Lào Cai: triển khai có hiệu quả chính sách cho người yếu thế vay vốn theo Quyết định 29⁄2014⁄QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ngày đăng: 26/02/2018
Tính đến hết tháng 12⁄2017, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã cho 63 cá nhân và hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy, người đang điều trị thay thế bằng Methadone vay vốn từ nguồn vốn theo Quyết định số 29⁄2014⁄QĐ-TTg với tổng số tiền đã giải ngân là 1.850 triệu đồng.

Là một trong 15 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị thay thế, người bán dâm hoàn lương, sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố triển khai Quyết định tới các cơ quan, ban, ngành liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn trên toàn địa bàn, đồng thời, có văn bản gửi NHCSXH về đăng ký nhu cầu vay vốn.

UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo phòng LĐTBXH, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp hướng dẫn UBND cấp xã, Đội công tác xã hội tình nguyện; Cơ sở điều trị Methadone tổ chức truyền thông tới các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với gia đình và bản thân người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, bệnh nhân tham gia điều trị bằng thuốc Methadone về chương trình vay vốn theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó các hộ gia đình đăng ký nhu cầu vay vốn với Tổ tín dụng, UBND cấp xã tổng hợp gửi Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện, thành phố và Phòng LĐTBXH cấp huyện.

Sở LĐTBXH đã phối hợp với NHCSXH cử cán bộ đến hướng dẫn quy trình vay, lập phương án kinh doanh, đầu tư chăn nuôi và trợ giúp các thủ tục vay vốn ngay tại các xã, phường, thị trấn có người vay vốn. Riêng các cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone xã hội hóa (thuộc Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội) ngoài việc tuyên truyền, phổ biến chính sách vay vốn còn hướng dẫn những người có nhu cầu vay về gặp Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nơi mình sinh sống hoặc UBND xã, phường để đề xuất nguyện vọng. Với những trường hợp gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục, hồ sơ vay, cán bộ tư vấn sẽ tư vấn cho gia đình đứng ra bảo lãnh vay theo hộ để có thể được vay với số vốn cao hơn. Đồng thời, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND xã, phường, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn về quá trình điều trị của người có nhu cầu vay nhằm tạo điều kiện cho quá trình làm thủ tục, hồ sơ được nhanh chóng, thuận tiện.

Sau khi cấp vốn cho cá nhân/ hộ gia đình, thành viên hội, đoàn thể được ủy thác cho vay và tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã thường xuyên thăm hỏi, động viên, góp ý, giúp đỡ cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và trả lãi đúng định kỳ.

Tính đến hết tháng 12/2017, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã cho 63 cá nhân và hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy, người đang điều trị thay thế bằng Methadone vay vốn từ nguồn vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg với tổng số tiền đã giải ngân là 1.850 triệu đồng.

Qua đánh giá của UBND các xã, phường, thị trấn, các cá nhân/hộ gia đình được vay vốn đã phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn, không có hộ gia đình nào sử dụng vốn sai mục đích, hay thất thoát vốn. Với số tiền được vay, các hộ gia đình đã mở rộng sản xuất, tạo ra việc làm mới, có thu nhập ổn định do đó sức khỏe, tinh thần được tốt hơn, góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện, nhiều cá nhân được công nhận hoàn thành chương trình cai nghiện, không sử dụng ma túy.

Tiêu biểu là anh Bùi Việt Cường ở phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai. Năm 2016, gia đình anh được vay vốn 30 triệu đồng, với số tiền này gia đình anh đã dùng mua bò giống, cây giống và chăn chuôi gia cầm. Từ khi được vay vốn có việc làm ổn định, anh Cường chấp hành quy trình điều trị methadone tốt hơn; sức khỏe, tinh thần được cải thiện rõ rệt, anh đã lấy lại niềm tin của gia đình, cộng đồng.

