Vấn đề phi hình sự hóa mại dâm ở New Zealand Ngày đăng: 08/01/2016
Thực trạng mại dâm tại New Zealand trước năm 2003 (trước khi có Luật về phi hình sự hóa mại dâm)

Trước năm 2003, các hành vi liên quan đến mại dâm như quảng cáo bán dâm, chứa mại dâm, bán dâm hay bất cứ hoạt động nào có thu nhập từ mại dâm đều là bất hợp pháp nên hoạt động mại dâm tại New Zealand diễn ra chủ yếu trá hình dưới nhiều hình thức tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Tình trạng bất hợp pháp của hoạt động mại dâm đã tạo ra điều kiện cho chủ chứa, dẫn dắt, môi giới và khách mua dâm gây ra những tổn thương đối với người bán dâm như bị ép buộc, bị bóc lột. Tình trạng này có chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát do người bán dâm không dám khai báo và tố giác tội phạm với các cơ quan chức năng. Đặc biệt, tỉ lệ lây nhiễm cao các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS trong nhóm người bán dâm do thiếu kỹ năng và khả năng đàm phán về hành vi tình dục an toàn với khách mua dâm, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, không dám nói về tình trạng sức khỏe của bản thân, sợ tiếp cận với các cơ sở chăm sóc y tế… Đây cũng nguyên nhân làm cho người bán dâm không chỉ là nạn nhân mà còn là tác nhân gây lây lan các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS ra cộng đồng.

 Một số nội dung của Luật về mại dâm được sửa đổi năm 2003

Tại New Zealand, theo quy định của Luật về mại dâm được sửa đổi năm 2003, mọi hình thức trừng phạt, xử lý hình sự và hành chính với hoạt động mại dâm đều bị xóa bỏ. Hoạt động mại dâm được Chính phủ thừa nhận như một loại hình công việc hợp pháp và đi cùng với các quy định về bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động; các cơ sở mại dâm, người bán dâm và người mua dâm buộc phải chấp nhận các quy định về an toàn tình dục. Bộ Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định này thay vì cơ quan bảo vệ pháp luật.

Mục đích của việc phi hình sự hoá mại dâm (nhưng không ủng hộ về mặt đạo đức đối với hoạt động này) nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc: Bảo đảm các quyền của người bán dâm và bảo vệ họ khỏi bị bóc lột; Tăng cường sức khỏe và an toàn của người bán dâm; Có lợi cho sức khỏe cộng đồng; Cấm sử dụng người bán dâm người dưới 18 tuổi và nghiêm cấm những người không phải là công dân hoặc không phải là cư dân định cư lâu dài tại New Zealand tham gia vào công nghiệp tình dục.

 Một số quy định về an toàn sức khỏe, giảm thiểu các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS:

Việc cung cấp, hoặc sắp xếp cung cấp dịch vụ tình dục mà không có hợp đồng được coi là bất hợp pháp. Chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ mại dâm phải chấp hành các quy định để đảm bảo hoạt động tình dục an toàn, cụ thể: chỉ được cung cấp các dịch vụ tình dục khi có các biện pháp bảo vệ như dùng bao cao su; phải đảm bảo thực hiện tất cả các bước một cách rõ ràng (bằng lời nói hoặc văn bản) để cung cấp thông tin an toàn về sức khỏe cho người bán dâm và khách mua dâm.

Người bán dâm phải thực hiện hành vi tình dục an toàn như: phải dùng bao cao su và thực hiện tất cả các bước hợp lý để đảm bảo an toàn tình dục trước khi cung cấp dịch vụ tình dục liên quan đến âm đạo, hậu môn hoặc thâm nhập bằng miệng hoặc bất cứ hoạt động khác có nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường tình dục.

Quy định về hạn chế quảng cáo liên quan đến mại dâm (quảng cáo được hiểu là bất kỳ việc sử dụng từ, hoặc hình ảnh hoặc các đại diện, dùng để thông báo sự sẵn có hoặc thúc đẩy các dịch vụ tình dục): không được phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình; hoặc không được công bố trên bất cứ loại hình báo chí, ngoại trừ phần quảng cáo rao vặt của tờ báo; không được trình chiếu tại rạp chiếu phim công cộng.

