhà tài trợ

Các ứng viên quan tâm nộp hồ sơ trước ngày 15 tháng 11 năm 2016. Có thể gửi CV - Sơ yếu lý lịch cá nhân qua fax hoặc email. Mọi thông tin chi tiết liên hệ:

Phòng Chính sách 05, Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội

Địa chỉ: Tầng 10-11, Nhà làm việc liên cơ quan Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Lô D25, Khu đô thị Cầu Giấy, ngõ 8B, phố Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 043.9342033; Fax : 043.8267099 ;

Email: phongchinhsach05@gmail.com