Cơ sở cai nghiện ma túy Lâm Đồng: Vượt lên khó khăn, tìm hướng đi mới Ngày đăng: 11/02/2019
Tiền thân là Trung tâm 05-06, Cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) tỉnh Lâm Đồng được thành lập năm 2001 với 12 cán bộ, nhân viên, 42 học viên. Lúc đầu, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, tạm bợ, gần 20 ha đất trống đang bị người dân lấn chiếm, quỹ sản xuất hầu như không có, mọi hoạt động chi tiêu đều phải thực hiện qua cơ chế bao cấp.

 

Trưởng thành từ sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Cũng như các Cơ sở cai nghiện khác trong cả nước, hoạt động của CSCNMT tỉnh Lâm Đồng luôn gắn liền với các nguy cơ học viên bỏ trốn, hành hung, chống đối, vi phạm pháp luật… Nhưng cũng từ đó, lãnh đạo Cơ sở đã nhận ra một thực tế rằng, nhu cầu của người cai nghiện là rất lớn, luôn là vấn đề bức thiết đối gia đình họ và cộng đồng xã hội. Nghiện là một gánh nặng, vì vậy đáp ứng nhu cầu đó một cách hiệu quả chính là chìa khóa để Cơ sở chủ động xây dựng vị trí của mình trong xã hội.

Năm 2002, Cơ sở được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận ban hành Quy chế tạm thời tiếp nhận người cai nghiện tự nguyện. Ngay năm đầu, 18 người đến cai tự nguyện cùng với hơn 70 người cai bắt buộc. Năm 2004, số cai tự nguyện tăng lên 41/166 người cai nghiện (chiếm tỉ lệ gần 25%). Năm 2006, Cơ sở trình duyệt đề án tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Năm 2007, UBND tỉnh phê duyệt cho phép Cơ sở là một trong 12 đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ. Một hành trình mới bắt đầu - hành trình cung cấp dịch vụ thay vì phải trở thành "người cai tù bất đắc dĩ".

Trong 5 năm (2012-2017), CSCNMT tỉnh Lâm Đồng bền bỉ xây dựng nền móng cho các hoạt động như một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thực thụ, gồm: cải tạo cơ sở vật chất; tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng (do đã được phân quyền tự chủ); đầu tư tạo nguồn thu từ vườn cây công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp; lập đề án thu phí quản lý - phục vụ người cai tự nguyện; không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ điều trị tự nguyện; trình duyệt Quy chế điều trị và biểu giá dịch vụ điều trị tự nguyện. Kết thúc 5 năm đầu tư, từ năm 2014, khi phần lớn các Cơ sở cai nghiện công lập không tiếp nhận được người vào cai nghiện, thì Cơ sở luôn bảo đảm người đăng ký thường xuyên, đạt trên 75% công suất thiết kế. Đến cuối 2017, sự thành công của cơ chế tự chủ được thể hiện qua số liệu, cụ thể là:

- Hình thành hệ thống dịch vụ cho 2 nhóm người cai nghiện với 14 dịch vụ; tổng số người điều trị tự nguyện chiếm trên 85% tổng số người cai nghiện. Số người tiếp nhận năm sau luôn cao hơn năm trước trên 40%. Số học viên có mặt thường xuyên vượt công suất trên 65%. Chỉ tính riêng 2018, số được điều trị là 716 người, trong đó có 604 người cai tự nguyện đến từ 15 tỉnh, thành phố trong cả nước (chiếm trên 84% tổng số người được cai) với thời hạn trên 6 tháng.

- Kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp do đơn vị hoạch toán cao hơn kinh phí chi thường xuyên do ngân sách cấp, trong đó nguồn thu từ dịch vụ cai nghiện tự nguyện là nguồn thu chính.

- Từ nguồn thu sự nghiệp, Cơ sở tự đầu tư 4 tỉ đồng sửa chữa, tu bổ cơ sở vật chất; chi tăng thêm cho viên chức, người lao động đạt 110% thu nhập do ngân sách cấp.

- Xây dựng kế hoạch, chủ động tiếp nhận người nghiện; tuyển dụng, đề bạt, khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ, nhân viên máy nhân sự. Và điều quan trọng nhất là viên chức và người lao động của Cơ sở không còn “mang danh” "người cai tù bất đắc dĩ" mà đã chuyên tâm trọn thời gian cho nghiệp vụ chuyên ngành.

