Bám sát thực tiễn, luôn đổi mới chính sách, đa dạng các giải pháp
Quá trình hình thành, phát triển 25 năm của Cục cũng là qúa trình xây dựng, không ngừng đổi mới chính sách, đa dạng các giải pháp về PCTNXH.
Trước hết, trên cơ sở khoa học và thực tiễn, Cục đã tham mưu đề xuất khẳng định những quan điểm, giải pháp lớn của Đảng và Nhà nước về tệ nạn ma túy, mại dâm: Khẳng định ma tuý, mại dâm là TNXH, gây tác hại khôn lường cho mọi mặt đời sống xã hội; xác định các nguyên tắc PCTNXH, đó là:" Điều kiện quyết định để phòng, chống có kết quả các tệ nạn xã hội là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát động được phong trào nhân dân, tăng cường sự quản lý của các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò tích cực của các đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong cả nước" *; khẳng định PCTNXH là nhiệm vụ hết sức "phức tạp, khó khăn", là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, kiên trì sử dụng đồng bộ các biện pháp, giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp và tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Bám chắc những quan điểm lớn đó, Cục đã triển khai nhiệm vụ và qua từng giai đoạn, luôn điều chỉnh, đổi mới chính sách, giải pháp để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về cai nghiện ma túy, Nghị định 20/CP của Chính phủ (1996) về Quy chế về Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày (1995) tạo cơ sở pháp lý, nghiệp vụ quan trọng mở đầu cho các hoạt động cai nghiện, chữa trị cho người nghiện ma túy, người bán dâm. Quá trình thực hiện và sau 7 năm thi hành Luật Phòng, chống ma túy (năm 2000), tình hình tệ nạn ma túy tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, trong đó, có nguyên nhân là hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy chưa đồng bộ, nhiều điểm còn chưa phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là lĩnh vực cai nghiện phục hồi. Cục PCTNXH đã tích cực tham mưu cho Bộ và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất với Quốc hội, Chính phủ ban hành hệ thống văn bản pháp luật toàn diện về cai nghiện và quản lý sau cai (Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy (2008). Cục đã nghiên cứu, đề xuất những biện pháp điều trị, cai nghiện ma túy linh hoạt hơn, áp dụng các phương pháp, biện pháp xử lý đồng bộ cả 3 khía cạnh về y tế, pháp luật và xã hội nhằm tạo cơ hội để người nghiện được quyền lựa chọn hình thức và biện pháp cai nghiện.
Đến năm 2012, thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính , Cục tham mưu cho các cấp ban hành văn bản hướng dẫn tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong công tác cai nghiện. Năm 2013, Cục tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2596/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020”, theo đó, quan điểm về nghiện ma túy, định hướng công tác cai nghiện ma túy được thay đổi phù hợp với nhận thức của thế giới và phù hợp với tình hình. Phát triển các cơ sở điều trị tự nguyện với mục đích hình thành mạng lưới các cơ sở điều trị nghiện có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị nghiện; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận và sử dụng dịch vụ; phát triển Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị, cai nghiện tại cộng đồng với mục đích huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện nâng cao nhận thức, tuân thủ việc điều trị lâu dài tại cộng đồng; xây dựng và triển khai áp dụng bộ tài liệu chuẩn về tư vấn điều trị nghiện; tang cường công tác giám sát, đánh giá công tác cai nghiện.
Những năm gần đây, khi các loại ma túy mới, ma túy tổng hợp ồ ạt phát triển và thâm nhập vào nước ta, để hòa nhập với với quốc tế về thực hiện Chuẩn quốc tế về điều trị nghiện, trên cơ sở tổng kết hàng chục năm thực tiễn cai nghiện, công tác cai nghiện được đổi mới toàn diện cả về nhận thức và giải pháp thực hiện: nghiện ma túy là 1 loại bệnh tâm thần mãn tính phải điều trị lâu dài bằng y học, tâm lý, xã hội; chuyển mạnh từ CN bắt buộc sang CN tự nguyện, giảm CN tập trung-tăng cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, chuyển các CSCN bắt buộc thành CSCN đa chức năng, kết nối chặt chẽ giữa CSCN và cộng đồng để tiếp tục quản lý, hỗ trợ người cai nghiện hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện… Nhiều cơ sở CN đã XD trở thành thân thiện với học viên, là ngôi nhà đáng tin cậy của người cai nghiện. Rất nhiều mô hình Câu lạc bộ, nhóm Tự lực, đồng đẳng của người cai nghiện ma túy đã hình thành tại các địa phương là địa điểm sinh hoạt, chia sẻ, đồng cảm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần và sinh kế.
Là cơ quan tham mưu cho Bộ LĐTBXH giữ vai trò Thường trực phòng chống mại dâm của Chính phủ, Cục đã kiên trì tham mưu chỉ đạo, phát động toàn dân tham gia, thực hiện nhiều giải pháp: Tuyên truyền, giáo dục, quản lý địa bàn, cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, xử lý tội phạm mại dâm, hỡ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, xây dựng xã phường lành mạnh kết hợp với phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa"… Trong điều kiện kinh tế phát triển,Việt Nam ngày càng hội nhập với quốc tế, và mặc dù tệ nạn mại dâm còn diễn biến phức tạp nhưng cần khẳng định, công tác PC MD ở nước ta đã có những kết quả quan trọng trong việc góp phần ổn định phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của dân tộc.
