Hải Phòng: Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng Ngày đăng: 17/12/2020
Những nạn nhân của tội phạm mua bán người sau khi được giải cứu, trở về địa phương thường mang tâm lý mặc cảm; bản thân họ phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Nắm được đặc điểm tâm lý này, các đoàn thể tại thành phố Hải Phòng, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã từng bước tiếp cận và có nhiều mô hình, cách thức hỗ trợ để các nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, làm lại cuộc đời.

Năm 2012, bà Nguyễn Thị Tình (thôn Kim Châm, xã Mỹ Đức, huyện An Lão, Hải Phòng) trở về địa phương, dắt theo 3 đứa con nhỏ, sau 26 năm... mất tích. Năm 16 tuổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại nhẹ dạ, cả tin, bà Tình đã nghe lời rủ rê, hứa hẹn của một người dân cùng địa phương sang Trung Quốc buôn bán, làm ăn. Ai ngờ, qua bên kia biên giới, bà bị bán qua tay hết người này đến chủ khác, phải vất vả làm việc từ tờ mờ sáng đến đêm khuya trong các xưởng gạch, bãi mía..., thậm chí phải làm "vợ hờ" của những người đàn ông Trung Quốc và chịu thêm sự đánh đập tàn nhẫn. Không hiểu tiếng và văn hóa nước sở tại, không thông thạo địa hình, lại bị “giam lỏng” sau những giờ làm việc, bà Tình không có cơ hội thoát ra ngoài cũng như cầu cứu ai. Mãi đến tháng 6/2012, một người phụ nữ Việt Nam lấy chồng và sinh sống tại trung Quốc gặp và biết hoàn cảnh của bà Tình, đã tìm cách đưa bà Tình và các con trở về quê hương an toàn, với sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng.

Những ngày tháng cay đắng, cơ cực nơi xứ người đã khép lại, bà Tình trở về quê hương trong sự giang tay, đùm bọc của gia đình, người thân và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau gần 30 năm đi khỏi địa phương, mọi giấy tờ của bà Tình đã không còn được lưu giữ tại UBND xã; bản thân bà Tình lại ốm đau, bệnh tật, các con còn nhỏ. Bà Tình được chính quyền và các đoàn thể tại địa phương giúp đỡ, dần ổn định lại cuộc sống. Bà Tình cho biết, về địa phương, tôi được chính quyền tạo điều kiện, làm lại giấy khai sinh, hộ khẩu cho cả mấy mẹ con, được hỗ trợ hộ nghèo và người tàn tật.

Hiện nay, con gái lớn của bà Tình đang học việc tại một xưởng may gần nhà; con gái thứ hai được gửi vào chùa tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và tiếp tục việc học hành. Hàng ngày, bà Tình đi làm cỏ, cấy lúa thuê cho các hộ trong làng. Bà bảo: Cũng may, mấy mẹ con bà được hàng xóm, người dân địa phương yêu thương, cưu mang nên cuộc sống cũng dần đỡ vất vả và ổn định hơn.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng, từ năm 2013 đến năm 2019, các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương đã phối hợp hỗ trợ gần 29 nạn nhân bị mua bán trở về. Các nạn nhân khi trở về địa phương không chỉ được hỗ trợ khó khăn ban đầu mà còn được vay vốn để phát triển sản xuất, được học nghề, tạo điều kiện việc làm.

Tuy nhiên, việc xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ các nạn nhân mua bán người cũng gặp không ít khó khăn. Hầu hết các nạn nhân có tâm lý xấu hổ, mặc cảm với quá khứ, nên tự ti, khép kín; nhiều trường hợp không ở lại địa phương mà đi nơi khác làm ăn, sinh sống. Bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Đức (huyện An Lão) kể, phải mất đến 3 năm mới có thể tiếp cận và để bà Nguyễn Thị Tình mở lòng, nhận sự giúp đỡ của các đoàn thể tại địa phương.

Chị Huệ cho biết, đầu tiên, chị ấy e ngại, lẩn tránh, không cho chúng tôi tiếp cận. Phải mất ba năm chị ấy mới nghe chúng tôi; ở bên Trung Quốc về chị ấy thay đổi tính nết, nói năng cứ khùng lên. Tôi cũng đã đến tận nhà chị ấy thuê để tiếp cận, khuyên bảo, căn dặn từng bước một, dần dần, chị ấy cũng nghe ra. Ngoài tiền hỗ trợ của địa phương, Hội Phụ nữ chúng tôi có cả tiền hỗ trợ cho chị ấy, cho chị ấy quần áo, tiền mặt, mắm muối, mì chính, gạo...

