Tình hình và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm mua bán người và môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài Ngày đăng: 12/09/2014
Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2008 đến hết 6 tháng năm 2014, cả nước có 115.675 công dân Việt Nam (nữ chiếm 92,01%) kết hôn với công dân của trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó chủ yếu với công dân Đài Loan và Trung Quốc (đại lục), Hàn Quốc, Mỹ, các quốc gia Châu Âu. Liên quan đến vấn đề này, đã xuất hiện đã xuất hiện tình trạng mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép khi toàn quốc xảy ra 2.939 vụ mua bán người, liên quan đến 4.707 đối tượng, lừa bán 5.858 nạn n

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 138/CP, tội phạm mua bán người (TPMBN) xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, trong đó gần 90% là mua bán người ra nước ngoài (chủ yếu là sang Trung Quốc), trên 10% là  mua bán trong nội địa; có 489 vụ mua bán người vì mục đích hôn nhân (chiếm 16,65% tổng số vụ mua bán người), với 1.040 đối tượng (chiếm 22,57%), lừa bán 1.116 nạn nhân (chiếm 19,06%). Riêng 17 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam phát hiện 150 vụ việc có dấu hiệu mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả, với 457 đối tượng tham gia, lừa bán 1.496 nạn nhân. Trong đó môi giới hôn nhân trái phép: 98 vụ, 207 đối tượng, 510 nạn nhân; tổ chức xem mặt chọn vợ: 52 vụ, 250 đối tượng, 986 phụ nữ.

Qua thống kê cho thấy, nạn nhân thường là những phụ nữ đang trong độ tuổi kết hôn sống tại các vùng nông thôn nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, hiểu biết xã hội còn hạn chế. Một số phụ nữ có lối sống thực dụng, thích hưởng thụ nhưng lười lao động, mong lấy được chồng nước ngoài để được “đổi đời”. Thậm chí, nhiều chị em mong muốn lấy chồng ngoại nhằm thực hiện ước mơ thay đổi cuộc sống, kiếm được nhiều tiền để phụ giúp gia đình nên dễ bị bọn tội phạm lừa gạt lấy chồng bán ra nước ngoài.

Đối tượng phạm tội là bọn lưu manh chuyên nghiệp và có tiền án, tiền sự về mua bán người (chiếm 22%); nhiều đối tượng người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng thăm quan, du lịch, hoạt động kinh doanh… rồi móc nối, cấu kết với bọn cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế. Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2009, các đối tượng người Hàn Quốc, Đài Loan, Malayxia… cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam dẫn dắt hình thành các đường dây xem mặt, chọn vợ tập thể có quy mô lớn tại các nhà hàng, khách sạn. Từ năm 2010 đến nay, do bị phát hiện và điều tra, xử lý kiên quyết, chúng dùng các thủ đoạn tinh vi như: mỗi lần chỉ đưa 3 - 5 cô gái đến nhà trọ, khách sạn, quán karaoke… nằm ở những khu vực vắng vẻ, lúc đêm khuya cho khách tuyển chọn; dùng máy quay video hoặc thông qua webcam trên máy vi tính cho khách nước ngoài chọn lựa… Để đối phó với những quy định mới của pháp luật (Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ, trong đó chấn chỉnh một số nội dung liên quan đến việc kết hôn có yếu tố nước ngoài không để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội), thời gian gần đây một số địa phương phát hiện tình trạng đối tượng làm giấy tờ giả về tình trạng hôn nhân để xin đăng ký kết hôn với người nước ngoài.

Nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi TPMBN, đặc biệt là dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả để lừa phụ nữ ra nước ngoài bán, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác này. Đặc biệt là việc thực hiện nội dung phòng, chống mua bán người (PCMBN) dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả để lừa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài bán được quy định trong Luật Phòng, chống mua bán người và Chương trình hành động phòng, chống TPMBN giai đoạn 2011- 2015 (Quyết định số 1427/QĐ- TTg ngày 18/8/2011).