Xuyên suốt quá trình 25 năm qua, từ các văn bản chính sách, pháp luật và giải pháp thực hiện, thì hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng luôn nhất quán về chủ trương và ngày càng hoàn thiện về giải pháp. Hiện nay, trên cơ sở quyền và giới, chúng ta chuyển sang hỗ trợ chị em tại cộng đồng với nhiều giải pháp giảm tác hại căn cơ: Giảm kỳ thị, cho vay vốn làm ăn, phát triển sinh kế bền vững; tổ chức khám chữa bệnh, điều trị nghiện ma túy, cung cấp cho chị em các kiến thức kỹ năng về chống bạo lực, bạo hành, bóc lột, mua bán, chà đạp nhân phẩm, tạo điều kiện tham gia các tổ nhóm tự lực, đồng đẳng, câu lạc bộ để giúp đỡ lẫn nhau…Nhiều mô hình hỗ trợ chị em tại cộng đồng đang được xây dựng, triển khai bước đầu có kết quả khả quan.
Cùng với hỗ trợ người bán dâm, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trong đó, phần lớn là phụ nữ và trẻ em cũng được đẩy mạnh. 5 năm qua, hàng nghìn người bị mua bán trở về đã được tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu và hỗ trợ về tư vấn tâm lý, chữa bệnh, pháp lý, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ sinh kế…hòa nhập cộng đồng.
Huy động và phát triển nguồn lực
Từ chỗ lúc đầu chỉ có 15 Chi cục PCTNXH, đến nay, có hơn 40 Chi cục (số còn lại là Phòng phòng chống hoặc lĩnh vực này nằm trong Phòng Bảo trợ xã hội), chưa kể lực lượng cán bộ cấp huyện, cấp xã, với hơn 400 cán bộ chuyên trách; hệ thống CSCN đã được hình thành với hơn 100 cơ sở bao phủ trong toàn quốc, gần 6.000 cán bộ.
Để tăng cường lực lượng ở cơ sở, Cục đã tham mưu, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cộng tác viên PCTNXH (trước đây) và Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã tại 40 tỉnh, TP với hơn 3000 đội, gần 20.000 tình nguyện viên, là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền vận động, tiếp cận, hỗ trợ người mắc tệ nạn xã hội, người bị mua bán hòa nhập cộng đồng bằng các việc làm cụ thể với tinh thần tâm huyết và ân tình.
Huy động và phát huy nguồn lực không thể không đề cập đến công tác nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ. Hàng trăm cuộc tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm trong và ngoài nước đã được tổ chức trên nhiều khía cạnh chuyên môn, cho nhiều đối tượng cán bộ bằng nhiều hình thức khác nhau.
Phối hợp, kết nối
Là cơ quan tham mưu của Bộ trưởng- Thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn xã hội trước đây, Phó Chủ tịch UBQG phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm hiện nay, ngoài phối hợp chặt chẽ với các các đơn vị thuộc Bộ, Cục còn phối hợp, gắn kết với các đơn vị của các Bộ, ngành liên quan …trong việc hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, triển khai thực hiện, kiểm tra, đánh giá, xây dựng phong trào.
Trong công tác tuyên truyền, Cục PCTNXH có sự phối hợp khăng khít với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài Bộ, đặc biệt là Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, đã xây dựng chương trình phối hợp giữa ba cơ quan thường trực của UBQG với ba cơ quan truyền thông lớn nói trên.
Những kết quả 25 năm qua cũng là sự phối hợp chặt chẽ với các chương trình, tổ chức trong nước và quốc tế để tranh thủ nguồn lực và kỹ thuật cho lĩnh vực hoạt động của mình như: SCDI, UNODC, ILO, IOM, WHO, UNICEF, FHI, SAMSHA, CDC, IOGT, JICA, UNV,Côlômbô Plan và các nước trong khu vực các chương trình, tổ chức quốc tế khác…
Chặng đường phía trước
Với tính chất nhiệm vụ PCTNXH vừa cấp bách, vừa lâu dài, 25 năm là vô cùng ý nghĩa nhưng mới là chặng đầu tiên của hành trình. Tình hình ma túy, mại dâm vẫn diễn biến phức tạp và đòi hỏi của cuộc sống đang đặt ra cho Cục những thách thức, nhiệm vụ mới nặng nề. Đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; củng cố, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp, khắc phục những yếu kém thời gian qua cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCTNXH; xây dựng, đổi mới các giải pháp thực hiện cho hiệu quả, phù hợp; huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tăng cường phối hợp các lực lượng một cách khoa học trên cơ sở phân công, phân nhiệm rõ ràng, hợp lý gắn chặt với trách nhiệm cụ thể… Tin tưởng rằng với bề dày hoạt động, kinh nghiệm 25 năm, tập thể cán bộ Cục PCTNXH lao động sáng tạo, chuyên cần tiếp tục đổi mới,hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân./.
Lê Đức Hiền
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội