“Ngôi nhà bình yên” – Bến đỗ an toàn của trẻ em bị mua bán Ngày đăng: 18/10/2017
Hiện nay, trong số các mô hình hỗ trợ trẻ em bị mua bán tại Việt Nam thì mô hình “Ngôi nhà bình yên” thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) là một mô hình trợ giúp trẻ em bị mua bán khá toàn diện từ cung cấp nơi ăn, ở an toàn; chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ pháp lí, tâm lí; học văn hóa, học nghề; hoạt động vui chơi, giải trí; giáo dục kỹ năng sống; hỗ trợ hồi gia…

Được thành lập tháng 3/2007, Ngôi nhà bình yên (đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) với mục đích hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và bị mua bán trở về - đây là mô hình do Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AICED) tài trợ, nhằm thực hiện hỗ trợ trực tiếp về sức khỏe, tâm lý, dạy nghề và tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em bị mua bán trở về để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau hơn 10 năm hoạt động, đến nay, Ngôi nhà bình yên đã hỗ trợ cho 125 trẻ em, người dưới 18 tuổi (chiếm 36,9% tổng số nạn nhân bị mua bán trở về thuộc 17 dân tộc, cư trú ở 49 tỉnh, thành phố trong cả nước).

Với 4 bộ phận chức năng: Văn phòng quản lý dự án; Phòng tham vấn; Ngôi nhà bình yên và Nhóm trẻ Hương Sen, các hoạt động công tác xã hội trợ giúp trẻ em bị mua bán được thực hiện gồm các nội dung sau:

- Hỗ trợ nơi tạm trú an toàn: Đây là vấn đề ưu tiên hàng đầu khi trẻ em được tiếp nhận vào Ngôi nhà bình yên. Thời gian tạm trú cho trẻ em bị mua bán từ vài ngày đến 6 tháng, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn. Cơ sở vật chất được trang bị tương đối đầy đủ như: phòng khách, phòng tham vấn, phòng ngủ, phòng đọc sách, phòng ăn; hệ thống camera giám sát và thiết bị sinh hoạt đảm bảo cho các em môi trường sinh hoạt an toàn, yên tĩnh, đảm bảo phục hồi sức khỏe.

- Chăm sóc, phục hồi sức khỏe: Đa số các em khi vào Ngôi nhà bình yên có vấn đề sức khỏe do thời gian bị bạo hành, cưỡng bức lao động, ép bán dâm hoặc làm vợ. Bên cạnh đó, do tuổi còn nhỏ, kiến thức chăm sóc bản thân hạn chế hoặc mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục không được chữa trị kịp thời ảnh hưởng lớn tới thể chất, sức khỏe bị giảm sút. Vì vậy, sau khi ổn định chỗ ăn, ở, các em được khám chữa bệnh miễn phí. Đối với trường hợp bị bệnh nặng, Ngôi nhà bình yên kết nối với một số bệnh viện, cơ sở y tế để điều trị cho các em.

- Tư vấn tâm lý: Sau thời gian bị mua bán, tâm lý các em không ổn định, bị sang chấn, căng thẳng tâm lý, thậm chí có trường hợp khá nặng thường xuyên bị hoảng loạn nếu không chữa trị kịp thời sẽ bị rối nhiễu tâm trí, mắc các bệnh về tâm thần. Do vậy, cán bộ tư vấn đã can thiệp và hỗ trợ các em về tinh thần, tình cảm dần lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Việc trị liệu tâm lý được tiến hành bởi các cán bộ có chuyên môn về tâm lý học, công tác xã hội, có kinh nghiệm. Nhiều trường hợp trẻ bị rối nhiễu tâm trí phải nhờ chuyên gia có kinh nghiệm hoặc đưa đến bệnh viện tâm thần chữa trị.

- Hỗ trợ pháp lý: Ngoài vấn đề sức khỏe, các nạn nhân thường không có giấy tờ tùy thân, không có hộ khẩu hoặc không có người thân. Bởi vậy, cán bộ, nhân viên công tác xã hội đã phối hợp với chính quyền địa phương xác minh, làm thủ tục cấp lại giấy tờ hoặc kết nối với trung tâm hỗ trợ pháp lý phân công luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho các em khi có vụ việc tố tụng tại Tòa án.

- Giáo dục kỹ năng sống: Thời gian ở tại Ngôi nhà bình yên, 100% các em được tham dự các khóa đào tạo kỹ năng sống do tổ chức Hagar và các cô, các chị là cán bộ của Trung tâm Phụ nữ và phát triển hướng dẫn, trang bị gồm: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng tự phục vụ; kỹ năng nhận thức về bản thân, về giá trị cuộc sống; kỹ năng xây dựng niềm tin. Trước đó, các em được nhân viên công tác xã hội khảo sát và đánh giá bước đầu về các kỹ năng sống bị thiếu hụt để có phương pháp phù hợp, hiệu quả cho từng đối tượng cụ thể.

- Tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí: Sau một thời gian các em sống trong điều kiện bị hành hạ bạo lực, bị cưỡng ép, quản thúc nên rất cần được phục hồi, vừa để bình ổn tâm lý vừa tăng cường thể lực nhằm xóa bỏ mặc cảm, tự ti nên Ngôi nhà bình yên đã tổ chức nhiều hoạt động tập thể đa dạng để thu hút các em tham gia. Hàng tuần, trong khuôn viên tổ chức các trò chơi theo nhóm để các em làm quen với môi trường tập thể, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tự tin vào bản thân. Ngoài ra, các em còn được tham gia dã ngoại, lễ chùa, vui chơi ở công viên, xem phim, tìm hiểu kiến thức tại Bảo tàng, viếng lăng Bác.

- Tổ chức học văn hóa, học nghề: Hầu hết trẻ em bị mua bán đều có trình độ học vấn thấp do bỏ ngang việc học hành, do đó, tùy từng đối tượng, cán bộ của Ngôi nhà bình yên sẽ hỗ trợ các em học văn hóa từ các lớp mầm non, tiểu học, trung học. Đối với các em lớn tuổi có nhu cầu học nghề thì giới thiệu đến các cơ sở dạy nghề để các em tham gia các lớp đào tạo nghề theo khả năng và nguyện vọng như: nghề phục vụ khách sạn, nấu ăn, trang điểm. Tất cả các em đều được miễn học phí khi tham gia các lớp học trên.

- Tư vấn, hỗ trợ hồi gia: Sau thời gian được phục hồi các tổn thương cả về thể xác lẫn tâm lý, theo nguyện vọng của từng em, nhân viên công tác xã hội sẽ tư vấn, thảo luận với các em về kế hoạch hồi gia. Tiếp đó, nhân viên sẽ liên hệ với chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ, các cơ quan chức năng và gia đình để đón các em trở về cộng đồng. Sau khi bàn giao, các cán bộ, nhân viên công tác xã hội của Ngôi nhà bình yên tiếp tục theo dõi quá trình hòa nhập của các em trong vòng 24 tháng.

Mặc dù cần tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em bị mua bán trở về song thời gian qua tại Ngôi nhà bình yên đã khẳng định tính hiệu quả hoạt động tiếp nhận, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị mua bán trở về. Mô hình này trở thành “địa chỉ” tin cậy, là “bến đỗ” an toàn cho các em là nạn nhân bị mua bán trở về./.

Như Ngọc