Là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Bộ Tư pháp đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn quán triệt, hướng dẫn cho các đơn vị, địa phương thực hiện và tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại một số địa phương trọng điểm; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan xác lập cơ chế thông tin về tình hình công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và ký kết Thỏa thuận với các nước hữu quan về vấn đề này.

Nhằm đảm bảo hôn nhân trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và tiến bộ, nhất là trong vấn đề kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài, từ năm 2004 đến nay, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức nhiều hội nghị quán triệt về những vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, vấn đề phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, thành lập 18 trung tâm hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài. Trong đó 11 trung tâm tại các địa phương phía Nam đã tổ chức tư vấn cho hơn 10.000 trường hợp, giúp chị em thấy được những thuận lợi cũng như khó khăn, rủi ro có thể gặp phải khi lấy chồng nước ngoài. Các cấp hội, nhất là ở những địa bàn có đông phụ nữ lấy chồng nước ngoài đã biên soạn nhiều tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các vấn đề có liên quan để truyền tải tới đông đảo chị em với nhiều thức phong phú, đa dạng.

Bộ Công an đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương tăng cường phối hợp với Sở Tư pháp kịp thời xác minh, giải quyết cho người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam theo luật định; ban hành Kế hoạch số 1084/BCA (2005) về chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, mở đợt điều tra rà soát, kiên quyết triệt xoá các cơ sở  môi giới hôn nhân bất hợp pháp, các tụ điểm tổ chức cho người nước ngoài xem mặt, chọn vợ. Đồng thời ban hành Kế hoạch số 2427/BCA (2011) chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về ANTT, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhân hộ khẩu, quản lý người nước ngoài, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.  Qua điều tra, rà sát tại 17 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam đã xác định có 24 tuyến, 63 địa bàn trọng điểm, 76 tụ điểm thường diễn ra hoạt động mua bán người; dựng 87 đường dây, 235 đối tượng đang có biểu hiện phạm tội mua bán người để đấu tranh, triệt phá; lên danh sách đưa vào diện quản lý nghiệp vụ 356 đối tượng; lập danh sách hơn 1.000 nạn nhân bị bán ra nước ngoài; hơn 52.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài và gần 3.500 trẻ em cho nhận con nuôi người nước ngoài để có biện pháp theo dõi, quản lý và hỗ trợ kịp thời.

Thực hiện kế hoạch của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, hàng năm Công an các địa phương đã chủ trì, phối hợp với lực lượng Biên phòng mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp TPMBN tập trung trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia và các tỉnh, thành phố trọng điểm. Qua đó đã điều tra khám phá nhiều vụ mua bán người, triệt xoá các trung tâm môi giới trá hình, các tụ điểm lợi dụng việc kết hôn và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để lừa đưa phụ nữ ra nước ngoài bán. Từ năm 2008 đến nay, lực lượng Công an, Biên phòng các địa phương phía Nam đã điều tra, khám phá 132 vụ, bắt 349 đối tượng để truy tố; tổ chức giải cứu, tiếp nhận 648 nạn nhân. Sau khi được tiếp nhận, đã có trên 50% được áp dụng các chính sách hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật; được dạy nghề, tìm việc làm, vay vốn với lãi xuất thấp, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.

Trong công tác hợp tác quốc tế, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành hữu quan chỉ đạo lực lượng chức năng các địa phương, nhất là các tỉnh giáp biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia chủ động phối hợp trao đổi thông tin, xác minh, điều tra, bắt giữ tội phạm, giải cứu và tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về. Bộ Ngoại giao tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tập trung những nước có đông cô dâu hoặc nạn nhân là người Việt Nam bị bán (Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malayxia…) thực hiện công tác bảo hộ; phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại ngăn chặn tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp, giúp các trường hợp phụ nữ Việt Nam bị gia đình nhà chồng ngược đãi, lừa bán trở về nước. Các dự án hợp tác quốc tế về truyền thông, tư vấn hôn nhân có yếu tố nước ngoài và di cư an toàn, xây dựng mô hình điểm, hỗ trợ nạn nhân, xây dựng chính sách pháp luật… cũng được tích cực thực hiện.

