Mái ấm bình yên của chị em phụ nữ tại Lào Cai Ngày đăng: 24/12/2020
Nằm lặng lẽ trên con phố nhỏ yên tĩnh ngay giữa lòng thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Nhà Nhân ái là địa chỉ quen thuộc, là mái ấm tình thương của hàng trăm phụ nữ, trẻ em từng là nạn nhân của những thương vụ mua bán người qua biên giới được giải thoát trở về. Về với Nhà Nhân ái, có lẽ bất cứ ai cũng cảm nhận được sự bình dị, thân thương, sự sẻ chia, tình cảm chân thành giữa người với người.

Sinh năm 2005, mới 15 tuổi nhưng em Giàng Thị Dủ, dân tộc Mông ở một huyện vùng cao của Lào Cai đã phải trải qua chuỗi ngày dài đen tối trong tay những kẻ buôn người. Em từng bị bán vào tít sâu trong nội địa Trung Quốc, cách quê nhà hơn 2.000 cây số chỉ sau một lần trót dại nghe lời bạn rủ rê qua biên giới làm thuê. Nguyên do cũng chỉ vì dưới Dủ còn những 7 đứa em, hoàn cảnh gia đình nghèo khó. May mắn được cứu thoát trở về Việt Nam, về Nhà Nhân ái, Dủ có cơ hội đi học trở lại.

Mới đầu, vì những buồn tủi, mặc cảm, Dủ chỉ muốn tìm đến cái chết, nhưng mái ấm chan hòa của Nhà Nhân ái đã giúp em dần vượt qua, lạc quan tiếp tục sống, tiếp tục học tập. Dủ học rất chăm chỉ, thành tích rất tốt, em luôn mong muốn đến một ngày thành đạt nhất định sẽ quay trở về quê hương. Dủ chia sẻ: Các cô chú ở đây cho em đi học, nuôi em ăn, em được hỗ trợ rất nhiều, em cảm thấy rất tốt. Ở đây có bạn bè cùng hoàn cảnh, em muốn mình sẽ cố gắng học để sau này kiếm được việc làm, đạt được những gì mình ước mơ.

Vàng Thị Sinh - cô gái người Mông 18 tuổi, gây ấn tượng bởi nước da trắng và đôi mắt đen láy biết nói. Thoạt nhìn vẻ bề ngoài, ít ai biết quá khứ của Sinh là cả một câu chuyện buồn. Em từng bị ép làm vợ một người đàn ông bên Trung Quốc hồi năm 2017. Phũ phàng thay, kẻ bán em qua biên giới chính là bạn trai “ảo” mà đến phút cuối bị lừa em cũng chưa một lần biết mặt.

May mắn được giải cứu trở về, Sinh hạnh phúc vô bờ nhưng nỗi ám ảnh, lo sợ vô hình vẫn hiện hữu không nguôi. Cơ duyên đưa em đến với Nhà Nhân ái, với những chúng bạn cùng hoàn cảnh và những bàn tay sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ, em dần trở lại nét hồn nhiên, vui tươi của chính mình. Mới đây, được cán bộ Nhà Nhân ái giới thiệu đi học nghề tóc, Sinh thích lắm, em quyết tâm học tập thành nghề, Sinh bộc bạch: Em vào trong này cũng đã được 3 tháng, cảm giác rất bình yên, an toàn, không còn phải lo sợ nữa. Ở đây cùng các chị em thấy ổn, được giao tiếp với mọi người, cũng học được nhiều thứ. Học xong nghề tóc em muốn học thêm cả phun xăm để sau này về tự mở một cửa tiệm làm đẹp cho mọi người.

Dủ và Sinh là 2 trong số trên 200 trường hợp phụ nữ, trẻ em từng phải trải qua nỗi đau bị mua bán qua biên giới, rồi được đưa về chở che dưới mái Nhà Nhân ái do tổ chức Vòng tay Thái bình hỗ trợ trong vòng 10 năm qua.

