Những khó khăn trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại Lạng Sơn Ngày đăng: 22/12/2020
Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, có chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận và chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1510⁄UBND ngày 08⁄8⁄2018 của UBND tỉnh Lạng Sơn.

 

 

 

 

 

Từ năm 2005 đến nay, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh được giao bổ sung nhiệm vụ tiếp nhận nạn nhân bị mua bán; công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam theo chương trình 130/CP của Chính phủ.

Thực hiện Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 và sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Cơ sở  đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và các ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ của Đề án 3 “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”, đơn vị luôn xác định đây nhiệm vụ quan trọng, với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cần thiết để ổn định tâm lý sớm hòa nhập cộng đồng, xã hội.

Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh vừa là cơ sở tiếp nhận ban đầu, vừa là cơ sở hỗ trợ nạn nhân, vì vậy công tác phối hợp luôn có sự trao đổi thông tin kịp thời (bằng văn bản hoặc điện thoại) với Công an tỉnh; Bộ đội Biên phòng; Phòng Lao động- TBXH các huyện, thị; UBND các xã phường.... để tiếp nhận, xác nhận, thu thập thông tin, xác minh, điều tra và hỗ trợ nạn nhân. Cơ sở cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh nơi nạn nhân cư trú để bàn giao. Đồng thời luôn quan tâm nâng cao năng lực, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện cử viên chức tham gia tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo về công tác phòng, chống mua bán người. Đội ngũ cán bộ viên chức làm việc kiêm nhiệm nhưng nhiệt tình, có trách nhiệm, không ngại khó khăn, luôn cố gắng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ổn định tâm lý nhanh chóng, hòa nhập cộng đồng, trở về nơi cư trú an toàn nhất.

Trong những năm gần đây số lượng nạn nhân được đưa vào Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp luôn có sự biến động. Từ năm 2016 đến nay, Cơ sở tiếp nhận tổng số 80 nạn nhân bị mua bán. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, đã tiếp nhận 19 nạn nhân bị mua bán, trong đó, có 10 người là công dân người nước ngoài (Campuchia, Thái Lan), đặc biệt có 05 trẻ sơ sinh.

Chăm sóc bệnh nhân là nạn nhân bị mua bán trở về

Hiện nay, Cơ sở có 28 cán bộ viên chức, trong đó, phân công  01 viên chức kiêm nhiệm công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán khi vào lưu trú tại Cơ sở. Nạn nhân khi tiếp nhận vào Cơ sở được bố trí nơi lưu trú, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nguyện vọng của nạn nhân, đồng thời nạn nhân cũng được viên chức Cơ sở cung cấp thông tin về chính sách, dịch vụ hỗ trợ. Cụ thể, Cơ sở hỗ trợ tiền ăn cho nạn nhân mức 40.000đ/người/ngày bằng với mức chi của đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp quy định tại điều 25 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013; cung cấp chế độ ăn 03 bữa/ ngày, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng; hỗ trợ đồ dùng, vật dụng tư trang thiết yếu: quần áo, chăn màn, vật dụng cá nhân cần thiết khác đảm bảo trong sinh hoạt hằng ngày cho nạn nhân.    

Ngoài ra, Cơ sở cũng tích cực hỗ trợ các nạn nhân về mặt y tế. Phòng Y tế khám sức khỏe ban đầu, cung cấp thuốc chữa bệnh thông thường cần thiết để nạn nhân ổn định sức khỏe, tâm lý. Trường hợp bị ốm đau nặng thì được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh tuyến trên để chữa trị.

Nạn nhân được viên chức gặp gỡ động viên, tư vấn hỗ trợ về tâm lý để giúp họn ổn định tâm lý, yên tâm lưu trú tại Cơ sở, chờ xác minh thông tin; cung cấp, thông tin về những chế độ, chính sách liên quan cho nạn nhân được biết khi trở về hòa nhập cộng đồng thông qua việc cung cấp các thông tin pháp luật cần thiết, hướng dẫn cho nạn nhân biết các thủ tục khi trở về địa phương và  trình tự báo cáo với cơ quan chức năng tại nơi cư trú, nộp các giấy tờ cần thiết liên quan tới chế độ hỗ trợ tại cộng đồng.

Nhìn chung các nạn nhân được tiếp nhận vào lưu trú tại Cơ sở chủ yếu được chăm sóc sức khỏe, bảo vệ an toàn tính mạng, tham vấn, tư vấn, ổn định tâm lý và họ không có nguyện vọng đi học nghề, chỉ có mong muốn sớm được trở về gia đình.

