Đồng Nai tích cực nâng cao hiệu quả phòng, chống tệ nạn mại dâm Ngày đăng: 10/10/2024
Tình hình tệ nạn mại dâm, tội phạm mua bán người vì mục đích mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, kín đáo, có sự móc nối giữa các đối tượng trong nước với đối tượng nước ngoài gây khó khăn cho công tác phối hợp truy quét, triệt phá.

 

 

 

 

Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục

Trong 9 tháng đầu năm 2024, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã tổ chức 5.720 cuộc tuyên truyền, giáo dục, truyền thông với 185.346 người tham gia; phát trên loa truyền thanh xã, phường, thị trấn 3.954 lần/3.301 giờ; xây dựng, lắp đặt 544 pa nô; phát hành 1.657 áp phích, băng rôn; phát hành 61.007 tờ rơi, 13.477 tài liệu các loại, 2.635 bản tin; phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy, HIV/AIDS và các loại tội phạm.

Cùng với đó tổ chức tuyên truyền phòng chống mại dâm bằng hình thức chiếu phim lưu động, bố trí 5 đội (7 tổ) tổ chức 210 buổi chiếu phim lưu động với 17.500 lượt người hưởng ứng tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền 15 buổi bằng hình thức live tream trên trang Facebook của Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai; Đài phát thanh và truyền hình tỉnh đã thực hiện phát sóng trên truyền hình trong các bản tin thời sự khoảng 20 tin, bài, phỏng vấn và nhiều tin bài khác.

Các đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đã thường xuyên phối hợp tuyên truyền thông qua truyền thanh, truyền hình, mạng xã hội, báo chí, chiếu phim, tuyên truyền tại địa bàn dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự, nhằm thông tin tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, tác hại, ảnh hưởng của tệ nạn mại dâm; phối hợp treo băng rôn, pa nô, áp phích,... tại các trường học, chợ, địa bàn đông dân cư nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, mại dâm cho người dân trong công tác phòng chống mại dâm.

Thông qua công tác tuyên truyền giáo dục, truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động và học sinh, sinh viên, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân, gia đình tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS và các loại tội phạm.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tệ nạn mại dâm

Trong 9 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an, Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp đã tổ chức kiểm tra, xử lý, triệt phá 24 vụ mua, bán dâm, kích dục đạt 80% kế hoạch (24/30), tăng 07 vụ so với cùng kỳ năm 2024 (24/17), bắt 74 đối tượng; lập hồ sơ khởi tố 07 vụ, 20 bị can có liên quan đến vi phạm pháp luật về mại dâm; xử phạt vi phạm hành chính 16 vụ, 62 đối tượng về các hành vi mua, bán dâm, kích dục, sử dụng các hoạt động kích dục khác với tổng số tiền hơn 460 triệu đồng.

Ngoài ra, các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, truy quét những điểm nóng về hoạt động mại dâm để làm trong sạch địa bàn; tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả Mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 08/11 huyện, thành phố (gồm: Long Thành, Nhơn Trạch, Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Biên Hòa) thành lập Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện, 02/11 huyện thành phố (gồm Cẩm Mỹ, Trảng Bom) đang hoàn thiện hồ sơ thành lập Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện. Riêng thành phố Long Khánh thực hiện kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành Văn hóa - Xã hội thực hiện thêm chức năng, nhiệm vụ của Đội kiểm tra liên ngành 178.

Riêng Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh đã tiến hành kiểm tra 53 cơ sở (gồm: 18 massage, xoa bóp; 30 karaoke, 05 khách sạn, nhà nghỉ), đề nghị ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 05 cơ sở massage với tổng số tiền là 189.500.000 đồng, trong đó xử lý 02 cơ sở vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm với mức phạt 120 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động 09 tháng.

Đối với động của Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, các huyện, thành phố đã ban hành 26 Quyết định củng cố, kiện toàn Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã tại 24 xã, phường, thị trấn thuộc 06 huyện, thành phố. Hiện nay, trên địa bàn có 170/170 xã, phường, thị trấn thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã với 951 thành viên. Các Đội đã xây dựng Kế hoạch hoạt động, dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Kết quả, Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã đã hỗ trợ các ngành, lực lượng công an truy quét, triệt phá 15 vụ mua bán dâm, kích dục trên địa bàn.

Tuy nhiên, hiện công tác phòng, chống và xử lý tệ nạn mại dâm còn gặp khó khăn do một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, công tác kiểm tra, còn để xảy ra nạn kích dục trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhất là trong cơ sở hớt tóc, cạo gió giác hơi, xông hơi; cà phê cạo gió giác hơi... không có giấy phép hoạt động nhưng chưa được quan tâm kiểm tra, xử lý triệt để.

Thực trạng mại dâm trá hình, không giao cấu, kích dục bằng tay, bằng miệng để thỏa mãn nhu cầu sinh lý xảy ra khá phổ biến nhưng chỉ xử lý hành chính nên không đủ sức răn đe.

Mô hình “Hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” ở các huyện, thành phố hiện nay vẫn tiếp tục hoạt động duy trì nhưng chủ yếu phối hợp lồng ghép với các hoạt động tại địa phương thực hiện công tác tuyên truyền cho người sử dụng lao động, người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, vì vậy, chưa phát huy hiệu quả của mô hình.

Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm không còn phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính nên các địa phương khó thực hiện./.

Như Ngọc