Trà Vinh: Tập trung các nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2019 Ngày đăng: 14/02/2019
Năm 2018, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) ở tỉnh Trà Vinh đạt được một số thành công nhất định, góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị, an ninh – quốc phòng được giữ vững. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, các điểm nóng về mại dâm, ma túy được đẩy lùi và bớt phức tạp. Điều quan trọng hơn cả là ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng được nâng lên.

Về công tác tuyên truyền giáo dục, tỉnh đã tổ chức tuyên truyền với nhiều nội dung, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và lây nhiễm HIV/AIDS; phòng, chống mua bán người và các văn bản có liên quan. Trong năm đã tổ chức 61 cuộc tuyên truyền tại các huyện, thị xã và thành phố thu hút 6.064 lượt người tham dự (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước). Qua đó, giáo dục cho cán bộ và quần chúng nhận thức được tác hại của tệ nạn xã hội và có thái độ kiên quyết bài trừ.

Phối hợp với một số cơ quan truyền thông của trung ương và địa phương tuyên truyền về lĩnh vực phòng, chống ma túy mại dâm. Tổ chức “Hội thi phổ biến, giáo dục pháp luật về tìm hiểu phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội năm 2018” trong học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng nghề và Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh với trên 220 học sinh, sinh viên đăng ký tham dự. Phối hợp với Phòng PC47 Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền về tác hại của ma túy và các biện pháp phòng, chống cho học viên đang cai nghiện tại Cơ sở Tư vấn và Điều trị cai nghiện ma túy.

Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 11 cuộc kiểm tra tại 27 cơ sở kinh doanh dịch vụ tại thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải và huyện Trà Cú, qua đó, phát hiện 04 cơ sở không ký kết hợp đồng lao động với nhân viên; 04 cơ sở kinh doanh karaoke quá giờ quy định đã lập biên bản nhắc nhở và buộc chủ cơ sở cam kết không tái phạm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của huyện Tiểu Cần, Cầu Kè và Châu Thành tiến hành khảo sát 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ nghi vấn hoạt động mại dâm trên địa bàn, phát hiện và triệt xoá 06 tụ điểm hoạt động mại dâm, tạm giữ 29 đối tượng, xử phạt phạt hành chính với số tiền là 97.600.000 đồng và lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự 02 chủ chứa.

Về công tác cai nghiện, 101 học viên đang được quản lý, điều trị tại Cơ sở Điều trị cai nghiện ma túy tỉnh. Trong đó, tiếp nhận 91 học viên (74 cai nghiện bắt buộc, 01 không nơi cư trú ổn định và 16 cai nghiện tự nguyện). Tổ chức 515 lượt thăm gặp người thân và giải quyết tái hòa nhập cộng đồng 28 học viên, gồm 13 cai nghiện bắt buộc và 15 cai nghiện tự nguyện; vận động và truy bắt 08 học viện tự ý bỏ trốn. Bên cạnh đó, Cơ sở tổ chức khám và điều trị bệnh thông thường cho 4.587 lượt học viên, chuyển tuyến trên 34 lượt, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tư vấn và lấy 125 mẫu máu xét nghiệm, tầm soát HIV cho học viên.

Chi cục PCTNXH tỉnh còn phối hợp với Trường Đại học Lao động – Xã hội tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy và cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp học có 48 cán bộ, công chức, viên chức tại Cơ sở cai nghiện ma túy, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội và Y, Bác sĩ ngành y tế. Phối hợp tổ chức tập huấn Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm cấp huyện và cấp xã năm 2018 tại 09/09 huyện, thị xã và thành phố với 610 đại biểu dự. Tham mưu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Sở Nội vụ trình Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm, đóng góp dự thảo khung kinh tế - kỹ thuật mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại cộng đồng.

Tuy nhiên, trước mắt, Trà Vinh cũng còn một số khó khăn do tình trạng mại dâm hoạt động ngày càng tinh vi, biến tướng, tập trung ở các quán cà phê đèn mờ, bia ôm, massage…, chờ khách đến ngã giá hoặc điện thoại hẹn khách đi vào các phòng trọ để mua bán dâm, khi bị bắt quả tang chỉ xử lý phạt hành chính, không đưa đối tượng vào cơ sở chữa bệnh, không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nên rất khó quản lý. Việc xử lý vi phạm đối với người mua dâm, bán dâm chủ yếu là cảnh cáo, phạt tiền với số tiền nhỏ nên chưa đủ sức răn đe; công tác quản lý địa bàn của một số địa phương còn lỏng lẻo; công tác kiểm tra của Đội kiểm tra liên ngành một số huyện chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp. Công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình và tại cộng đồng gặp khó khăn do đa phần gia đình có người thân bị nghiện hầu như không đủ điều kiện để tự cai nghiện; tâm lý người nghiện ma túy sợ nhiều người biết, gia đình bao che và chưa tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện; cán bộ y tế cấp xã chưa đủ năng lực, trình độ nghiệp vụ để điều trị cắt cơn, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu điều trị.

Năm 2019, tỉnh Trà Vinh tiếp tục thực hiện mục tiêu phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức, phòng, chống mua bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục góp phần bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhằm giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm, ma túy đối với đời sống xã hội và xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện ma túy, nhằm giảm tác hại và kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao sức khỏe nhân dân; hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Cụ thể, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn được hỗ trợ hoặc tự tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong công tác phòng, chống mại dâm, ma túy; trên 95% hộ dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn được tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ xã hội; 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện thực hiện ký cam kết không để tệ nạn xã hội xảy ra trong phạm vi cơ sở quản lý; đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm và xử lý nghiêm minh 100% số vụ việc, đường dây hoạt động mại dâm được phát hiện; giảm hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ; 100% cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được tập huấn, nâng cao năng lực về tổ chức điều hành, phối hợp liên ngành và giám sát, đánh giá trong công tác phòng, chống mại dâm, ma túy; phấn đấu số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý, đạt 37%; quản lý số người tham gia hoạt động mại dâm có hồ sơ quản lý trên địa bàn là 241 đối tượng; đăng ký và công nhận mới 02 xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

Để thực hiện có hiệu quả những chỉ tiêu trên, Chi cục PCTNXH tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đề cao vai trò thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với tổ chức tập huấn kỹ năng phòng, chống ma túy, mại dâm trong cộng đồng dân cư. Tăng cường hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành 178 của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố nhằm xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Phối hợp với Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản về địa bàn, đối tượng tổ chức hoạt động mại dâm; kiểm tra, điều tra, khảo sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ nghi vấn hoạt động mại dâm, từ đó có kế hoạch triệt phá kịp thời. Tổ chức tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về. Tiếp tục và triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm./.

N.C