Bảo đảm đạt được nhiều tiêu chí
Nhằm huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch số 414/KH-UBND về xây dựng 'Xã, phường, thị trấn không có ma túy' trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Theo đó, Kế hoạch nêu rõ các tiêu chí đánh giá, công nhận "Xã, phường, thị trấn không có ma túy" địa bàn cấp xã được đề nghị công nhận phải bảo đảm đạt các điều kiện sau: Không có tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy, đối tượng bán lẻ trái phép chất ma túy, điểm tổ chức và sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn.
Không có đối tượng, nhóm, đường dây có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động phạm tội về ma túy trên địa bàn.
100% người nghiện ma túy trên địa bàn có hồ sơ quản lý; 100% người nghiện ma túy có mặt tại địa bàn được lập hồ sơ áp dụng các hình thức cai nghiện phù hợp và 100% người sau cai nghiện được lập hồ sơ quản lý theo quy định.
100% người sử dụng trái phép chất ma túy có mặt tại nơi cư trú trên địa bàn được lập hồ sơ quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ theo quy định pháp luật.
100% đại diện hộ gia đình trên địa bàn cam kết không phạm tội, không tham gia tệ nạn ma túy và tự nguyện hợp tác với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống ma túy; 100% thôn, tổ dân phố có hòm thư tố giác tội phạm, có bảng niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm ma túy. Xây dựng và duy trì hiệu quả ít nhất 01 mô hình về phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Để công tác xây dựng "Xã, phường, thị trấn không có ma túy" đạt hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã, thôn phải xác định rõ công tác phòng, chống ma túy nói chung, xây dựng "xã, phường, thị trấn không có ma túy" nói riêng là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt.
Trong đó. tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn như: Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; tổ chức phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; ký cam kết không tham gia phạm tội, tệ nạn ma túy, không trồng cây có chứa chất ma túy; vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy. Củng cố, duy trì, xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả về phòng, chống ma túy (duy trì ít nhất 1 mô hình/địa bàn cấp xã hoạt động có hiệu quả).
Triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, góp phần đưa công tác phòng, chống ma túy hiệu quả, bền vững hơn. Các lực lượng chuyên trách (Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan) chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ theo quy định của ngành.
Tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh với tội phạm và tệ nạn ma túy; làm tốt công tác điều tra, xử lý các vụ án về ma túy xảy ra trên địa bàn; bảo đảm 100% các vụ án, vụ việc phát hiện được tập trung điều tra, củng cố tài liệu chặt chẽ, xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật; có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai: Xác định là biện pháp then chốt để "cắt cầu", vừa góp phần quan trọng để "chặn cung" về ma túy.
Đồng thời tiến hành rà soát, thống kê, phân loại và lập danh sách đối tượng nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn để chủ động kế hoạch, phân công các tổ chức, cá nhân quản lý chặt chẽ và lập hồ sơ đưa đi cai nghiện.
Đặc biệt triển khai các chính sách ưu tiên, hỗ trợ, tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, người chấp hành án hình sự tại cộng đồng được tiếp cận vay vốn sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ tái phạm tội./.
NC