Quy định nhằm bảo vệ người bán dâm: Nghiêm cấm việc dụ dỗ hoặc ép buộc người khác tham gia bán dâm; Trường hợp đã có hợp đồng cung cấp dịch vụ tình dục, người bán dâm vẫn được quyền (vào bất cứ lúc nào) từ chối cung cấp tình dục đối với khách hàng của họ.

Quy định nhằm bảo vệ những người từ chối nghề bán dâm:  Những người từ chối nghề bán dâm sẽ không bị ảnh hưởng đến những quyền lợi của họ theo Đạo luật An sinh xã hội năm 1964, các quyền lợi liên quan đến quy định về phòng, chống tai nạn thương tích, phục hồi chức năng và Đạo luật bồi thường năm 2001.

Quy định về cấm sử dụng người bán dâm dưới 18 tuổi: Nghiêm cấm việc gây ra, hỗ trợ, tạo điều kiện, hoặc khuyến khích người dưới 18 tuổi cung cấp dịch vụ thương mại tình dục với bất kỳ người nào; không được nhận các khoản thu nhập, thanh toán hay phần thưởng nào có nguồn gốc (trực tiếp hoặc gián tiếp) từ các dịch vụ thương mại tình dục của người dưới 18 tuổi; Không được ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận, theo đó một người dưới 18 tuổi là người cung cấp dịch vụ tình dục hoặc cho người đó; Không được nhận (mua) các dịch vụ tình dục từ một người dưới 18 tuổi. Vi phạm các quy định trong việc sử dụng mại dâm của người dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm kết án phạt tù có thời hạn.

Quy định đối với việc kinh doanh mại dâm: Mọi điều hành kinh doanh mại dâm phải có giấy chứng nhận theo quy định; Người xin cấp giấy chứng nhận phải nộp hồ sơ tới Tòa án quận; hồ sơ phải thực hiện theo mẫu và kèm lệ phí theo quy định. Nếu đề nghị cấp chứng nhận bị từ chối, cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký phải thông báo cho người nộp đơn bằng văn bản và nói rõ lý do của việc từ chối đó.

Quá trình thông qua Luật năm 2003 và kết quả thực hiện

Quá trình thông qua Luật

Từ giữa những năm 1990, đại diện của Hiệp hội hỗ trợ người bán dâm New Zealand (NZPC), đại diện một số tổ chức/hiệp hội phụ nữ, những người tình nguyện hợp pháp và các thành viên của một số tổ chức phi Chính phủ và các Đảng chính trị khác nhau đã ủng hộ mạnh mẽ và tiến tới đề xuất dự thảo Luật về phi hình sự hóa mại dâm ở New Zealand.

Năm 1999, Đảng Lao động Tim Barnett đã đưa ra Dự thảo Luật sửa đổi về mại dâm nhằm hướng tới việc đảm bảo quyền của người bán dâm và bảo vệ họ trước nguy cơ bị bóc lột và thúc đẩy an sinh xã hội, tạo ra môi trường làm việc an toàn, khỏe mạnh cho người bán dâm và điều này dẫn tới việc đảm bảo sức khỏe của cộng đồng và bảo vệ giới trẻ trước nạn bóc lột liên quan đến mại dâm.

Dự thảo Luật về mại dâm đã mất hai năm rưỡi để được đưa vào chương trình xem xét thẩm định. Mặc dù Dự thảo Luật đã gây tranh cãi lớn trong quá trình thông qua Quốc hội, cuối cùng đã được thông qua và chính thức có hiệu lực vào ngày 28 tháng 6 năm 2003 với 59% ý kiến ủng hộ.

Trong quá trình xem xét thẩm định phê duyệt, nhiều người trong Chính phủ New Zealand đã đặt ra vấn đề sẽ có sự bất ổn trong xã hội, sự xuống cấp về đạo đức, làm tăng số người tham gia hoạt động mại dâm, tăng nguy cơ lây lan HIV/AIDS ra cộng đồng khi Luật này được triển khai. Vì vậy, năm 2004, Ủy ban rà soát Luật (bao gồm đại diện của Hiệp hội Hỗ trợ người bán dâm, Tổ chức Thanh niên, Nhà thờ, đại diện một số nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Luật) được thành lập để xem xét, đánh giá Luật sau 05 năm thi hành.

