Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng tại Quảng Bình Ngày đăng: 17/12/2020
Sau hơn 1 năm thí điểm, mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới”, kết quả bước đầu đã mang lại ý nghĩa nhân văn, thiết thực giúp đỡ người bán dâm tiếp cận với các dịch vụ xã hội về y tế, pháp lý, học nghề để hướng tới một cuộc sống ổn định hơn…

 

 

 

Ngày 20/5/2019, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 1683/QĐ-UBND phê duyệt mô hình thí điểm “Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới”, triển khai từ tháng 05 - 12/2019 tại huyện Bố Trạch và thành phố Đồng Hới. Đối tượng hưởng lợi là những người có hành vi bán dâm và nhóm có nguy cơ cao; người bán dâm đang làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và thường trú tại địa bàn thí điểm.

Mục tiêu của mô hình là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội; bảo đảm quyền bình đẳng, tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội và tăng cường cung cấp dịch vụ hỗ trợ can thiệp giảm hại cho người bán dâm... với các hoạt động hỗ trợ như thiết lập, duy trì và phát triển thành viên nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, CLB của người bán dâm; tổ chức hội thảo giữa nhóm với đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm kết nối, huy động sự tham gia của các bên liên quan trong triển khai mô hình; thực hiện hoạt động truyền thông về giảm hại và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ hoạt động can thiệp giảm tác hại và kết nối dịch vụ xã hội về y tế, pháp lý, dạy nghề đối với người bán dâm; quản lý, giám sát và đánh giá mô hình...

Một buổi sinh hoạt của các thành viên 

Đến nay, mô hình đã cấp phát được 90 tài liệu với 03 nội dung: trợ giúp pháp lý cho người bán dâm; kỹ năng ứng phó trong tình huống nguy hiểm, khẩn cấp và phòng ngừa bệnh lây qua đường tình dục. Công tác tuyên truyền chủ yếu hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội; bảo đảm quyền bình đẳng, tiếp cận các dịch vụ xã hội của người bán dâm. Thông qua hoạt động mô hình tạo điều kiện hỗ trợ người bán dâm được tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức để tái hòa nhập cộng đồng.

Có được kết quả trong công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn, các ban ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã thực hiện tích cực, đồng bộ xây dựng một số phong trào, mô hình như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Tuổi trẻ Quảng Bình nói không với tệ nạn mại dâm”; mô hình “Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng chống HIV trong phòng chống mại dâm”... góp phần nâng cao trách nhiệm phòng ngừa tác hại của tệ nạn mại dâm và nhận được sự đồng thuận trong việc đấu tranh với các tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng.

Cụ thể, Hội phụ nữ trong tỉnh luôn tích cực trong công tác tuyên truyền, giúp cho các hội viên phụ nữ thấy được tác hại và hậu quả nghiêm trọng của tệ nạn mại dâm để từ đó nâng cao ý thức, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội. Các cấp Hội phụ nữ đã có nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng góp phần nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ; tham gia tích cực với chính quyền, các cấp, các ngành trong cuộc đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, mại dâm; từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm và hỗ trợ phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cũng tích cực tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng, chống tệ nạn mại dâm nói riêng. Mới đây, Thành đoàn Đồng Hới đã tổ chức Chương trình tuyên truyền “Tuổi trẻ Quảng Bình nói không với tệ nạn mại dâm” với nhiều nội dung phong phú, như: các tiểu phẩm truyền thông của các tuyên truyền viên đến từ Đoàn xã Bảo Ninh, phần giao lưu trả lời câu hỏi phổ biến kiến thức về phòng chống tệ nạn mại dâm tại cộng đồng, hướng dẫn phương pháp, những cách làm hay về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS cho đoàn viên, thanh niên. Thông qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn sẽ góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp thanh, thiếu niên và nhân dân nâng cao nhận thức về hiểm họa của mại dâm, HIV/AIDS; tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội tại cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Từ thành công của chương trình, trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về hiểm họa của mại dâm, HIV/AIDS. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng tự bảo vệ trước những cám dỗ, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các loại tội phạm; tránh tình trạng vướng vào các hành vi tổ chức mua, bán dâm trong lứa tuổi đoàn viên, thanh niên./.

Diệu Ngọc