Những bài học quý

Ông Dương Đức Thành, Giám đốc CSCNMT Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, người nghiện từ nhiều tỉnh, thành phố đã chọn CSCNMT Lâm Đồng để điều trị. Câu trả lời là, người nghiện đã tự tìm đến nơi nào có dịch vụ làm cho họ hài lòng nhất. Bất cứ ai trong đội ngũ những người làm công tác cai nghiện chuyên nghiệp đều có thể trả lời thật lòng: Nếu muốn, chúng ta đều có thể làm được. Vấn đề ở chỗ, động lực nào, nguồn lực nào tạo ra chất lượng? Một trong những cách tốt nhất là xây dựng cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ - như bài học của Lâm Đồng đã làm trong thời gian qua.

Trước hết, để tự chủ, lãnh đạo và người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong CSCNMT công lập phải kiên quyết chuyển đổi nhận thức. Cho đến nay, quan điểm xem người vào cai nghiện gần như là tội phạm và phương pháp quản lý được ưu tiên lựa chọn là “cai trị” và yêu cầu chấp hành. Quan điểm này đôi lúc không sai nhưng hậu quả sẽ tạo ra sự đối kháng trong quan hệ, thời gian và công sức chủ yếu dành cho sự đối phó chiếm tỉ lệ không nhỏ.

Ở CSCNMT Lâm Đồng, 5 năm qua, cán bộ, nhân viên đã thay đổi tận gốc quan điểm và nhận thức, phải lấy chất lượng dịch vụ làm sự sống còn, chất lượng kém “khách hàng” sẽ quay lưng, thương hiệu sẽ xuống cấp và nguồn thu sụt giảm, kéo theo là không thu hút được đội ngũ giỏi và không có kinh phí đầu tư phát triển. Phương châm làm việc của cán bộ, nhân viên là "Thân thiện, Phục vụ và Kỷ cương". Phục vụ xuyên suốt trong mọi phương pháp; Thân thiện trong thái độ và Kỷ cương trong tự điều chỉnh lối sống cũng như trong yêu cầu học viên thực hiện quy trình, luôn thân thiện để tạo hiệu ứng hợp tác và tự giác trong điều trị.

Thứ hai, thực hiện tự chủ theo cơ chế giao vốn như doanh nghiệp. Từ con số không, hiện nay lợi nhuận từ nguồn thu của Cơ sở đạt trên 2,5 tỉ đồng/năm. Số thu này đến từ nhiều nguồn, trong đó nguồn lớn nhất và ổn định nhất là thu dịch vụ cai nghiện tự nguyện, còn lại từ nhiều nguồn khác: trang trại cây công nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp v.v…

Để có được nguồn thu, từ năm 2007, Cơ sở đã chủ động thiết lập Đề án xây dựng đơn vị tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Một trong những nội dung quan trọng nhất là Cơ sở đã thuyết phục được cấp có thẩm quyền phê duyệt là tạo nguồn thu từ chính nhiệm vụ được giao - nhiệm vụ cai nghiện ma túy theo phương thức tự nguyện (thoe mức thu dịch vụ do Cơ sở đề xuất). Khi đã chứng minh hiệu quả tự chủ qua nhiều năm, tháng 6/2017, Cơ sở được UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định chính thức giao tài sản Nhà nước quản lý, sử dụng theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp. Với quyết định này, CSCNMT tỉnh Lâm Đồng đã được coi như một doanh nghiệp công ích với nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy cho cộng đồng.

Để đạt được cơ chế tự chủ, cần phải tạo lòng tin và có Đề án tự chủ phù hợp - một vấn đề không phải dễ dàng đối với một Cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Thứ ba, xây dựng nhóm giải pháp tác nghiệp chuyên môn phù hợp. Về cơ bản, các giải pháp chuyên môn tại CCSNMT tỉnh Lâm Đồng đều chấp hành các quy trình, quy phạm điều trị hiện hành của Nhà nước, chỉ có sự khác biệt là được bổ sung các giải pháp gần với nhu cầu, mong muốn của người đến cai nghiện với 2 nhóm dịch vụ chính: nhóm dịch vụ cơ bản (cắt cơn giải độc, điều trị y tế, khôi phục thể lực, bảo đảm an ninh - an toàn, giáo dục chuyên đề theo hệ tín chỉ, dạy nghề, lao động trị liệu) và nhóm dịch vụ bổ trợ, tùy chọn, nâng cao (dinh dưỡng, khôi phục giá trị sống, thư viện, cà phê sách, giải trí tích cực, tham gia các chi hội chuyên ngành, tư vấn tay ba…). Các nhóm dịch vụ được thực hiện qua 3 giai đoạn: Điều trị y tế - Phục hồi giá trị sống - Chuẩn bị hòa nhập.