Anh Nguyễn Bá Thuật, sinh năm 1985, gia đình gồm 01 vợ và 02 con, thường trú tại Tổ 14, phường Phố Mới, thành phố Lào Cai là người nghiện ma túy và đăng ký điều trị methadone từ tháng 10 năm 2013. Trước khi vay vốn, công việc của hai vợ chồng anh là đi bán và giao mỹ phẩm đến các đại lý, bán thêm quần áo tại chợ ở các huyện gần thành phố Lào Cai và làm bánh trung thu dịp rằm tháng tám. Do không có vốn nên việc buôn bán, kinh doanh của gia đình anh mang tính thời vụ, thu nhập bấp bênh. Giữa năm 2016, chuẩn bị đến thời điểm làm bánh Trung Thu, anh biết được thông tin về chương trình vay vốn. Được cán bộ phòng tư vấn hướng dẫn và sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền phường Phố Mới, tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình anh đã được vay 30.000.000đ. Với số vốn được vay, gia đình anh đã đầu tư máy móc mới, mua được nhiều nguyên liệu làm bánh trung thu. Bây giờ, không chỉ làm bánh vào dịp rằm tháng tám mà hàng tháng, đến ngày mùng một, ngày rằm, vợ chồng anh cũng làm bánh phục vụ các gia đình có nhu cầu. Ngoài ra, anh còn tìm kiếm các nguồn mỹ phẩm chất lượng tốt để đi giao hàng cho các đại lý. Từ khi được vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, cuộc sống gia đình anh đã thay đổi rất nhiều, hai vợ chồng không còn mâu thuẫn về vấn đề kinh tế; sức khỏe, tinh thần của anh đã được cải thiện rõ rệt.

Anh Phạm Ngọc Ninh, thường trú tại phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai có hoàn cảnh rất khó khăn do cả hai bố con cùng nghiện ma túy và đều đang điều trị tại Cơ sở methadone xã hội hóa. Năm 2016, anh được tiếp cận, vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg, đầu tư nâng cấp cơ sở làm bánh phở của gia đình bằng bộ nồi nấu bằng điện và thay cho bếp than tổ ong. Hiện nay, mỗi tháng gia đình anh có thu nhập trung bình hơn 10 triệu đồng. Có việc làm, thu nhập ổn định anh Ninh tuân thủ điều trị tốt hơn. Đến nay, anh đã được Trưởng cơ sở điều trị cấp giấy chứng nhận hoàn thành quy trình điều trị Methadone và được UBND phường Duyên Hải công nhận hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy, đưa ra khỏi danh sách người nghiện ma túy. Cuộc sống gia đình anh Ninh tràn ngập niềm tin, tiếng cười.

Anh Đào Đình Thái, sinh năm 1965, ở Tổ 2b, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa đã sử dụng nguồn vốn vay 30 triệu đồng để cải tạo đất vườn và trồng mới cây ăn quả, trồng hoa. Hiện gia đình đã trồng và chăm sóc 0,5ha cây ăn quả; 0,5ha hoa ly, tạo công ăn việc làm ổn định cho bản thân và gia đình, bước đầu cho thu nhập khá ổn định bình quân hàng tháng 4,5 - 5 triệu/người/tháng. Nhờ có nguồn vốn vay mà từ một hộ nghèo không có công ăn việc làm ổn định đến nay đã thoát nghèo, tự nuôi sống được bản thân và gia đình, cùng nhau xây dựng kinh tế ổn định hạnh phúc bên vợ con.

Có thể khẳng định, chính sách tín dụng cho người yếu thế vay vốn đã tạo điều kiện cho các cá nhân/hộ gia đình được vay phát triển kinh tế, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Sự quan tâm của nhà nước thông qua chính sách này đã tạo thêm nguồn động viên, tạo động lực để người lầm lỡ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực từ bỏ hành vi cũ, xây dựng cuộc sống mới ổn định và hạnh phúc. Chính sách này cũng góp phần không nhỏ vào thành công chung của công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và cai nghiện ma túy nói riêng.

Kinh nghiệm mà Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai rút ra được sau thời gian thực hiện thí điểm đó là, phải làm tốt công tác tuyên truyền để đối tượng có nhu cầu vay vốn biết và tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở LĐTBXH, với Ngân hàng Chính sách xã hội; UBND cấp huyện, cấp xã, Cơ sở điều trị Methadone, các tổ chức nhận ủy thác với Tổ tiết kiệm và vay vốn trong quá trình tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ người có nhu cầu vay vốn làm hồ sơ vay và giám sát quá trình sử dụng vốn, bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, chấp hành tốt việc trả lãi hàng tháng theo quy định./.

T.A