Hiệu quả từ mô hình trợ giúp người bán dâm tại Khánh Hòa Ngày đăng: 20/08/2020
Tuy chỉ mới triển khai một thời gian ngắn nhưng mô hình hỗ trợ người bán dâm đã mang lại hiệu quả bước đầu, đây là cơ sở thực tiễn để các ngành chức năng của tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xây dựng, triển khai chính sách phù hợp trong công tác phòng, chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm trên địa bàn thời gian tới.

 

 

 

 

Từng bước thức tỉnh người bán dâm

Năm 2019, tỉnh Khánh Hòa triển khai thí điểm 02 mô hình phòng, chống mại dâm, gồm: “Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực nhóm đồng đẳng của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và can thiệp giảm hại phòng, chống bạo lực giới” và “Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, cơ sở trợ giúp xã hội”.

Chị N., Trưởng Nhóm đồng đẳng Sóng Biển (TP. Nha Trang) có gần 30 năm làm cộng tác viên xã hội, hiện đang làm cộng tác viên cho “Mô hình dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, cơ sở trợ giúp xã hội” do Chi cục PCTNXH tỉnh triển khai, cho biết, công việc hàng đêm của chị em trong nhóm là tìm cách tiếp cận với người bán dâm, tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ bản thân, phòng ngừa bệnh tật, cấp phát dụng cụ tránh thai, hỗ trợ khám bệnh định kỳ. Đồng thời, tìm hiểu chị em nào có tâm tư nguyện vọng muốn hoàn lương thì giúp đỡ, tư vấn và hỗ trợ phòng lây nhiễm HIV…

“Cái khó nhất là người bán dâm luôn cảnh giác, ít mở lòng, nên ngoài khách hàng của họ, chỉ có các đồng đẳng viên, người từng cùng cảnh ngộ mới có thể tiếp cận được. Khi gặp người bán dâm, chúng tôi nói với họ rằng mình cũng đã từng làm công việc này, nhưng nay đã hoàn lương, muốn giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Nhiều chị em nghe vậy mới tin tưởng và muốn được hỗ trợ, hoàn lương”, chị N. kể lại. 

Lúc đầu có 7 người, Nhóm đồng đẳng được Chi cục PCTNXH tỉnh tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức, kỹ năng tiếp cận, tuyên truyền, vận động, can thiệp. Bên cạnh đó, Chi cục PCTNXH tỉnh còn kết nối với các cơ sở y tế, trung tâm trợ giúp pháp lý, các ngành, đoàn thể… cùng hỗ trợ khảo sát thông tin, lập bản đồ cung cấp các dịch vụ can thiệp giảm hại. Từ đó, các thành viên của nhóm phân công nhau bám địa bàn, tiếp cận những người bán dâm và người có nguy cơ cao để tuyên truyền, vận động tham gia sinh hoạt nhóm. Chỉ sau một thời gian ngắn, bằng các biện pháp, kỹ năng được đào tạo, các thành viên của nhóm đồng đẳng đã tiếp cận và kết nối hơn 150 người bán dâm, kết nạp họ trở thành thành viên của nhóm. 

Hàng tháng, nhóm sinh hoạt định kỳ tư vấn các dịch vụ giảm hại về y tế, pháp lý, bảo trợ xã hội, dạy nghề, việc làm, sinh kế… tạo sự tự tin, cởi mở của các thành viên trong nhóm, chia sẻ khó khăn, vướng mắc và được các chuyên gia, lãnh đạo các ngành chức năng thông tin, chia sẻ về chính sách, chế độ và tháo gỡ vướng mắc. 

Kết quả, mô hình đã hỗ trợ cho hơn 100 người bán dâm tiếp cận sử dụng dịch vụ y tế, tư vấn sức khỏe, thăm khám và điều trị các bệnh phụ khoa, phòng tránh lây nhiễm HIV. Đồng thời, có hơn 30 người được hỗ trợ pháp lý về giấy tờ tùy thân. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, việc can thiệp giảm hại đã từng bước thức tỉnh những người bán dâm dần từ bỏ hoạt động mại dâm và hoàn lương. Hơn 20 người được tư vấn học nghề phù hợp để chuyển đổi công việc và đã có 12 người đăng ký học nghề làm bánh, tạo sinh kế mới, hoàn lương, từ bỏ bán dâm.

Cầu nối mang ý nghĩa nhân văn

Nói về hiệu quả của mô hình, bà Lê Phương Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, thông thường, người bán dâm rất khó tiếp cận, nhưng qua mô hình này, các ngành chức năng có thể sớm tiếp cận được với nhiều người bán dâm và người có nguy cơ cao. Chính các thành viên của nhóm đồng đẳng là chiếc cầu nối, kêu gọi những người bán dâm tham gia sinh hoạt để tuyên truyền nâng cao nhận thức, thức tỉnh họ hoàn lương. Không những thế, mô hình đã kịp thời can thiệp, hỗ trợ cho hơn 10 người bị bạo hành gia đình. Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai mô hình đã tạo dựng môi trường giảm hại, vận động thực hiện các chính sách giúp người bán dâm hòa nhập cộng đồng. 

Một trong những điểm thành công của mô hình là đã huy động được sự tham gia có trách nhiệm từ các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong việc triển khai can thiệp giảm hại và hỗ trợ xã hội. Với sự hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật, kỹ năng của các chuyên gia đã thu hút được các đồng đẳng viên tham gia. 

Đặc biệt, mô hình đã từng bước tiếp cận được với những người bán dâm thông qua hoạt động tuyên truyền, vận động và giúp họ tiếp cận các dịch vụ giảm hại, nâng cao nhận thức để từ bỏ hành vi. Với những kết quả tích cực đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai và nhân rộng trên toàn tỉnh, kết hợp các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm để chuyển đổi hành vi, tạo sự đồng thuận và xóa bỏ sự kỳ thị đối với người bán dâm.

Nói về thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của nhóm đồng đẳng, bà Thảo cho biết thêm, từ các cuộc đối thoại, sinh hoạt nhóm, những chị em bán dâm thực sự chia sẻ những khó khăn, rào cản khi tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, y tế... điều này rất quan trọng vì nó giúp các ngành chức năng từng bước điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp, tạo điều kiện cho những người bán dâm thay đổi hành vi, hoàn lương. Tuy nhiên, điều khó khăn là cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng đích chưa có quy định cụ thể, rõ ràng khiến việc triển khai còn gặp lúng túng tại địa phương. Các cơ sở làm căn cứ để xác định người bán dâm, người hoàn lương chưa phù hợp với thực tế nên địa phương gặp khó trong việc đề ra giải pháp, hoạt động tiếp cận và hỗ trợ phù hợp./.

Nguyên Trực/Theo GĐ-TE