Tất cả đều được thực hiện theo quy trình quản lý trường hợp và bảo đảm nguyên tắc: đã là dịch vụ thì phải đáp ứng nhu cầu, người được phân công cung cấp dịch vụ sẽ không được đánh giá cao nếu dịch vụ không đạt được sự chấp nhận của người sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh quá trình cung cấp dịch vụ, nhằm kiểm chứng chất lượng và bảo đảm các dịch vụ ngày càng bền vững và hiệu quả, Cơ sở hình thành hai cơ chế phản hồi và phản biện: Năm 2017 hình thành cơ chế phản hồi về chất lượng dịch vụ: Bao gồm các phương thức như xây dựng Bộ công cụ tiếp nhận và xử lý phản hồi thông tin về chất lượng phục vụ, sinh hoạt đối thoại hàng tháng giữa lãnh đạo với học viên, loại hình "Một giờ với Giám đốc", tổ chức Khảo sát sự hài lòng của học viên định kỳ 6 tháng về chất lượng từng dịch vụ và từng nhân sự làm việc tại Cơ sở; Năm 2018 thành lập Tổ phản biện chất lượng dịch vụ (thành viên của tổ là học viên tự quản), tổ có trách nhiệm thường xuyên phát hiện và có tiếng nói (thậm chí trái chiều) về tất cả các loại hình dịch vụ một cách thường xuyên.

Hai cơ chế này đã tạo nên sự phản ánh rất kịp thời - tất nhiên trên cơ sở đối thoại và thiện chí từ hai phía, giúp Cơ sở điều chỉnh kịp thời các yếu tố chủ quan trong các quy chế điều trị và phục vụ, đồng thời giúp mọi việc trở nên minh bạch, sòng phẳng; tất cả viên chức đều phải luôn phấn đấu hoàn thiện phong cách phục vụ của mình.

Thứ tư, tạo ra sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ. Với nhận thức không thể đạt hiệu quả nếu chỉ điều hành áp đặt từ một phía, những năm qua Cơ sở đã tạo ra sự cộng tác trong các quy trình điều trị. Sự cộng tác không chỉ giữa nhân viên xã hội với học viên, mà còn giữa đơn vị với các nguồn lực khác trong cộng đồng. Các hoạt động chủ yếu tạo ra sự cộng tác, gồm: cộng tác trong Cơ sở qua sự gắn bó mật thiết với ban điều hành tự quản của học viên. Xây dựng một hệ thống điều hành thứ hai bên cạnh hệ thống viên chức. Tự quản không chỉ về an ninh trật tự, mà tự quản cộng tác gần như toàn bộ quy trình: hậu cần, thi đua, đánh giá kết quả, văn hóa thể thao, sinh hoạt chi hội, chào cờ đầu tuần, giao ban Daytop, phân công - điều hành vv…; cộng tác với thân nhân qua Ban đại diện học viên; cộng tác với các nguồn lực địa phương qua việc xây dựng và tổ chức hoạt động 3 Văn phòng tư vấn tại 3 địa phương trọng điểm về ma túy của tỉnh (TP. Đà Lạt, huyện Đức Trọng, huyện Lâm Hà); cộng tác với các nguồn lực khác để thực hiện chương trình Đồng hành với học viên sau cai.

Có thể nói, phương thức cộng tác mà Cơ sở đã xây dựng trong nhiều năm qua đã tạo nên thương hiệu đặc thù, được cộng đồng thừa nhận là trung tâm mở trong hoạt động cai nghiện, góp phần rất quan trọng trong việc hỗ trợ đội ngũ nhân lực cơ hữu khá mỏng hiện nay.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, phác đồ điều trị các chất ma túy mới (nhất là ma túy tổng hợp) và tài liệu tư vấn - giáo dục chuyên ngành chưa đầy đủ, nhưng có thể khẳng định, CSCNMT tỉnh Lâm Đồng đã mạnh dạn chuyển đổi thành đơn vị sự nghiệp tự chủ. Đây là lộ trình tất yếu. Không tự chủ, các CSCNMT sẽ phải dựa dẫm vào cơ chế bao cấp, xin - cho, tồn tại với bộ máy nhân sự không giỏi và thu nhập không cao. Không tự chủ và tự chịu trách nhiệm, người đứng đầu các cơ sở sẽ lười biếng quản lý để đơn vị phát triển, nhân viên mãi là "người cai tù bất đắc dĩ" dù không bao giờ mong muốn.

Và đây có thể là con đường tốt nhất để nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện ma túy của các cơ sở cai nghiện công lập. Để có bài học thành công và tạo dựng được thương hiệu lâu dài, cần phải xây dựng được bộ máy nhân sự giỏi nghề, và tất nhiên, phải tìm chọn được người đứng đầu biết cách làm cho "doanh nghiệp đặc thù" này ngày càng phát triển hơn./.

Như Ngọc