Không chỉ hỗ trợ các nạn nhân bị  mua bán, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ Hải Phòng đã thực hiện hiệu quả nhiều mô hình hỗ trợ các chị em từng lầm lỡ, là nạn nhân của bạo lực, di cư không an toàn trở về. Với các mô hình như: CLB Bình Yên, Niềm tin, Phụ nữ tìm về yêu thương, 2 nhóm đồng đẳng phòng ngừa, hỗ trợ phụ nữ mại dâm và bị  mua bán trở về..., hàng năm, các cấp Hội đã giúp đỡ từ 150-170 đối tượng, tạo điều kiện để các chị em sớm xóa bỏ mặc cảm tâm lý, hòa nhập cộng đồng và vươn lên làm lại cuộc đời.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phòng ngừa mua bán người cũng được các địa phương và các cấp hội Phụ nữ tại Hải Phòng đẩy mạnh. Tại huyện Thủy Nguyên, một địa phương của thành phố Hải Phòng có số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài khá lớn, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã duy trì 37 mô hình tư vấn hôn nhân gia đình và phòng chống xâm hại trẻ em; triển khai rộng rãi các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khó khăn trên địa bàn huyện, trong đó có phụ nữ trở về từ nước ngoài. Đặc biệt, trong 2 năm 2019-2020, huyện Thủy Nguyên đã triển khai dự án “Phòng, chống buôn bán người và nô lệ thời hiện đại” do tổ chức Di cư Quốc tế hỗ trợ, với hàng chục hội thảo, truyền thông cho đối tượng đích là phụ nữ và học sinh các trường trên địa bàn. Theo bà Đỗ Thị Liên – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thủy Nguyên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa mà mấy năm gần đây, không có hội viên tại địa phương là nạn nhân của các vụ mua bán người, số chị em kết hôn với người nước ngoài trở về vì ly hôn, không hạnh phúc cũng giảm hẳn. Chúng tôi tuyên truyền rất kỹ về thông điệp“nghĩ trước, bước sau” cho phụ nữ để giúp cho họ có quyết định đúng đắn nhất, suy nghĩ chín chắn nhất và chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhất nếu như họ có ý định ra nước ngoài. Dự án được triển khai sâu rộng và được đánh giá hiệu quả tương đối tốt vì các cuộc truyền thông đã có sự đổi mới, sử dụng hình thức sân khấu hóa, truyền thông trực tiếp thông qua hình thức trò chơi để các đối tượng phụ nữ, học sinh có thể trao đổi trực tiếp về những thắc mắc hay vấn đề di cư nước ngoài và nhận được những phản hồi tích cực.

 “Nghĩ trước, bước sau” cũng là thông điệp mà các chương trình, dự án và các cấp hội Phụ nữ thành phố Hải Phòng gửi tới các chị em, để có những suy nghĩ, việc làm đúng đắn, sáng suốt trước khi quyết định di cư. Công tác phòng ngừa được thực hiện kịp thời, các vụ việc  mua bán người được ngăn chặn kịp thời, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bà Trần Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hải Phòng cho biết thêm: Trong những năm qua, đã có rất nhiều phụ nữ kết hôn không an toàn toàn, phụ nữ bị mua bán trở về được đội ngũ cán bộ Hội các cấp hỗ trợ về mặt tâm lý, kiến thức, kết nối hỗ trợ về mặt giấy tờ, thủ tục pháp lý nhân thân như làm giấy khai sinh, hỗ trợ trẻ đến trường; hỗ trợ khám chữa bệnh, giới thiệu một số trường hợp đến sinh sống tại Ngôi nhà bình yên của Hội LHPN Việt Nam. Đặc biệt, Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội LHPN thành phố đã tư vấn trực tiếp cho 563 trường hợp; mở 10 lớp hướng dẫn, chia sẻ về phong tục tập quán, hướng dẫn nấu các món ăn Hàn Quốc, Trung Quốc và những vấn đề liên quan đến hôn nhân có yếu tố nước ngoài cho trên 200 phụ nữ Hải Phòng kết hôn với người Hàn Quốc, Trung Quốc.

Tiếp cận, thăm hỏi, động viên, trợ giúp pháp lý, giới thiệu việc làm, vay vốn phát triển kinh tế cho 7 phụ nữ di cư không an toàn và 17 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. Tư vấn, trợ giúp pháp lý, làm thủ tục, cấp sổ hộ khẩu cho 4 phụ nữ bị mua bán ở huyện Vĩnh Bảo, An Lão, hỗ trợ làm thủ tục cho 2 cháu nhỏ là con của nạn nhân đến trường.

Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho 02 phụ nữ bị mua bán trở về có thu nhập ổn định từ 2.500.000đ - 3.000.000đ/tháng. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của tổ chức Actionaid Việt Nam, Hội LHPN thành phố đã thành lập Quỹ sáng kiến, hỗ trợ học nghề và đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho 10 phụ nữ bị mua bán trở về phát triển kinh tế hoà nhập cộng đồng với số kinh phí 43 triệu đồng.

Các cấp Hội phụ nữ thành phố đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các cấp Hội thành lập, duy trì hiệu quả và nhân rộng: 61 nhóm nhỏ phòng chống mua bán người, CLB Bình Yên, Niềm tin, Phụ nữ tìm về yêu thương; 02 nhóm đồng đẳng phòng ngừa và hỗ trợ phụ nữ mại dâm và bị mua bán trở về; 6 CLB Bình Yên với 150 thành viên sinh hoạt các nội dung phòng chống mua bán phụ nữ trẻ em…Với những mô hình này, hàng năm, các cấp Hội đã giúp đỡ từ 150-170 đối tượng tiến bộ; tập hợp, động viên những người bị mua bán trở về, có hoàn cảnh éo le, đã từng lầm lỡ hoặc là nạn nhân của bạo lực, di cư không an toàn trở về tham gia các CLB, các hoạt động cộng đồng để xóa bỏ mặc cảm vươn lên làm lại cuộc đời. /.

Xuân Việt