Lâm Đồng chú trọng thực hiện công tác quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội Ngày đăng: 20/01/2021
Thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/TW về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, từ năm 2017 - 2020, Công an Lâm Đồng đã phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định về bảo vệ ANTT.

Lực lượng công an và Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức 1.165 buổi tuyên truyền với 41.871 lượt người tham dự, nội dung tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy, mại dâm; đảm bảo TTATGT, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức 55 lớp tập huấn về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, phòng chống mua bán người cho 3.300 báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở. Cấp phát 169 tờ rơi về Luật Phòng, chống mua bán người, 1.000 tờ rơi về phòng, chống mại dâm, 12 đĩa CD về phòng, chống tội phạm và 1.273 cuốn sách hướng dẫn xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” đến 150 cơ sở Hội. Tổ chức Hội thi “CLB phụ nữ với kiến thức pháp luật”...

 Lực lượng công an và Hội LHPN các cấp phối hợp phát hiện, giải quyết các vụ việc phạm tội và tệ nạn xã hội. Xác định đây là nội dung rất quan trọng có tính chất quyết định đến hiệu quả và hiệu lực của công tác phối hợp, góp phần đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương, cũng như giải quyết vấn đề cụ thể phát sinh về ANTT và tệ nạn xã hội. Hai ngành đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội: Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch tổ chức quản lý thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên không phạm tội và tệ nạn xã hội; cảm hóa giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tại cộng đồng dân cư; tổ chức các hoạt động giúp đỡ hội viên, phụ nữ định hướng nghề nghiệp xây dựng và ổn định kinh tế gia đình.

 Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, đặc biệt là trong công tác cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại cộng đồng dân cư, ngăn chặn nguy cơ phát sinh tội phạm, hạn chế tình trạng tái phạm tội đối với những đối tượng đã hoàn lương, lực lượng công an và Hội LHPN đã chủ động phát hiện tội phạm trong cộng đồng dân cư thông qua các kênh: hòm thư tố giác, đường dây nóng... 

Qua tổng kết các đợt cao điểm, quần chúng đã phát hiện, cung cấp 5.648/6.648 nguồn tin có giá trị, trong đó có 1.050 tin có giá trị do cán bộ, hội viên phụ nữ cung cấp; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương xét đưa 148 đối tượng đi cai nghiện ma túy tại cơ sở tập trung của tỉnh. 

Nhìn chung hoạt động phối hợp phát hiện, giải quyết các vụ việc phạm tội và tệ nạn xã hội giữa lực lượng công an và Hội LHPN các cấp đã phát huy hiệu quả, góp phần vào công tác đảm bảo an ninh trật tự tại từng địa phương cụ thể cũng như trên địa bàn toàn tỉnh.

Công tác xây dựng và nhân rộng mô hình nổi bật như: “Chi, tổ phụ nữ không có hội viên, chồng, con nghiện ma túy, vi phạm pháp luật”, “Chi, tổ phụ nữ vận động chồng, con cai nghiện hạn chế tái nghiện”, “Gia đình không có ma túy”, “Chi hội phụ nữ không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên không vi phạm pháp luật”, “Xã, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn xã hội”, "Địa bàn không có tội phạm và tệ nạn xã hội"...

Đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng 581 mô hình thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, với 16.960 thành viên. Có 140.803 hộ đạt tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”; 4 mô hình “CLB quản lý, giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật”; 6 mô hình “CLB phụ nữ tuyên truyền, phòng chống ma túy, mại dâm”.

Lực lượng công an đã hướng dẫn Hội Phụ nữ tỉnh xây dựng mới một số mô hình: “Phụ nữ dân tộc thiểu số chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”; “Giáo dân cam kết vận động người thân và gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”; “Phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự”; “Không có người thân tham gia hoạt động đạo trái phép”. Ngoài ra, Công an tỉnh đã phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh trong việc xây dựng, củng cố vững mạnh các tổ chức quần chúng làm công tác an ninh ở cơ sở, giúp đỡ, chăm lo xây dựng các Chi hội trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa.

Lực lượng công an và Hội LHPN các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền gắn với Cuộc vận động “Toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” với các phong trào thi đua của Hội. Bằng những việc làm cụ thể, các cấp Hội đã phối hợp với công an rà soát, lập danh sách các đối tượng thanh, thiếu niên có lầm lỗi để đưa vào diện quản lý, giáo dục, cảm hóa tại cộng đồng. Từ tháng 12/2017 đến tháng 6/2020, đã tiếp nhận quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ 328 thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật; qua công tác này đã có 188 em tiến bộ, hiện nay, còn 140 em đang tiếp tục quản lý, giáo dục. Các cán bộ Hội và công an cơ sở thường xuyên đến nhà các trường hợp trên để gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi và bàn với gia đình các biện pháp giúp con, em họ vươn lên; nhất là vận động đối tượng lầm lỡ tham gia các hoạt động phong trào tình nguyện tại địa phương, phối hợp tạo việc làm, ổn định thu nhập và cuộc sống.

Đi đôi với công tác này, Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy... để góp phần nâng cao tính răn đe, giáo dục, đồng thời, còn tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân trên địa bàn toàn tỉnh./.

An Nhiên