Bộ Quốc phòng với công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về Ngày đăng: 22/09/2020
Do tác động từ tình hình mua bán người trên thế giới và khu vực, tội phạm mua bán người ở Việt Nam trong thời gian qua diễn biến phức tạp. Khu vực biên giới vừa là nơi xảy ra tội phạm, vừa là địa bàn trung chuyển nạn nhân đưa ra nước ngoài, tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới Việt Nam- Trung Quốc, Việt Nam- Campuchia. Các đối tượng trong và ngoài biên giới câu kết, hình thành các đường dây có tổ chức, liên tỉnh, xuyên quốc gia để tuyển mộ, tiếp nhận, chứa chấp, vận chuyển, chuyển giao nạn nhân. Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp hơn nhằm đối phó với các cơ quan chức năng; sử dụng tên, địa chỉ giả để dụ dỗ, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi, mua sắm tại các chợ giáp biên để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài.

Thực hiện Đề án 3 về Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2016-2020, hàng năm, căn cứ tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người, phối hợp với Bộ Công an mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người ở khu vực biên giới, biển và hải đảo.

Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống mua bán người, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức các lớp tập huấn chuyên ngành nhằm nâng cao năng lực pháp luật, nghiệp vụ cho cán bộ các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ về công tác phòng, chống mua bán người; cử cán bộ các đơn vị cơ sở tham gia các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm về công tác phòng, chống mua bán người do các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế tổ chức. Qua đó, nâng cao nhận thức, kiến thức cơ bản về phòng, chống mua bán người; đặc biệt là trách nhiệm quản lý công tác tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.

Để thực hiện công tác phòng ngừa xã hội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và hành động cho quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới, nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người; chú trọng tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán; tuyên truyền phổ biến, tư vấn về pháp luật, chính sách tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm cho nạn nhân bị mua bán. Chỉ đạo lồng ghép tuyên truyền toàn dân tham gia bảo vệ biên giới, phòng, chống tội phạm kết hợp với “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” hàng năm theo chỉ đạo của Chính phủ và mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; triển khai hộp thư tố giác tội phạm, đường dây nóng tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về mua bán người. Kết quả, các đơn vị đã chủ trì, phối hợp tổ chức tuyên truyền 3.170 buổi/330.000 lượt người tham gia; in, cấp phát trên 21.559 tờ rơi, áp phích, pano, khẩu hiệu; xây dựng, đăng phát hàng nghìn tin, bài về phòng, chống mua bán người. Qua công tác tuyên truyền, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân trong phòng, chống mua bán người.

Từ năm 2016 đến 31/7/2020, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng trong, ngoài nước giải cứu, tiếp nhận, trao trả và xử lý tổng số 295 vụ với 601 nạn nhân; trong đó, chủ trì và phối hợp giải cứu 154 vụ/349 nạn nhân; tiếp nhận 102 vụ/184 nạn nhân do Công an Trung Quốc trao trả, 38 vụ/66 nạn nhân tự trở về; trao trả cho Công an Campuchia 01 vụ/02 nạn nhân.

Quân y BĐBP Lạng Sơn hướng dẫn phụ nữ dân tộc Dao cách chăm sóc sức khỏe, phòng chống mua bán người

Tất cả các trường hợp nạn nhân được giải cứu, tiếp nhận hoặc tự trở về đều được các đơn vị Bộ đội Biên phòng tiến hành xác minh và áp dụng các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, như: Giữ bí mật thông tin, tài liệu liên quan đến nạn nhân; áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân; bố trí chỗ ở tạm thời, hỗ trợ ăn, mặc và các vật chất khác phục vụ sinh hoạt hàng ngày; chăm sóc sức khỏe ban đầu... Sau đó, nạn nhân được chuyển tuyến để tiếp tục hỗ trợ tại các Trung tâm công tác xã hội, Nhà Nhân ái, Ngôi nhà bình yên của các cơ quan thuộc ngành Lao động- Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đối với các trường hợp nạn nhân có nguyện vọng được trở về gia đình, các đơn vị Bộ đội Biên phòng hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường cho nạn nhân và người thân thích của họ, đồng thời, hướng dẫn làm các thủ tục nhận chế độ hỗ trợ theo quy định.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng còn gặp một số khó khăn như: các đơn vị Bộ đội Biên phòng hầu hết không được đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo quy định, nhất là khi lực lượng chức năng nước ngoài trao trả nạn nhân với số lượng lớn, khó khăn trong việc bố trí nơi ăn, ngủ và hỗ trợ ban đầu theo quy định; nhiều đơn vị vùng sâu, vùng xa, cách xa trung tâm huyện hoặc các cơ sở hỗ trợ nên công tác chuyển tuyến gặp nhiều khó khăn. Đa số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em nữ và có cả trường hợp là trẻ sơ sinh, trong khi đó, các đồn Biên phòng lại không có cán bộ, nhân viên nữ nên gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân.

Thảo Phương