CHUYÊN MỤC “HƯỚNG TỚI KỈ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP CỤC PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI” Ngày đăng: 15/11/2018
(BBT) - Nhân dịp kỉ niệm 25 năm thành lập Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (11⁄01⁄1994 - 11⁄01⁄2019), Ban Biên tập Trang thông tin điện tử Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội trân trọng giới thiệu với độc giả một số bài viết về quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị.

 

 

 

Bài 4. Đổi mới công tác điều trị, cai nghiện và tổ chức quản lý sau cai (giai đoạn 2004 – 2009)

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm CSCN tại Hà Nội (Ảnh Tư liệu)

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng và địa phương, cùng với sự tăng trưởng của kinh tế, các vấn đề xã hội nảy sinh những mặt trái của nền kinh tế thị trường. Sau 7 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy (năm 2000), tình hình tệ nạn ma túy tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.

Tính đến tháng 5/2005, cả nước có gần 172 ngàn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó khoảng 36 ngàn người được quản lý trong các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng… (tăng 32,18% so với năm 2000); trên 60% người nhiễm HIV/AIDS do tiêm chích ma túy; 30.990 gái mại dâm có hồ sơ quản lý và trong số đó, có một tỷ lệ không nhỏ người nghiện ma túy, nhiễm HIV; hàng ngàn phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của các đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm; tình trạng trẻ em bị xâm hại có xu hướng tăng. Hiệu quả của hoạt động giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại trong phòng, chống ma túy còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy chưa đồng bộ, nhiều điểm còn chưa phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là lĩnh vực cai nghiện phục hồi.

Từ thực trạng trên, Cục PCTNXH đã tích cực tham mưu cho Bộ và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất với Quốc hội, Chính phủ ban hành hệ thống văn bản pháp luật toàn diện về cai nghiện và quản lý sau cai, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy (số 16/2008/QH12 ngày 03/6/2008) và 5 Nghị định của Chính phủ.

Khi tham gia xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy (năm 2008), xuất phát từ quan điểm về người nghiện ma túy cần thay đổi phù hợp với tình hình và được xem xét dưới 3 góc độ: (1) người nghiện ma túy là người bệnh (về tâm thần do sử dụng ma túy); (2) người nghiện ma túy là người có hành vi vi phạm pháp luật (do sử dụng trái phép chất ma túy); (3) người nghiện ma túy là người bị lệch lạc về nhân cách, hành vi, Cục PCTNXH đã nghiên cứu, đề xuất những biện pháp điều trị, cai nghiện ma túy linh hoạt hơn, áp dụng các phương pháp, biện pháp xử lý đồng bộ cả 3 khía cạnh về y tế, pháp luật và xã hội nhằm tạo cơ hội để người nghiện được quyền lựa chọn, cai nghiện tự nguyện ở gia đình, cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện; cai nghiện bắt buộc được áp dụng tại cộng đồng hoặc các cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu người nghiện không tự khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện. Đồng thời, tăng cường thời gian để người nghiện cách ly với môi trường cũ, người nghiện sau khi cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy chịu sự quản lý sau cai nghiện từ 1-2 năm theo một trong hai hình thức là quản lý tại nơi cư trú hoặc quản lý tập trung tại cơ sở quản lý sau cai nghiện đối với người có nguy cơ tái nghiện cao.

Kết quả, trong 5 năm, cả nước đã tiếp nhận và điều trị, cai nghiện cho gần 250 nghìn lượt người, đạt 170,4% so với kế hoạch, tăng hơn 43 ngàn người so với giai đoạn trước, trong đó, có 50/63 tỉnh, thành phố đạt và vượt chỉ tiêu. Riêng các Trung tâm cai nghiện đã điều trị, cai nghiện cho hơn 169 nghìn lượt người, tăng hơn 70,4 % so với kế hoạch đề ra.

Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng đạt được kết quả quan trọng. 48/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch dài hạn với mục tiêu cụ thể. Trong 5 năm, đã tổ chức cai nghiện cho gần 81 ngàn lượt người, chiếm 32,4% tổng số người cai nghiện; 15 tỉnh, thành phố đã quy hoạch Trung tâm, khu vực quản lý sau cai; 28/63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho 25.382 người sau cai.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thí điểm điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, trong 2 năm từ 2008 đến 2010, 08 cơ sở tại T.p Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng đã điều trị cho 2.111 người và đúc rút kinh nghiệm trong điều trị bằng Methadone kết hợp với tư vấn tâm lý, giải quyết nhu cầu việc làm cho người cai nghiện.

Trong lĩnh vực phòng, chống mại dâm, Cục tiếp tục tham mưu, xây dựng trình Bộ, Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm theo Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003. Một trong những nội dung quan trong được triển khai thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm trong giai đoạn này là thực hiện Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại. Chương trình đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh một bước; công tác đấu tranh, xét xử và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho trẻ em là nạn nhân đã được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, đã hình thành và nâng cao năng lực về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ kiêm nhiệm cấp xã và xây dựng được một số mô hình phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục. 

Nhìn chung, nhận thức về phòng, chống mại dâm được nâng lên rõ rệt từ cán bộ quản lý, ban ngành, đoàn thể đến các tầng lớp nhân dân. Các lĩnh vực công tác về phòng ngừa như tuyên truyền giáo dục, quản lý địa bàn, hỗ trợ phụ nữ mại dâm tái hòa nhập cộng đồng và đấu tranh xử lý vi phạm đã được các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện, đạt được nhiều kết quả. Bộ máy quản lý và năng lực của đội ngũ cán bộ trong hệ thống cơ quan chuyên trách thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từng bước tiến bộ rõ rệt.

Về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự, tính đến năm 2010, cả nước có 37 Chi cục PCTNXH, tăng 16 đơn vị so với năm 2005; 13 Phòng PCTNXH và 13 đơn vị lồng ghép với Phòng Bảo trợ xã hội với 1.471 cán bộ trực tiếp làm việc trong lĩnh vực PCTNXH, ngoài ra, còn có 9.673 cộng tác viên kiêm nhiệm tại xã, phường, thị trấn. Riêng các Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục - Lao động xã hội có 5.794 cán bộ, nhân viên trực tiếp làm việc./.