Thái Nguyên đẩy mạnh công tác hỗ trợ người bán dâm Ngày đăng: 20/08/2020
Thời gian qua, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã giảm so với những năm trước, nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Hiện, địa bàn có 1.144 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm với gần 1.200 nhân viên phục vụ. Để góp phần phòng, chống mại dâm hiệu quả, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, chính quyền các cấp và người dân trong công tác phòng, chống mại dâm.

 

 

Tập trung phòng ngừa là chính

Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chi Cục trưởng Chi cục PCTNXH tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc phòng ngừa mại dâm (MD) rất quan trọng vì trong thực tế, phần lớn chị em “nhỡ sa chân” vào con đường này cũng bởi không có việc làm, không có nguồn thu nhập chính đáng. Vì vậy, việc cần thiết là tạo sinh kế giúp chị em có công ăn việc làm ổn định. Từ thực tế này, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa MD thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội (KT-XH) tại địa phương như: giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, vay vốn tạo việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người và phòng, chống tệ nạn ma túy.

Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, đánh giá về nhóm người có nguy cơ cao và  để xây dựng kế hoạch lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống MD với các chương trình KT-XH Cụ thể, Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý địa bàn, thường xuyên tổ chức rà soát số người có dấu hiệu hoạt động MD để đưa vào danh sách theo dõi, giúp đỡ. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai Đề án số 01 “Hỗ trợ PN phát triển kinh tế, tăng giàu, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2017 - 2020” gắn với thực hiện đề án 939 của Chính phủ, triển khai nhiều mô hình, hoạt động mới mang tính đột phá. Hằng năm, 100% cơ sở Hội tổ chức rà soát, lập danh sách hộ nghèo, phân công cán bộ, hội viên giúp đỡ.

Mô hình "Ngôi nhà xanh" tại xã Tân Đức, huyện Phú Bình, Thái Nguyên

Với phương châm “Tập huấn trước, vay vốn sau”, các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức 1.328 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 101.676 hội viên và các thành viên nhóm sở thích/tổ hợp tác/hợp tác xã; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho 18.995 hội viên, trong đó có 14.925 người có việc làm sau đào tạo; tiếp tục duy trì và xây dựng mới 140 nhóm sở thích/tổ hợp tác; 12 hợp tác xã nông sản an toàn, 13 cửa hàng giới thiệu nông sản an toàn; 433 mô hình phát triển kinh tế. Vận động hội viên tham gia các mô hình kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị, chuyển đổi sang phương pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho các hộ sản xuất và người tiêu dùng; thành lập và duy trì hoạt động câu lạc bộ “Vườn ươm phụ nữ khởi nghiệp” gồm 35 thành viên; hỗ trợ được 150 PN khởi nghiệp. Duy trì 5 Câu lạc bộ Nữ doanh nhân với 173 thành viên; hỗ trợ hơn 300 nữ chủ hộ sản xuất kinh doanh được vay vốn với số tiền trên 30 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã chủ động tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho hội viên về khởi sự kinh doanh, năng lực quản lý, hỗ trợ và tiếp cận các chính sách; tham gia các hội nghị, hội thảo về phát triển doanh nghiệp... Phối hợp với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các tổ chức phi chính phủ quốc tế để khai thác nguồn vốn cho phụ nữ vay phát triển kinh tế. Đến nay, các cấp Hội trong toàn tỉnh đang quản lý với tổng nguồn vốn là 2.921 tỷ đồng cho 76.164 người vay; vận động ủng hộ trên 5 tỷ đồng để xây dựng 185 nhà “Mái ấm tình thương” và sửa chữa 30 ngôi nhà cho hội viên nghèo trong tỉnh.

Hiệu quả bước đầu từ mô hình triển khai

Để đạt được kết quả trên, Chi cục PCTNXH tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp PN tỉnh tổ chức 93 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về hỗ trợ giảm hại, hòa nhập cộng đồng cho cán bộ các cấp tham gia công tác phòng, chống MD và cán bộ trực tiếp cung cấp, hỗ trợ dịch vụ cho người bán dâm với trên 5.000 lượt người dự; tổ chức hoạt động can thiệp giảm tác hại HIV/AIDS như cấp phát trên 12.000 bao cao su cho các nhà nghỉ, khách sạn nhằm giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS.

Nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD, tỉnh cũng xây dựng mô hình hỗ trợ và tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống MD cho 296 chủ cơ sở kinh doanh và gần 200 người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Qua đó, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ và người lao động đã hiểu biết những quy định của pháp luật về phòng, chống MD, chính sách, quyền lợi theo quy định pháp luật; trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa tác hại của tệ nạn MD, phòng ngừa lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục.

Sau một thời gian triển khai, các mô hình đã làm chuyển biến về nhận thức, thay đổi hành vi, nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống MD; thúc đẩy những yếu tố ngăn ngừa sự phát sinh tệ nạn MD trên địa bàn tỉnh. Hai đơn vị xã, phường xây dựng mô hình đã chuyển hóa không có tệ nạn MD, đạt tiêu chuẩn xã, phường lành mạnh không có tệ nạn MD. Câu lạc bộ “ Phòng, chống MD” đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong việc giúp đỡ phụ nữ tiếp cận với các dịch vụ can thiệp dự phòng HIV, khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục và điều trị HIV/AIDS...

Có thể nói, bên cạnh các giải pháp phòng chống MD mà tỉnh Thái Nguyên  triển khai quyết liệt thời gian qua thì các hoạt động phòng ngừa MD thông qua việc lồng ghép các chương trình KT-XH tại địa phương cũng như các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống MD bước đầu đã đạt kết quả nhất định, góp phần không nhỏ trong cuộc chiến phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và hỗ trợ, giảm hại cho người bán dâm nói riêng./.

NC/Theo GĐ-TE