Thuốc lá điện tử: Tại sao lại thí điểm với chất gây nghiện? Ngày đăng: 04/05/2024
Sáng 4/5/2024, Ủy ban xã hội và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng rất ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là thế hệ trẻ.

 

 

 

 

Lo ngại về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, kiểm soát và hạn chế thuốc lá nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. 

Đáng chú ý, thuốc lá điện tử đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở nước ta, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh. Thậm chí, có những lo ngại đối với thanh niên, thiếu niên khi thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng đang dần thay thế cho thuốc lá truyền thống.

Mặt khác, tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma tuý (cần sa, ma tuý tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh. Tác hại của thuốc lá điện tử đến sức khoẻ được đánh giá như thuốc lá truyền thống.

Đặc biệt, đối với thanh niên, thiếu niên, làm suy yếu sự phát triển não bộ của trẻ em, vị thành niên, gây nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần; ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ và bào thai trong tương lai; tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành chưa đủ bao quát để điều chỉnh cả về công tác quản lý, kiểm soát cũng như phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, dẫn đến thiếu quy định về cơ chế quản lý, chế tài xử phạt đủ mạnh đối với hành vi vi phạm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu thực tế, những năm gần đây, bên cạnh thuốc lá "truyền thống", xuất hiện những loại hình thuốc lá mới như thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và loại kết hợp giữa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. "Tình hình trở nên phức tạp khi tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá này ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, đặc biệt là đối với học sinh - nhóm đối tượng hiểu biết chưa đầy đủ và dễ bị tác động, lôi kéo", bà Thúy Anh chia sẻ.

Theo bà Thúy Anh, trên thị trường đã xuất hiện tình trạng pha trộn, tẩm ướp các chất gây nghiện trong sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong khi đó, việc quảng cáo, mua bán qua mạng xã hội tràn lan, thiếu kiểm soát chất lượng, nhất là các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu. Đồng thời, thống nhất về các giải pháp nâng cao nhận thức, hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tại phiên giải trình, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đặt vấn đề, trong khi Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhưng Bộ Công Thương lại đề nghị thí điểm quản lý thuốc lá mới. Vì vậy, bà đề nghị Bộ Công Thương làm rõ lý do gì, căn cứ vào đâu đề xuất việc này.

"Trước khi đề xuất, bộ đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đề xuất này mang lại, đặc biệt Nhà nước, người dân được hưởng lợi ích gì chưa", đại biểu nêu câu hỏi?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Đặng Thuần Phong cũng đặt câu hỏi Bộ Y tế muốn cấm thuốc lá điện tử, nung nóng còn Bộ Công Thương muốn cho phép, hợp pháp hóa kinh doanh như thuốc lá truyền thống. Vậy căn cứ của các bộ về vấn đề này ra sao?

Cùng nêu chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, đề nghị các cơ quan làm rõ cái lợi về mặt kinh tế và cái hại từ số tiền bỏ ra cho việc điều trị sức khỏe do sử dụng sản phẩm này?

Bày tỏ quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói: “Tôi thấy kỳ lạ, tại sao lại thí điểm với chất gây nghiện, loại giết người mà thí điểm… Không thí điểm gì cả”. Theo ông Trí, thuốc lá điện tử tràn lan trên thế giới và ở Việt Nam, rất có hại, hại toàn diện và rõ ràng… “Với tư cách người thầy thuốc, tôi đố ai tìm ra một chút ưu điểm về loại thuốc lá điện tử này”.

Đại biểu ngành y cũng cho rằng, thuốc lá điện tử cũng không có tác dụng hạn chế thuốc lá thông thường mà còn kích thích hút thuốc lá thông thường, tăng liều lượng lên, thậm chí còn rất nhiều chất gây nghiện, gây ung thư, với hơn 3 nghìn chất gây nghiện…

Thí điểm mà không dừng lại được, ai chịu trách nhiệm trước sinh mạng của người dân?

Giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ: “quan điểm nhất quán” của Bộ Y tế từ trước đến nay là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thế hệ trẻ nên đề xuất cấm.

Theo số liệu thống kê cho thấy, hiện nay mỗi năm có khoảng 40.000 người chết vì thuốc lá. "Với trào lưu mới, tập trung chính ở thế hệ trẻ có nên mở ra cho thử, thí điểm hay không? Mai sau mở ra rồi mà không dừng lại được thì lúc đó ai chịu trách nhiệm trước sinh mạng của người dân Việt Nam? Chúng tôi đề nghị cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Giờ tính ra giữa lợi ích kinh tế và xã hội thì cần hết sức cân nhắc...", bà Lan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, Tổ chức Y tế thế giới đã có cân nhắc trên cơ sở phân tích kinh nghiệm quốc tế nên việc cấm không có gì phải băn khoăn, suy nghĩ nhiều.

Tại phiên giải trình, đại diện Bộ Công an cũng cho biết, tỷ lệ thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử rất phổ biến, đặc biệt ở quán bar, quán nước, khu vui chơi giải trí, sử dụng nhiều hơn thuốc lá thông thường. Thậm chí, đứng chờ đèn xanh, đèn đỏ cũng đưa ra hút, tình hình gia tăng rất đáng ngại. Bộ Công an cùng quan điểm với Bộ Y tế, nên cấm, vì có hại hơn lợi ích về mặt kinh tế./.

Như Ngọc (t/h)