Một số nhận xét, đánh giá sau 12 năm triển khai Luật về phi hình sự hóa mại dâm của Ủy ban rà soát Luật, New Zealand

- Mặt được

+ Không có ghi nhận nào về sự phát triển của ngành công nghiệp tình dục hay bất cứ sự gia tăng về số lượng người bán dâm sau khi triển khai Luật.

+ Đã có những ảnh hưởng tích cực của Luật đối với việc bảo vệ quyền của những người dưới 18 tuổi liên quan đến hoạt động mại dâm; quyền bảo vệ những người trưởng thành không bị ép buộc tham gia mại dâm; bao gồm cả quyền được từ chối khách hàng hay hoạt động tình dục và quyền không bị trở thành đối tượng của việc bóc lột, xâm hại, hay buộc phải làm việc trong điều kiện tồi tệ; người bán dâm bị bạo hành có quyền (công dân/quyền con người) để khiếu nại trước tòa.

+ Đã giúp cải thiện điều kiện làm việc an toàn và giảm bạo lực đối với người bán dâm thông qua việc tăng cường khả năng thương thuyết với khách hàng để có hoạt động tình dục an toàn. Nhiều người bán dâm đã tự tin báo cáo với cơ quan chức năng khi bị bạo lực, bóc lột.

Đoàn công tác Việt Nam làm việc tại trụ sở Hiệp hội hỗ trợ người bán dâm (NZPC) tại  New Zealand

+ Vấn đề sức khỏe, an toàn của người bán dâm: việc thay đổi theo hướng thiết lập tốt mối quan hệ giữa người bán dâm với lực lượng cảnh sát cũng có nghĩa là người bán dâm có thể tiếp cận được với việc bảo vệ của cảnh sát và tăng khả năng thông báo tình trạng bị bạo lực của họ với cảnh sát; ngoài ra, người bán dâm cũng dễ dàng tiếp cận với các cơ sở y tế để được tư vấn, khám, chữa bệnh mà không bị mặc cảm và không phải che giấu như trước nữa. Vì vậy, người bán dâm ngày càng có ý thức cao về việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng trong khi hành nghề. Các nghiên cứu, khảo sát khác cho đến nay đều khẳng định tỉ lệ người bán dâm mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục thấp; chưa phát hiện thêm mới trường hợp khách mua dâm bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục do không dùng bao cao su; tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS chung trong cộng đồng thấp nhất thế giới.

+ Người bán dâm có thể tự chủ, kiểm soát hoạt động bán dâm của mình, không phụ thuộc vào người khác, vì vậy người bán dâm không nhất thiết làm việc trên đường phố mà có thể làm việc trong các “nhà thổ” hoặc có thể làm việc tại nhà.

+ Vấn đề mua bán người: New Zealand được xếp hạng cao nhất (hạng 1) theo báo cáo xếp hạng của Mỹ năm 2013.

+ Vấn đề giới trẻ tham gia vào mại dâm: Tại New Zealand, việc quy định về cấm sắp xếp hoặc tiếp nhận dịch vụ tình dục từ một người dưới 18 tuổi đã giúp không làm tăng số người trẻ tuổi tham gia mại dâm.

- Một số tồn tại, hạn chế khi thực hiện

+ So với Luật của một số nước phát triển khác, vấn đề phân biệt đối xử đối với những đối tượng tác động của Luật không được đề cập nhiều.

+ Có một số bất cập liên quan giữa Luật phi hình sự hóa mại dâm và Luật Nhập cư (không cho người nhập cư tham gia hoạt động mại dâm).

+ Có một số mâu thuẫn với Luật Tiêu dùng (về quyền lợi của người mua dịch vụ tình dục mâu thuẫn với quy định về việc người bán dâm có quyền từ chối cung cấp dịch vụ tình dục vào bất cứ thời điểm nào của hợp đồng cung cấp dịch vụ)./.

                                                                                         Lưu Hiền