Kiên quyết đẩy lùi nạn mua bán người qua hôn nhân Ngày đăng: 22/12/2020
Cuộc sống khó khăn khiến nhiều phụ nữ muốn sang biên giới làm việc, lấy chồng ngoại với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn gửi về quê nhà. Tuy nhiên, công việc nhàn hạ lương cao đâu chẳng thấy, chỉ thấy phần lớn trong số họ bị bán vào ổ chứa, qua tay nhiều người, sống kham khổ, vất vả hơn xưa.

Cuộc sống gia đình khó khăn, chị Nguyễn Thị Hồng ở tỉnh Bắc Ninh đóng gạch từ sáng sớm tới tối muộn mà vẫn không đủ ăn. Nghe nhiều người mách bảo lấy chồng nước ngoài sẽ có cuộc sống tốt hơn. Chẳng ngờ khi sang tới nước bạn, thực tế chị phải đối mặt hoàn toàn khác với những dự kiến ở quê nhà.

Sang Trung Quốc, chị Hồng cùng nhiều thiếu nữ trẻ khác bị bán vào hết nhà chứa này lại sang nhà thổ khác. Đến đâu chị cũng bị bắt mặc những bộ quần áo hở trên hở dưới, chát phấn dày cộp, cứ khách đến lại bị lùa ra ngoài cho khách xem, chọn hàng… Nhục nhã, ê chề, nhiều lần chị muốn tự tử cho xong nhưng vì đứa con trong bụng, nhớ đến người chồng nghèo khó ở quê nhà, chị lại nuốt nước mắt vào lòng chịu đựng. 3 lần bị bán vào nhà chứa như vậy, cuối cùng chị cũng được một ông khách già nua nhưng tốt bụng, chuộc chị ra, giúp chị sinh con vẹn tròn. Không ngoại ngữ, không bà con, không người quen biết, sống giữa nơi đất khách quê người, chị Hồng nhiều lần bế con trốn về nhưng đều thất bại. Chấp nhận gắn bó với người đàn ông khắc khổ đã có ơn chuộc mình, chị sống bên ông ta và sinh hạ một người con nhưng cháu bị bệnh, mất sớm. 9 năm ròng rã như vậy, cuối cùng, người chồng ấy cũng chấp nhận cho 2 mẹ con trở về quê nhà.

Một số phụ nữ trốn được, tìm về quê nhà nhưng không chịu được sự ghẻ lạnh của chồng, láng giềng, hàng xóm, họ lại ra đi. Cũng có người về thăm nhà rồi lại quay lại nước bạn. Bởi lẽ, ở đất nước xa xôi, lạ lẫm ấy, họ cũng đã có một mái nhà, một ông chồng mới và những đứa con mới… Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hồi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Mỗi năm một lần chị Hồi đưa chồng con về thăm nhà, thăm người thân. Anh Nguyễn Văn Dùng em trai chị Hồi kể: Trước chị về chị bảo cuộc sống không bằng ở Việt Nam, ở nông thôn cũng rất vất vả; lấy người chồng bỏ vợ, tuổi cao hơn, phải làm thuê, làm mướn nhiều chứ. Chị kể cũng cực lắm, nhưng lấy chồng có con rồi nên bắt buộc phải ở đấy.

Còn chị Chang Thị Sàng ở xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái bị đối tượng Lý A Dì, sinh năm 1997, trú tại bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn cũng thuộc Mù Cang Chải lừa bán ra nước ngoài. Vốn có vẻ ngoài trắng trẻo, thư sinh, lại khéo ăn nói, nên Dì dễ dàng làm quen và kết bạn với những cô gái ở các vùng lân cận, trong đó có Sàng. Sau đó hứa hẹn yêu đương, rủ đi chơi xa, Dì đã bán Sàng cho người nước ngoài. May mắn, chị Sàng đã trốn thoát khỏi đường dây mua bán người của đối tượng Lý A Dì.

Sàng kể lại, được Dì làm quen và rủ đi chơi, tôi đã đồng ý. Khi đi qua cửa khẩu Lào Cai thì gặp 2 vợ chồng người Trung Quốc, Dì bảo tôi chờ ở đây để đi vay tiền đi chơi tiếp, sau khi Dì đi rồi 2 người này mới nói rằng tôi đã bị bán cho họ. Ở đây được một thời gian tôi may mắn trốn thoát được nên đã tố cáo đến cơ quan chức năng.

Những vụ buôn bán người được phát giác gần đây cho thấy, hầu hết đều có sự câu kết giữa các đối tượng trong nước và những đối tượng bên kia biên giới, điều đó đã khiến cho công tác phòng chống và giải cứu của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng thường lợi dụng trình độ của người dân còn nhiều hạn chế, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn, rồi sử dụng chiêu thức, thủ đoạn là làm quen, kết bạn qua mạng xã hội, hay trực tiếp đến nơi để tiếp cận nạn nhân, tạo sự tin tưởng; hứa hẹn đưa sang bên Trung Quốc lấy chồng sẽ có cuộc sống khấm khá hơn so với ở nhà làm nương… Sau đó, chúng thiết lập đường dây buôn người.

Bà Cao Thị Hồng Vân, chuyên gia nghiên cứu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, mánh khóe lừa gạt này không mới nhưng vẫn lừa được nhiều chị em phụ nữ, bởi lẽ, việc lừa bán cứ tưởng phải là người lạ mặt, nhưng không, đây toàn là người quen biết, họ hàng, thậm chí là người thân. Vì dân mình thì như mọi người cũng biết rồi, sống bằng niềm tin, đó là, biết mặt, biết người và bọn tội phạm lợi dụng niềm tin ấy. Thứ 2 là cộng với nhu cầu về tương lai, viễn cảnh tốt đẹp; muốn đi làm có lương, có nghề nghiệp ổn định, thì ai mà chả thích. Đấy là nguyện vọng rất chính đáng và việc đó là việc bình thường, ai cũng có nhu cầu như thế, đặc biệt, là dân ở vùng sâu vùng xa, những người nghèo, ít được tiếp cận thông tin lại càng dễ bị lừa.

Trước thực trạng trên, Công an các tỉnh khu vực biên giới đã tăng cường bám sát địa bàn, sàng lọc các đối tượng nghi vấn, cương quyết ngăn chặn, triệt phá các đường dây, bắt giữ những đối tượng, vụ việc liên quan đến mua bán người trên địa bàn.

Cùng với sự quyết liệt của lực lượng công an, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân trước những chiêu thức của các đối tượng xấu để bảo vệ gia đình và bảo vệ chính mình. Song song với đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng cao để không có kẽ hở cho những kẻ buôn người lợi dụng. Từ đó, dần đẩy lùi loại tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội của người dân vùng cao./.

Kim Quy