Hội phụ nữ tích cực phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 01/06/2023
Trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp cùng các ngành chức năng hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ vi phạm pháp luật hoàn lương, phụ nữ bị mua bán hòa nhập cộng đồng. Trong tổng số 8.454 phụ nữ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng, bị mua bán được Hội phụ nữ giúp đỡ, có 599 phụ nữ bị mua bán. Các cấp Hội tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên; hỗ trợ vay vốn, thiết bị làm nghề, dạy nghề và giới thiệu việc làm phụ nữ nguy cơ cao, nạn nhân bị mua bán trở về. Nổi bật là 02 mô hình do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam xây dựng, vận hành có hiệu quả

 

 

Mô hình Ngôi nhà bình yên thành lập 8/3/2007. Mục đích của Nhà bình yên nhằm hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện đối với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị mua bán, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững thông qua cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, toàn diện và miễn phí (sức khỏe, tâm lý, pháp lý, trang bị các kỹ năng sống, hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề và sinh kế, hồi gia) có địa điểm tại Hà Nội và Cần Thơ. Có Tổng đài hỗ trợ phụ nữ 1900969680 có phần mềm quản lý ca để cập nhật dữ liệu phát sinh. 

Giai đoạn 2018 – 2022, Ngôi nhà bình yên tại Hà Nội đã tiếp nhận và hỗ trợ 94 nạn nhân bị mua bán, trong đó 63 phụ nữ, 29 trẻ em và 02 nam giới. 100% phụ nữ, trẻ em được đảm bảo tạm lánh trong môi trường an toàn, thân thiện, được chăm sóc sức khỏe cơ bản (83% người tạm trú được hỗ trợ khám và điều trị sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện), được tham vấn tâm lý ban đầu; cung cấp về vấn đề luật pháp và cung cấp dịch vụ tư vấn luật sư miễn phí, được học kỹ năng mềm phục vụ cuộc sống và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, được tư vấn nghề nghiệp (78% người tạm trú được kết nối với các cơ sở dạy nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu cá nhân); 95% người tạm trú hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân; 95% người tạm trú được hỗ trợ chi phí trở về địa phương.

Tất cả nạn nhân sau khi rời Ngôi nhà bình yên đều được theo dõi hỗ trợ hồi gia theo quy trình từ 18- 24 tháng bởi nhân viên xã hội và người theo dõi hồi gia tại gia đình, địa phương hoặc nơi làm việc. Duy trì 01 nhóm “Tự lực” với hơn 50 thành viên là những người tạm trú đã tái hòa nhập cộng đồng. Báo cáo quốc gia và quốc tế đều đánh giá cao về mô hình này như là một phần nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại bạo lực gia đình và chống nạn mua bán người.

Mô hình Văn phòng hỗ trợ phụ nữ di cư: Từ năm 2020, với sự tài trợ của cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA) thông qua Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Trung ương Hội đã thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập ­­­­­­­­­­­­­­­­­bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ” tại 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Cần Thơ, Hậu Giang (gọi tắt là OSSO). Dự án cung cấp các hoạt động truyền thông cộng đồng và dịch vụ hỗ trợ cho những phụ nữ di cư hồi hương. 05 Văn phòng OSSO đã thực hiện tư vấn, hỗ trợ cho 5.228 lượt với 1.453 phụ nữ di cư hồi hương, trong đó 40% tư vấn về pháp lý, 33% tư vấn về tâm lý, sức khỏe gia đình. Trong bối cảnh Covid-19, dự án đã hỗ trợ khẩn cấp cho 1.000 phụ nữ di cư trở về tại địa bàn dự án bằng tiền và hiện vật từ nguồn dự án.

Tại các tỉnh, thành, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cũng có các mô hình hỗ trợ nạn nhân như: Mô hình “Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng” của Yên Bái do Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam tài trợ; Mô hình nhóm “Phụ nữ tự lực bình minh xanh” của Bắc Giang… hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân của mua bán người được vay vốn tạo sinh kế, hướng dẫn, tư vấn pháp luật cho các chị làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con.

Ngoài ra, Hội đã và đang triển khai thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030) và chủ trì thực hiện 03 Đề án của Chính phủ (Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” (Đề án 938); Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939); Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01) và nhiều chương trình, hoạt động khác (Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Mẹ đỡ đầu”...) qua đó, thiết thực hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội bức thiết của phụ nữ, trong đó, có hỗ trợ phụ nữ nguy cơ cao bị mua bán, phụ nữ bị mua bán, nữ phạm nhân hoàn lương hòa nhập cộng đồng.

Có thể nói, công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng đã góp phần ổn định cuộc sống, giảm nguy cơ, rủi ro mua bán người và tạo ra được những mô hình can thiệp trực tiếp, mô hình hỗ trợ phụ nữ có hiệu quả tại cộng đồng, có thể duy trì nhân rộng ra nhiều địa bàn khác trong thời gian tới./.

TM