Gương nữ thanh niên xung phong tiêu biểu trong công tác cai nghiện ma túy Ngày đăng: 14/11/2022
Những năm sau ngày đất nước thống nhất (1975), nữ thanh niên xung phong TPHCM có mặt khắp mọi vùng miền để khắc phục hậu quả chiến tranh, dựng xây đất nước… Ngày nay, họ tiếp tục dấn thân vào những nhiệm vụ gian khó mà một trong số đó là quản lý, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người nghiện ma túy. Mới đây, tại cuộc họp báo công bố chuyên án triệt phá các đường dây ma túy lớn ở TPHCM, vai trò của các cán bộ ở Cơ sở cai nghiện được xem là yếu tố rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại loại tội phạm nguy hiểm này.

4h30 sáng, chị Nguyễn Thị Nghiêu - nhân viên đội sản xuất - dịch vụ - đời sống của cơ sở cai nghiện ma túy số 2 thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM, đóng tại H.Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã có mặt ở đơn vị để kịp chuẩn bị bữa sáng cho hơn 600 học viên đang cai nghiện ma túy. 

Chị nhanh tay tháo miệng 3 bao gạo tổng cộng 150kg, trút vào nồi. Phần lớn nồi niêu, xoong chảo ở đây đều quá cỡ nên công việc bếp núc vô cùng nặng nhọc. Vì vậy, 1 học viên nam phải giúp chị bưng bê và 3 nữ phụ bếp giúp chị sơ chế nguyên liệu. 

Đã quá quen với công việc “chị nuôi” trong cơ sở đông người, chị thoăn thoắt di chuyển qua lại giữa 6 cái bếp khổng lồ đang cùng đỏ lửa. “Lượng thịt cá, rau, củ cho mỗi bữa ăn đều được tính bằng tạ, đâm ra bây giờ, mình thành lực sĩ mất rồi” - chị Nghiêu nói vui.

Năm 2002, chị Nghiêu vào cơ sở cai nghiện ma túy số 2 cùng nỗi lo sợ khi hình dung mỗi ngày, mình phải tiếp xúc, phục vụ trực tiếp những đối tượng được xem là “thành phần bất hảo”, “tệ nạn xã hội”. 

Những ngày đầu, chị chỉ quanh quẩn trong khu bếp, phụ cắt gọt rau, củ. Thế nhưng, nhờ chịu khó học hỏi, 5 năm sau, không chỉ trở thành đầu bếp chính, chị còn được đơn vị giao quản lý toàn bộ công việc của bếp ăn, gồm cân đối thu chi, lên thực đơn hằng ngày, đặt hàng, hướng dẫn học viên chế biến các sản phẩm tự túc của đơn vị. Cũng từ công việc này, cái nhìn của chị về học viên đã thay đổi. Rồi từ chỗ chỉ lo chuyện bếp núc, chị còn thường xuyên chuyện trò, tư vấn cho học viên để giúp họ thay đổi, tiến bộ. 

Trong quá trình phụ trách bếp ăn, chị luôn nghĩ cách để làm việc an toàn, tiết kiệm và hiệu quả nhất có thể. Năm 2016, sáng kiến “Cải tiến tiết kiệm chất đốt” của chị được đánh giá cao. Theo đó, chị tận dụng thùng giấy, sọt gom được từ những lần gọi hàng để dành nhóm lửa làm heo, làm bò, tiết kiệm được chi phí mua gas. Năm 2018, chị có sáng kiến “Chế biến giò chả” để thay thế hàng chợ. Năm 2019, chị có sáng kiến “Làm chân kiềng bếp gas công nghiệp” và 2 năm sau, chị có sáng kiến “Làm đai xách cho thùng rác bằng nhựa”. Các sáng kiến này đã được công nhận và áp dụng trong toàn lực lượng.

 “Có những bạn khi vào cơ sở không biết chữ nhưng một thời gian sau, đã tự viết thư về gia đình, viết thư cảm ơn cô. Bức thư chỉ có mấy chữ ngô nghê nhưng khiến tôi cảm động”. Đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của chị Trương Thị Minh Thùy - Phó giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy số 1 thuộc Lực lượng TNXP TPHCM, đóng ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. 

Cha mẹ chị Thùy là TNXP chống Mỹ đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Đắk Nông từ năm 1999. Cũng năm này, chị Thùy thi rớt đại học ngành y, rời quê Bến Tre theo cha mẹ lên Đắk Nông. Để khỏa lấp nỗi buồn thi rớt, chị nộp đơn xin làm văn thư cho nông trường cây công nghiệp số 7 của Lực lượng TNXP TPHCM với suy nghĩ “chỉ làm chơi thôi”. Không ngờ, chị được giao làm văn thư kiêm kế toán và thủ quỹ của cơ quan. 

Khi nông trường 7 giải thể, chị được điều chuyển qua trường đào tạo, giải quyết việc làm số 5, làm công tác tư vấn, giáo dục chuyên đề, xóa mù chữ, dạy nghề cho học viên. Chị từ bỏ ước mơ làm bác sĩ, đăng ký học đại học sư phạm và văn bằng 2 ngành tài chính - kế toán theo diện đào tạo từ xa để phục vụ yêu cầu chuyên môn của một cơ sở cai nghiện ma túy.

Năm 2010, trường số 5 sáp nhập với trường số 6 thành cơ sở cai nghiện ma túy số 1, chị Thùy được bổ nhiệm làm phó giám đốc cơ sở. Chị kể, ban đầu, chị hình dung công việc của TNXP là vác bom mìn, đào kênh. Tham gia lực lượng, chị mới biết, công việc của nữ TNXP bây giờ đã khác. Theo chị, TNXP thời nay vẫn kế tục tinh thần dám nghĩ dám làm của thế hệ đi trước, nhưng không chỉ dám làm mà còn phải biết làm. 

Chị phân tích: “Người nghiện ma túy trước đây chỉ dùng thuốc phiện, bồ đà nên tâm thần không rối loạn, hoang tưởng, còn  bây giờ, họ dùng tân dược nên việc cai nghiện, điều trị khó hơn, đòi hỏi người phụ trách phải kiên nhẫn và hiểu biết nhiều hơn. Do vậy, mình phải liên tục cập nhật kiến thức để biết cách cắt cơn, giáo dục phục hồi hành vi một cách phù hợp”. 

Chị cho biết thêm, để quản lý 1.800 học viên, cơ sở cai nghiện ma túy số 1 đang áp dụng chữ ký số cho cá nhân để lưu dữ liệu trên hệ thống và liên kết dữ liệu cả nước, không phải lưu văn bản giấy như trước đây. 

Từng là nhân viên kế toán của một đại lý sữa nhưng đến năm 2008, Trung tâm Giáo dục thường xuyên TNXP TPHCM - nơi chồng đang công tác - thiếu nhân sự, chị Đặng Thị Thanh Hoa quyết định nộp đơn dự tuyển làm kế toán tại đây. Trải qua nhiều công việc khác nhau, đến tháng 1/2020, chị được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng đào tạo - giới thiệu việc làm của trung tâm.

Với chỉ tiêu đào tạo hơn 3.000 học viên/năm, công việc cũng khá vất vả. Chị nói: “Nhiệm vụ của TNXP trong thời kỳ đổi mới là tham gia cả hoạt động xã hội lẫn kinh tế, sản xuất. Trong bất cứ nhiệm vụ nào, nữ TNXP vẫn luôn giữ ngọn lửa xung kích”./.

Nguyễn Hà (nguồn phunuonline)