Bài 3: Tập trung xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội (giai đoạn 1999 – 2004)
Trên cơ sở kết quả công tác trong 5 năm đầu, giai đoạn tiếp theo (từ năm 1999 đến 2004), Cục PCTNXH đã đánh dấu chặng đường phát triển ổn định, hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó, Cục đã tham mưu cho Bộ, Chính phủ xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.
Cục đã tham gia xây dựng, soạn thảo Luật Phòng, chống ma túy, trong đó quy định cụ thể hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, phương pháp cai nghiện, trách nhiệm của các cấp, các ngành. Phát triển, nhân rộng các mô hình cai nghiện có hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng cai nghiện trên cơ sở tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cán bộ.
Tại kì họp thứ 8 ngày 09/12/2000, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật phòng, chống ma túy (số 33/2000/QH10) quy định trách nhiệm phòng chống ma túy của cá nhân, gia đình, cơ quan và tổ chức. Trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ quản lí nhà nước về điều trị, cai nghiện ma túy. Nhiều điểm mới như công tác xã hội hóa nguồn lực cho công tác cai nghiện; hình thức cai nghiện đa dạng, phù hợp; thẩm quyền quyết định đưa người cai nghiện vào cơ sở bắt buộc... được triển khai thống nhất trong cả nước.
Cuối tháng 12/2000, sau Hội nghị tổng kết 7 năm (1994-2000), Thủ tướng Chính phủ Chính phủ ban hành Quyết định 150/2000/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hành động phòng, chống ma túy giai đoạn 2001 – 2005” với 8 Đề án, trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Đề án “Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy”; phối hợp “Xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan đơn vị không có tội phạm ma túy và người nghiện ma túy”, phấn đấu giảm 10-20% số người cai nghiện hàng năm, đến năm 2005, cả nước có 60% xã, phường và 70% cơ quan, đơn vị không có người nghiện ma túy. Đồng thời, Thủ tướng ban hành Quyết định 151/2000/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hành dộng phòng, chống mại dâm giai đoạn 2001 – 2005”, giao cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống mại dâm hàng năm; quản lí nhà nước về giáo dục, chữa trị, dạy nghề, tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
Tiếp đó, trước diễn biến phức tạp của tệ nạn mại dâm và kinh nghiệm tích lũy trong gần 10 năm, Cục tiếp tục tham mưu Bộ, trình cấp có thẩm quyền ban hành Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (Số 10/2003/PL-UBTVQH11 ngày 11/3/2003), đây là văn bản được đánh giá là tương đối đồng bộ cả về quan điểm, chủ trương, biện pháp, phân công trách nhiệm, cơ chế điều phối, chế tài xử lý. Pháp lệnh ra đời là một dấu mốc quan trọng trong công tác phòng, chống mại dâm. Lần đầu tiên, một văn bản phòng, chống mại dâm có giá trị pháp lý cao nhất của Nhà nước được ban hành, góp phần nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm trong tầng lớp nhân dân; quan điểm về phòng, chống tệ nạn mại dâm “lấy phòng ngừa là chính” nhằm bảo vệ thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, được hầu hết các ngành, các cấp và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, quản lý địa bàn, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hỗ trợ phụ nữ mại dâm tái hòa nhập cộng đồng và đấu tranh xử lý vi phạm. Pháp lệnh tiếp tục củng cố biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người mại dâm là đưa vào Cơ sở chữa bệnh.
Song song đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội được thành lập từ Trung ương tới địa phương. Các Bộ, ngành đều có Ban chỉ đạo và 61 tỉnh, thành phố, 467/615 quận, huyện và 5.067/10.457 xã, phường có Ban chỉ đạo. Ngày 5/6/2000, Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG), trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực về phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Mạng lưới cơ sở chữa bệnh cho gái mại dâm, người nghiện ma túy được tổ chức ở 53 tỉnh, thành phố với 60 Trung tâm, có thể quản lý và chữa trị cho 7 – 8 ngàn lượt đối tượng/năm. Ngoài ra, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội còn được phối hợp, lồng ghép với các chương trình khác như xóa đói, giảm nghèo; giải quyết việc làm; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”; phong trào “Xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm”… qua đó, nhiều mô hình, điển hình tốt xuất hiện và được nhân rộng, phổ biến, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn xã hội ở từng địa phương, cơ sở. Điển hình như chương trình “3 giảm” của thành phố Hồ Chí Minh; “5 không” của Đà Nẵng; “5 giảm” của Đồng Nai; “4 giảm” của Bà Rịa – Vũng Tàu; “2 không 1 có” của Hà Nội… đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoạt động cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma túy và phòng, chống tái nghiện của thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17/6/2003 về “Thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương”
Triển khai thực hiện Quyết định 151/2000/QĐ-TTg, ngày 18/12/2003, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Thông tư liên tịch 27/2003/TTLT-LĐTBXH-TC-UBTWMTTQVN hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã (Thông tư liên tịch 27/2003/TTLT) với 5 nhiệm vụ: (i) Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng; (ii) Tham gia quản lý, tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện; người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng; (iii) Phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, mua bán người để báo cho các cơ quan chức năng xử lý và có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm; (iv) Tham gia các chương trình kinh tế - xã hội trên địa bàn như xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, bình đẳng giới, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, giúp đỡ người nghiện ma túy sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán trở về ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng; (v) Tham gia thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống tệ nạn xã hội với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội và các phong trào khác trên địa bàn.
Sau 5 năm, đến cuối năm 2008, 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập 1.309 Đội tình nguyện với 11.118 tình nguyện viên. Ngoài việc thành lập mở rộng tại các địa bàn, một số tỉnh, thành phố còn tập trung kiện toàn cơ cấu các Đội tình nguyện, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động hướng về cơ sở.
Giai đoạn này cũng đánh dấu sự lớn mạnh, chuyển biến về số lượng và chất lượng của tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của ngành. Đã có hơn 270 cán bộ của các Chi cục/Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; hơn 700 cán bộ thuộc Phòng Tổ chức - Lao động cấp huyện và 2.800 cán bộ, nhân viên của 71 Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội với nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau như y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội học, kinh tế, pháp luật,… chưa kể đội ngũ cán bộ, công tác viên, tình nguyện viên phòng, chống tệ nạn xã hội ở xã, phường, thị trấn được trang bị, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cần thiết và tinh thần trách nhiệm, trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở./.