Nhìn chung, công tác phòng, chống TPMBN, nhất là phòng, chống TPMBN dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả, trong thời gian qua đã được các bộ, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện, bước đầu phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, người dân tham gia. Nhờ đó, góp phần kiềm chế sự gia tăng hoạt động của TPMBN trên phạm vi cả nước nói chung và tại các địa phương phía Nam nói riêng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, công các này vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần khẩn trương khắc phục. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống TPMBN và môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài, thời gian tới chúng tôi xin đề xuất với các bộ, ngành, địa phương; các cơ quan chức năng một số giải pháp cần tập trung thực hiện là:

1. Tổ chức quán triệt và có kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan đến vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, nhất là Luật Hôn nhân và gia đình (năm 2000); Luật Phòng, chống mua bán người; Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg (25/02/2005) về tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; Nghị định số 24/NĐ-CP (2013) và Thông tư số  22/2013/TT-BTP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; Thông tư liên tịch số 01/CA-QP-VKS-TA (2013) hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi môi giới hôn nhân trái phép…

2. Đẩy mạnh công tác truyền thông, làm thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi, từng bước xóa bỏ trào lưu “thích lấy chồng nước ngoài” vì mục đích không đúng đắn của một bộ phận phụ nữ, gia đình họ. Tuyên truyền, phổ biến các thông tin pháp luật, kiến thức về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, nhất là chính sách, pháp luật, phong tục, tập quán và văn hóa của các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều phụ nữ Việt Nam đến lấy chồng như: Hàn Quốc, Đài Loan, Malayxia, Trung Quốc...cũng như những rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra; các biện pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người thông qua môi giới hôn nhân trái phép.

3. Đề nghị Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp và các địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của 18 trung tâm hỗ trợ tư vấn kết hôn, trong đó có cả những trung tâm tư vấn pháp luật kiêm tư vấn kết hôn với người nước ngoài để rút kinh nghiệm nhân rộng. Triển khai thí điểm thành lập công ty tư vấn hôn nhân quốc tế của Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh để tạo hành lang pháp lý, chỗ dựa cho phụ nữ được tư vấn trước khi kết hôn với người nước ngoài. Ngành Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố tổ chức điều tra, rà soát đánh giá thực trạng việc kết hôn của phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài và công nhận việc kết hôn của phụ nữ Việt Nam đã đăng ký với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền.

4. Lực lượng Công an, chủ công là lực lượng Cảnh sát Hình sự các cấp tập trung điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ mua bán người, nhất là dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, xem mặt chọn vợ, kết hôn giả. Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về loại tội phạm này một cách kịp thời, nhanh chóng và nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kiên quyết bóc gỡ, vô hiệu hóa các băng nhóm, đường dây tội phạm mua bán người, các trung tâm, tụ điểm môi giới hôn nhân trá hình, không để chúng có điều kiện hoạt động phạm tội.

5. Đề nghị các bộ, ngành địa phương quan tâm bố trí nguồn lực, xã hội hóa công tác này để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chí trị và người dân tham gia; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nhất là quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng người nước ngoài, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý các ngành nghề hoạt động có điều kiện không để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động. Đẩy mạnh cuộc vận động “xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hoá ở khu dân cư”, “thanh niên lập nghiệp” và đào tạo nghề, tạo việc làm nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chị em phụ nữ, nhất là ở các vùng nông thôn.

6. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước (nhất là các nước có đông phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, hoặc bị mua bán), các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh bắt giữ, chuyển giao TPMBN, giải cứu và hồi hương nạn nhân, bảo hộ, giúp đỡ cô dâu Việt Nam kết hôn tại nước sở tại... Xúc tiến việc đàm phán, xây dựng, ký kết Hiệp định hợp tác song phương về phòng, chống TPMBN; Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự (đối với những nước ta chưa ký kết). Chủ động phối hợp và tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, tư vấn chuyên môn kỹ thuật của các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ thực hiện công tác PCMBN... phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Đại tá Lê Văn Chương - Phó Cục trưởng C56, Bộ Công an

Phòng chống ma túy