5 năm thực hiện công tác phòng, chống mua bán người ở Lạng Sơn Ngày đăng: 23/03/2017
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi nằm về phía Đông Bắc của Tổ quốc gồm 5 huyện và 21 xã giáp biên giới với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; có 2 cửa khẩu Quốc tế và 2 cửa khẩu quốc gia. Toàn tỉnh có đường biên giới dài trên 231 km rất thuận lợi cho phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch với nước bạn Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Lạng Sơn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em và đưa người lao động qua biên giới làm việc trái phép và bóc lột sức lao động tại Trung Quốc.

Hiện nay, lợi dụng tình hình thất nghiệp gia tăng, nhiều lao động thiếu việc làm, có nhu cầu ra đô thị tìm việc làm nên các đối tượng đã dụ dỗ, lừa đảo, đặc biệt là mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục, kể cả đối với trẻ em. Nạn nhân bị mua bán chủ yếu là ở các vùng nông thôn, có trình độ nhận thức thấp, một số có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vướng mắc về tình cảm, một số lười lao động, muốn có cuộc sống nhàn hạ, nhiều nạn nhân khi bị bắt giữ hoặc sau khi bị bán mới biết mình bị lừa bán. Đặc biệt, trong những năm gần đây Lạng Sơn là địa bàn chung chuyển mà tội phạm mua bán người lợi dụng địa hình để đưa phụ nữ, trẻ em và người lao động sang Trung Quốc bán. Do đó, Lạng Sơn được Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm mua bán người của Chính phủ – BCĐ 130/CP (nay là Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ - BCĐ 138/CP) chọn là một trong bốn tỉnh, thành phố trọng điểm để tập trung chỉ đạo, thực hiện điểm trên toàn quốc về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Để phòng ngừa xã hội, lực lượng công an và các cơ quan truyền thông đã tổ chức chuyên mục “Vì An ninh xứ Lạng” trên đài phát thanh, truyền hình Lạng Sơn, chỉ đạo công an các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, quản lý cư trú, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý nghiệp vụ đối với các cơ sở lưu trú như: nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ gần khu vực biên giới, cửa khẩu. Theo thống kê từ năm 2012-2016 đã đưa vào diện quản lý 76 đối tượng có biểu hiện hoạt động mua bán người. Đã xác minh 9 địa bàn trọng điểm và 3 tuyến trọng điểm về hoạt động tội phạm mua bán người để tập trung áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Tiếp nhận 106 tin báo, tố giác tội phạm, khởi tố điều tra 46 vụ án, 77 bị can phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em với 83 nạn nhân bị lừa bán, tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ 128 nạn nhân bị mua bán trở về. Ngoài ra còn tiếp nhận, xác minh nhiều thông tin trình báo liên quan đến người thân mất tích, nghi bị lừa bán sang Trung Quốc, trong đó, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã thụ lý 62 vụ với 118 bị cáo liên quan đến mua bán người và mua bán trẻ em. So với tội phạm khác, tội phạm mua bán người chiếm tỷ lệ không lớn nhưng hậu quả do loại tội phạm này gây ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, cuộc sống lâu dài của người bị hại, gây mất trật tự an toàn xã hội. Do đó, hoạt động xét xử các vụ án về mua bán người luôn được tòa án quan tâm, coi trọng. Đã đưa đi xét xử lưu động 13 vụ án mua bán người tại các địa bàn xảy ra vụ án, nhất là các địa bàn biên giới để tuyên truyền và phòng ngừa, răn đe tội phạm liên quan đến mua bán người.

Các cơ quan chức năng cũng thực hiện việc tổng điều tra, rà soát số nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, kết quả rà soát trên toàn tỉnh có 109  người bị mua bán và có nghi vấn bị mua bán, có 95 nạn nhân bị mua bán tự trở về, 128 nạn nhân được giải cứu và có 14 nạn nhân chưa trở về. Toàn bộ số nạn nhân tự trở về và được giải cứu đều đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội và bố trí chỗ ăn, ở, bảo vệ, kiểm tra sức khỏe ban đầu. Đồng thời, được trợ cấp tiền tàu xe trở về nơi cư trú hoặc liên hệ với gia đình, người thân đến đón, trường hợp nạn nhân là trẻ em thì bố trí cán bộ và phương tiện để đưa về gia đình và địa phương theo quy định.

Đáng lưu ý, thời gian qua địa bàn Lạng Sơn còn tiếp nhận và hỗ trợ cho 1.169 trường hợp là công dân Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc bị trao trả do các lực lượng chức năng chuyển đến. Nhiều trường hợp rà soát, đánh giá thì có khả năng là nạn nhân của mua bán người nhưng không xác minh được do quy định về luật pháp mua bán người của Trung Quốc khác với quy định của Việt Nam, do đó phía Trung Quốc chỉ đồng ý trao trả theo dạng xuất nhập cảnh trái phép.

Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng công tác phòng, chống mua bán người ở Lạng Sơn cũng còn nhiều khó khăn: phòng, chống mua bán người là lĩnh vực phức tạp, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, truy tố, xét xử, vừa phải tiếp cận đa ngành, xây dựng chính sách hỗ trợ nạn nhân cho phù hợp với tình hình đặc thù địa phương; hiện nay, việc đi lại qua biên giới khá dễ dàng, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép diễn ra phức tạp, trong khi đó công tác quản lý, kiểm soát của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn; công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật còn hạn chế, phần lớn nạn nhân chưa có thông tin khi tìm việc làm hoặc lấy chồng nước ngoài nên dễ bị lừa gạt, không có kỹ năng tự bảo vệ bản thân; công tác nắm tình hình, điều tra, phát hiện tội phạm chưa nhiều, phần lớn các vụ án mua bán người, mua bán trẻ em được phát hiện, điều tra, khám phá qua đơn thư tố cáo của nạn nhân, gia đình nạn nhân hoặc cơ quan thông tin đại chúng; công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân về thủ tục tư pháp, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ; khó khăn trong bố trí kinh phí và cơ sở vật chất cho công tác hỗ trợ nạn nhân trở về hòa nhập cộng đồng./.

Phạm Ngọc Dũng