Tiền Giang: Đẩy mạnh đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm Ngày đăng: 23/04/2024
Tình hình mại dâm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn diễn biến phức tạp về tính chất và quy mô hoạt động. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi, kín đáo, lợi dụng mạng internet để thỏa thuận mua, bán dâm, gây khó khăn cho công tác quản lý đối tượng và đấu tranh triệt phá. Hiện, toàn tỉnh có hơn 1.300 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, qua rà soát, ước tính có hơn 400 người bán dâm.

 

 

Phối hợp đấu tranh, triệt phá, giữ gìn an ninh trật tự

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 32 Đội Kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm 178 các cấp, với 320 thành viên. Trong năm 2023, Đội 178 các cấp đã tiến hành kiểm tra 225 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ về phòng, chống mại dâm; kết quả đã phát hiện 127 cơ sở vi phạm, xử lý nhắc nhở, cảnh cáo 112 cơ sở, phạt tiền 15 cơ sở với số tiền hơn 147 triệu đồng.

Đồng thời, Thanh tra Sở văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh, lực lượng Công an tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ, giúp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách, ngăn ngừa mại dâm tại các điểm văn hóa. Kết quả đã tổ chức 42 cuộc với 250 lượt kiểm tra, trong đó nhắc nhở 08 cơ sở, xử phạt 03 cơ sở với số tiền 49 triệu đồng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, Công an toàn tỉnh đã tổ chức triệt phá 15 cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm với 22 đối tượng, xử lý hình sự 08 đối tượng là chủ chứa, môi giới,

Song song công tác đấu tranh, xử lý vi phạm, tỉnh Tiền Giang cũng chú trọng triển khai công tác phòng ngừa tại các cấp. Toàn tỉnh đã rà soát, đánh giá, dự báo nhu cầu của người bán dâm, người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ để xây dựng, thực hiện các biện pháp can thiệp, hỗ trợ phù hợp, chú trọng lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma túy và các chương trình dạy nghề…

Sở LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm trong tình hình mới. Đặc biệt, đã xây dựng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên tổ chức hoạt động tuyên truyền, truyền thông, hướng dẫn cộng đồng về phòng ngừa mại dâm, tư vấn, giúp đỡ người bán dâm.

Đối với các địa bàn phức tạp, vùng sâu, vùng giáp ranh và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, tỉnh đã thực hiện các hình thức, nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với từng địa phương, lồng ghép vào các chương trình kinh tế, xã hội, cuộc họp tổ dân phố…, vận dụng nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook để tăng độ phủ sóng, khả năng tiếp cận đến quần chúng nhân dân.

Tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước

Tuy nhiên, một số địa bàn, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống mại dâm, việc chỉ đạo, hướng dẫn thiếu tập trung, quyết liệt, liên tục, thực tế còn để xảy ra hiện tượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ tổ chức hoạt động mại dâm trên địa bàn. Ngân sách địa phương phân bổ khá hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cũng như nội dung Chương trình Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 đặt ra.

Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng được triển khai trong thời gian ngắn hoặc trong một số thời điểm nhất định. Lực lượng đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên, tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống mại dâm còn hạn chế về số lượng và năng lực. Đồng thời, chế độ, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ thực hiện nhiệm vụ khá thấp, nên thực tế kết quả triển khai chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Trong năm 2024, để triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thực hiện công tác phòng, chống mại dâm đến năm 2025, Sở LĐTBXH tỉnh Tiền Giang tăng cường vai trò thường trực của Sở LĐTBXH trong công tác phòng, chống mại dâm; tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể triển khai tổng thể các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn mại dâm.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, huy động sự tham gia của quần chúng nhân dân trong phòng ngừa tệ nạn mại dâm, hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, trong đó, chú trọng các địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, khu vực đông dân cư, các khu, cụm công nghiệp, các trường Đại học, Cao đẳng… Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng mạng xã hội để tăng khả năng tiếp cận với các nhóm đối tượng phù hợp.

Tập trung kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm (Đội kiểm tra liên ngành 178); rà soát, thống kê và tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn quản lý, đề xuất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm như chủ chứa lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm, mại dâm trá hình…

Xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh xã hội, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm; Tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tình nguyện viên, cộng tác viên các cấp về phòng, chống mại dâm./.

Trần Ngọc Hoàn