Hiệu quả bước đầu cho vay tín dụng theo Quyết định số 29⁄2014⁄QĐ-TTg ở thành phố Cần Thơ Ngày đăng: 25/01/2018
Là một trong 15 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29⁄2014⁄QĐ-TTg (QĐ 29), Cần Thơ đã triển khai đồng bộ các biện pháp và đạt được những kết quả bước đầu.

 

Trước hết, thành phố đã huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến từng nhóm đối tượng. Lồng ghép triển khai tới 85 xã, phường, thị trấn trên địa bàn với 1.747 cuộc họp, 65.835 lượt người tham dự. Ngoài ra, cán bộ Chi cục PCTNXH cùng Đội Công tác xã hội tình nguyện trực tiếp xuống 05 cơ sở điều trị Methadone để tiếp cận, tư vấn cho các đối tượng hưởng lợi từ chính sách. Ngành LĐTBXH còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện từ cơ sở.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ Ủy ban nhân dân cấp xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện theo dõi, quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao, gồm: tổ chức tiếp cận, tư vấn cho từng nhóm đối tượng; xây dựng kế hoạch nhu cầu nguồn vốn vay hàng năm; hướng dẫn quy trình và thủ tục cho vay bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện; thực hiện cho vay vốn, hướng dẫn gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, xử lý nợ bị rủi ro theo quy định.

Quá trình triển khai đã tiếp cận 1.246/4.684 trường hợp đối tượng hưởng lợi theo QĐ 29. Trong đó, 159 hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu vay vốn (hộ gia đình và người nhiễm HIV: 28; hộ gia đình người sau cai nghiện: 45; hộ gia đình và người điều trị bằng Methadone: 85; hộ gia đình và người bán dâm hoàn lương: 01). Kết quả, 29 hộ gia đình và cá nhân được vay với tổng số tiền là 655.000.000đ. Trong đó, có 22 hộ gia đình được vay vốn với số tiền 540.000.000đ (đang điều trị bằng Methadone: 08; nhiễm HIV:13; sau cai nghiện ma túy: 01); 07 cá nhân được vay vốn với số tiền 115.000.000đ (đang điều trị bằng Methadone: 04; nhiễm HIV: 03). Ngoài ra, 90 trường hợp khác đang lập hồ sơ vay vốn (người nhiễm HIV: 08; người sau cai nghiện: 28; người điều trị bằng Methadone: 53; người bán dâm hoàn lương: 01)

Số còn lại 1.087 trường hợp không đủ điều kiện do đã được vay từ các Chương trình khác hoặc chưa có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể. Riêng số người nhiễm HIV/AIDS có hồ sơ quản lý mới tư vấn cho 28/2.936 trường hợp do quy định về bảo mật thông tin theo Luật phòng, chống HIV/AIDS nên cán bộ các đoàn thể địa phương khó tiếp cận những trường hợp này.

 

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị Sơ kết QĐ 29

Từ nguồn vốn vay, các mô hình phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều. Điển hình như hộ gia đình anh N.V.T có thành viên đang điều trị Methadone tại chợ quận Ô Môn. Sau khi được vay 30.000.000đ, gia đình đã sử dụng nguồn vốn vào việc mua máy cắt nước đá, thùng xốp để chứa đá viên, đá cây và mua một chiếc xe máy cũ chuyên chở nước đá đến các quán nước, quán ăn trên địa bàn phường. Phần vốn còn lại thuê một ki-ốt để làm nơi kinh doanh. Sau hơn một năm, kinh tế gia đình đã ổn định và mang lại niềm hạnh phúc, phấn khởi cho bản thân và gia đình.

Hoặc hộ gia đình T.D có người nhiễm HIV kinh doanh, làm ăn tại phường Lê Bình, quận Cái Răng. Hộ gia đình này được vay 30.000.000đ, thời hạn vay 3 năm. Nhận được vốn, hộ gia đình đã mua sắm 2 máy giặt làm dịch vụ gặt là và xe honda chạy xe ôm. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và nỗ lực của các thành viên trong gia đình, sau hơn 1 năm, đến nay, thu nhập của gia đình bình quân từ 300.000 - 400.000đ/ngày, kinh tế ổn định, cuộc sống bớt khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH Cần Thơ cho biết: hầu hết người được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát triển kinh tế gia đình như: chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh nhỏ... Thành công nhất là tinh thần họ rất phấn khởi, không còn mặc cảm, tự tin làm ăn, lấy lại được niềm tin của gia đình và cộng đồng. Sau hai năm triển khai QĐ 29 về tín dụng với 4 nhóm đối yếu thế phát triển kinh tế gia đình, hòa nhập cộng đồng, chúng tôi nhận thấy đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhận được sự quan tâm, đón nhận không chỉ của nhóm người yếu thế, gia đình họ mà còn của đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội và hệ thống chính trị. Cùng với chương trình cho vay vốn, đội ngũ cán bộ tại địa phương đã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng trong quá trình tiếp cận, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh, giám sát sử dụng vốn vay và những người yếu thế được hướng dẫn sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện của gia đình.

Tuy nhiên, hiện nay còn có một số vướng mắc trong thực tiễn như nguồn kinh phí phân bổ chưa kịp thời; thủ tục yêu cầu người vay phải có giấy tờ về việc chấp hành xong thời gian cai nghiện, phiếu trả lời kết quả xét nghiệm HIV dương tính, xác nhận việc không còn bán dâm... khó thực hiện; quy định hồ sơ vay vốn phải thông qua Tổ Tiết kiệm vay vốn tạo ra mặc cảm, nhất là đối với người bán dâm hoàn lương; một số nơi, Ban Chỉ đạo cấp xã, Hội đoàn thể nhận ủy thác và Tổ Tiết kiệm và vay vốn chưa mạnh dạn khi làm thủ bình xét cho đối tượng thụ hưởng do tâm lý e ngại về việc thu hồi nợ vay. Ngoài ra, bản thân các đối tượng còn nhiều mặc cảm, tự ti không tự khai báo, đặc biệt là đối tượng người bán dâm hoàn lương và người nhiễm HIV; nhiều hộ gia đình chưa có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả và trả nợ theo cam kết nên chưa tiếp cận được nguồn vốn vay.../.

Như Ngọc