Nhiều trường hợp sau khi hồi phục tâm lý, tích cực học tập, phát triển bản thân đã rời khỏi Nhà Nhân ái tái hòa nhập cộng đồng.

100% các nạn nhân về nhà Nhân ái được tư vấn ổn định về tâm lý, cung cấp thức ăn, bố trí chỗ ngủ an toàn, trang bị tư trang quần áo. Nhân viên nhà Nhân ái kết nối với các bệnh viện tỉnh để khám chữa bệnh cho 100% các nạn nhân nhất là sự chăm sóc sức khỏe sinh sản; tư vấn về HIV/AIDS, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế; Hướng dẫn kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động ngoại khóa; Tư vấn về học văn hóa, học nghề, việc làm. Trên cơ sở nhu cầu, lựa chọn của các nạn nhân, Nhà Nhân ái liên hệ, kết nối với các trường học, cơ sở dạy nghề, việc làm để tạo điều kiện cho các em tham gia. Trong thời gian ở Nhà Nhân ái các nạn nhân được về thăm thân 3 tháng/ 1 lần hoặc khi gia đình có việc gấp, mọi chi phí đi lại đều được nhà Nhân ái hỗ trợ.

Cán bộ Ban quản lý thường xuyên phối hợp với Công an địa phương, chính quyền huyện, thành phố, xã, phường nơi nạn nhân sinh sống và gia đình nạn nhân để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho các nạn nhân có nguyện vọng trở về. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan đơn vị: Trường học, trường nghề, trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ các em được theo học tiếp, các bệnh viện khám chữa bệnh kịp thời, các Trung tâm trợ giúp pháp lý làm các thủ tục Hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân. Chia sẻ chuyển tuyến nạn nhân đến Ngôi nhà Bình yên, Tổ chức Ha Ga. Nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo quy định hiện hành đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Đã hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 121 người với mức hỗ trợ từ 1.000.000 – 4.000.000 đ/người. Đã có trên 20 em lập sổ tiết kiệm tại ngân hàng, đặc biệt, có em đã tiết kiệm được 6 triệu đồng từ lao động của chính bản thân, đã được Nhà Nhân Ái hỗ trợ thêm 6 triệu đồng nữa là 12 triệu đồng để các em tự mở cửa hàng may tại Lào Cai.

Khi các nạn nhân được trở về gia đình, nhân viên công tác xã hội của Ban quản lý và Nhà nhân ái phải kết nối với các địa phương giám sát quá trình tại cộng đồng và có kế hoạch hỗ trợ tiếp theo như học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ khó khăn ban đầu mới về nhà theo ngân sách địa phương quy định 1 triệu đồng/nạn nhân/đợt. Đặc biệt với trẻ em bị mua bán có kế hoạch riêng, cùng với gia đình chăm sóc kỹ hơn. Lên kế hoạch thăm hộ: hàng tháng các nhân viên Nhà nhân ái và Ban quản lý cùng phối hợp với cán sự xã hội cấp xã tiến hành lịch thăm hộ các gia đình nạn nhân tại các làng bản vùng sâu vùng xa, để gặp gỡ tư vấn cho các thành viên gia đình về việc tiếp tục giúp đỡ các em ổn định cuộc sống. Thiết lập đường dây điện thoại giữa liên lạc với bản thân các em khi trở về và các thành viên gia đình, sắn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Quá trình giám sát được đưa vào diện quản lý trường hợp, theo dõi trên 100 ca theo quy định, lập sổ theo dõi hồi gia.

Từ khi thành lập năm 2010 đến 10/2019, đã tiếp nhận hỗ trợ cho 231 nạn nhân. Trong số các nạn nhân được tiếp nhận có 54 trẻ em (26%), 30 em đang học dở phổ thông, 20 em đã từng bỏ học, 10 em khó khăn trong giao tiếp không biết tiếng kinh, gia đình khó khăn. Thông qua sự hỗ trợ của Nhà Nhân ái, có 02 em học Đại học, 01 em học Cao đẳng, 12 em học Trung cấp, 17 em học xong văn hóa, 34 em học nghề./.

Nguyễn Tuyến