Hiệu quả từ mô hình “Nhà trường an toàn không có ma túy” Ngày đăng: 20/08/2020
Thời gian gần đây, các nhà trường, cơ sở giáo dục đã từng bước quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và dư luận xã hội đối với công tác giáo dục phòng, chống tội phạm và phòng, chống các tệ nạn xã hội trong học đường.

 

 

 

 

 

Nhiều cách làm sáng tạo

Có thể nói, với việc xây dựng, triển khai mô hình “Nhà trường an toàn không có ma túy” đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, giáo viên và học sinh về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Tại tỉnh Hòa Bình, Sở Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo lồng ghép, triển khai các nội dung công tác phòng, chống tội phạm trong giảng dạy các môn giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, giáo dục sức khỏe vào giờ sinh hoạt lớp; tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng cho học sinh, sinh viên về chủ đề phòng, chống tội phạm, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma tuý, phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em. Các trường học đã xây dựng các panô, áp phích, tổ chức các buổi tuyên truyền, thi tiểu phẩm, tọa đàm, các hoạt động ngoại khóa với các nội dung phòng, chống ma túy, HIV và các tệ nạn xã hội khác với các nội dung phong phú, sinh động.

Thầy Lại Đức Trung, Hiệu trưởng Trường THPT huyện Lạc Thủy, Hòa Bình cho biết: chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cha, mẹ học sinh và dư luận xã hội đối với công tác giáo dục phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong học đường. Thường xuyên phối hợp với hội phụ huynh nắm tình hình tâm tư học sinh, phát hiện và chấn chỉnh, giáo dục kịp thời những biểu hiện lệch lạc, không để học sinh mắc tệ nạn xã hội; phối hợp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong học đường; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy nội dung phòng, chống tội phạm. Đến nay, số học sinh được học những nội dung kiến thức trên trong các giờ học chính khóa và ngoại khóa đạt tỷ lệ 100%; khuyến khích học sinh phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục phòng, chống tội phạm, tham gia đội ngũ cộng tác viên và câu lạc bộ tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn phòng chống tội phạm ma túy.

Ở trường Trung học Khoa học – Kỹ thuật Hòa Bình, mô hình “Nhà trường an toàn không có ma túy” đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Hàng năm, 100% lớp được dạy đủ số bài học quy định trong chương trình, dạy lồng ghép vào tiết sinh hoạt tập thể và trong môn học pháp luật, chính trị của các ngành học. Ngay từ đầu năm học, trường đã tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên và các tập thể lớp ký cam kết xây dựng “Trường học an toàn không có ma túy”, ký cam kết về an toàn giao thông, phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, chấp hành pháp luật, không uống rượu, bia khi tham gia giao thông...; Duy trì có hiệu quả hoạt động của đội văn nghệ, thể thao xung kích tuyên truyền phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; Thường xuyên chú trọng đến công tác truyền thông bằng hình thức thông tin đại chúng, hình ảnh trực quan sinh động. Đặc biệt, nhà trường đã thực hiện tốt quy chế phối hợp với chính quyền cơ sở, Công an phường trong công tác quản lý học sinh và thường xuyên tổ chức họp giao ban để trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình. Hiện nay, 100% học sinh, sinh viên ngoại trú đều được đăng ký tạm trú, quá trình thay đổi địa chỉ thuê trọ được kịp thời đăng ký và báo cáo với Công an phường để làm thủ tục mới. Học sinh, sinh viên phải nộp giấy nhận xét của Công an phường nơi đang ngoại trú cho nhà trường, qua đó, nhà trường có cơ sở xác định và đánh giá hạnh kiểm của học sinh, sinh viên toàn diện hơn. Nhờ đó, những năm qua, trong trường và các khu có học sinh, sinh viên thuê trọ không để xảy ra việc sản xuất, sử dụng, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các chất ma túy.

 

Chú trọng hoạt động ngoại khóa về tác hại của ma túy

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm và tệ nạn ma túy trong những năm gần đây, cùng với số người sử dụng ma túy đang có xu hướng trẻ hóa, với quyết tâm không để ma túy có cơ hội xâm nhập vào học đường, Trường THPT Bắc Yên (Sơn La) chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh cảnh giác trước những thủ đoạn lôi kéo của loại tội phạm ma túy.

Thầy giáo Phan Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên chia sẻ: Đối với học sinh nội trú, nhà trường có lịch phân công các giáo viên trực khu ký túc hằng ngày, quản lý giờ giấc sinh hoạt và học tập của học sinh ngoài giờ lên lớp. Còn đối với học sinh ngoại trú, nhà trường phân công các thầy giáo, cô giáo thường xuyên đến các khu nhà trọ có học sinh lớp mình chủ nhiệm để hướng dẫn, đôn đốc giờ giấc sinh hoạt cho các em. Trong thời gian đó, các thầy, cô giáo còn giúp đỡ các em ôn tập bài học, củng cố thêm kiến thức, chuẩn bị tốt cho các đợt kiểm tra học kỳ và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Đồng thời, nhà trường còn phối hợp với Công an huyện triển khai nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể để phòng chống tệ nạn ma túy học đường, như: Tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền phòng, chống tác hại của ma túy; một số dấu hiệu cơ bản để nhận biết các loại ma túy; lồng, ghép chủ đề phòng, chống tác hại của ma túy trong các buổi giao lưu văn nghệ... Cách làm này được đông đảo học sinh hưởng ứng tham gia, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho học sinh toàn trường về tác hại của ma túy. Đây cũng là một trong những phương pháp trang bị kiến thức và nâng cao kỹ năng sống, sự tự tin cho học sinh.

Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống ma túy cho các em học sinh, Trường THPT Bắc Yên còn thường xuyên tổ chức các đợt phát giác, tố giác người nghiện ma túy trong toàn trường. Điều đáng ghi nhận là nhờ thực hiện phát giác, tố giác và quản lý tốt học sinh ngoại trú nên gần 10 năm học trở lại đây, Trường THPT Bắc Yên không có trường hợp học sinh nào mắc nghiện ma túy. Đây là điều kiện tốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường; giáo dục, đào tạo những công dân có ích cho gia đình, xã hội trong tương lai../.

Ng. Trực/Theo GĐ-TE