Từ các dịch vụ hỗ trợ, trợ giúp trên, nạn nhân trong thời gian lưu trú tại Cơ sở có thời gian bình tâm suy nghĩ, ổn định tâm lý, lựa chọn hình thức trợ giúp theo nguyện vọng, đồng thời tạo niềm tin cho nạn nhân yên tâm, khi được giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng.

Sau khi hoàn thiện các thủ tục cần thiết với các cơ quan chức năng và đủ điều kiện trở về nơi cư trú theo quy định, Cơ sở thwujc hiện trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn trong những ngày đi đường đảm bảo hỗ trợ cho nạn nhân thực hiện nguyện vọng trở về nơi cứ trú một cách an toàn. Mức hỗ trợ tiền tàu xe chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông; Tiền ăn trong những ngày đi đường theo Thông tư số 84/2019/TT-BTC.

Đối với nạn nhân là trẻ em, Cơ sở chủ động liên hệ với gia đình và chính quyền địa phương, bố trí viên chức và phương tiện để đưa các trẻ về bàn giao về địa phương theo quy định. Trong năm 2020 đã  thực hiện bàn giao 02 cháu về huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Có thể nói, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân được đảm bảo, an toàn, đúng chế độ quy định.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về của tỉnh Lạng Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Cơ sở Bảo trợ xã hội tỉnh đang trong giai đoạn xây dựng mở rộng, sửa chữa, cải tạo. Cơ sở vật chất chưa được bàn giao toàn bộ nên việc bố trí nơi tiếp nhận và nhà ở riêng biệt cho nạn nhân chưa có, do đó, tạm thời bố trí phòng cho nạn nhân ở và lưu trú tại khu nhà ở dành cho nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khuyết tật, thiểu năng trí tuệ…

Nạn nhân thường là người dân tộc thiểu số hoặc nạn nhân không nói được tiếng Việt, hoặc là người nước ngoài (Thái Lan, Campuchia, Lào), trình độ văn hóa thấp nên việc tiếp cận, giao tiếp với nạn nhân thường gặp khó khăn.

Tâm lý của các nạn nhân luôn luôn thay đổi, nạn nhân thường mặc cảm, không muốn khai báo, che giấu thân phận, không dám tố cáo tội phạm hoặc có thể bị tâm thần phân liệt dạng nhẹ hoặc bị sang chấn tâm lý… ảnh hưởng lớn đến việc quản lý và hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân.

Cùng với đó, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm, kỹ năng làm việc và tiếp cận nạn nhân chưa được chuyên sâu đặc biệt  khó khăn cho công tác chăm sóc, giải quyết những vấn đề bức xúc của nạn nhân.

Việc tạm thời bố trí khu nhà ở của các cháu mồ côi để làm nơi ở cho các nạn nhân bị mua bán khi trở về cũng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sự phát triển của các trẻ em mồ côi đang được nuôi dưỡng tại Cơ sở.

Cơ sở còn khó khăn trong việc bố trí nhân viên chăm sóc trẻ nhỏ sơ sinh dưới 18 tháng tuổi, theo quy định tại thông tư số 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 quy định định mức nhân viên là 01 nhân viên chăm sóc 01 trẻ nhỏ dưới 18 tháng tuổi. Do vậy, hiện không có đủ nhân viên để chăm sóc mà phải hợp đồng người lao động vào làm việc, đồng thời, cũng thiếu nguồn kinh phí để chi trả.

Nhằm góp phần thực hiện hiệu công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục phòng, chống TNXH nghiên cứu sủa đổi, bổ sung thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn, cụ thể: theo Nghị định số 09/2013/ NĐ-CP quy định về thời gian hỗ trợ cho nạn nhân là không quá 60 ngày, tuy nhiên, tại NĐ 136/2013/NĐ-CP thì nạn nhân được hỗ trợ, nuôi dưỡng không quá 90 ngày; quan tâm hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn về kinh phí và cơ sở vật chất, xây dựng khu nhà riêng biệt để tiếp nhận nạn nhân sẽ đảm bảo thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc và hỗ trợ nạn nhân tại Cơ sở.

Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về nạn mua bán người tới các địa phương, vùng sâu, vùng xa, thông qua các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng./.

Phương Đông