Mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy Ngày đăng: 01/11/2017
Khoảng 3 năm nữa sẽ có hàng triệu thanh niên Việt Nam đến tuổi trưởng thành không tìm được vợ, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội.

 

 

 

 

Đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu cô dâu

Theo Tổng Cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình, sau một năm triển khai đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế, vẫn có 45 tỉnh, thành phố có tỷ số GTKS tăng.

Cụ thể, ở những nơi này, tỷ lệ bé trai sinh ra cao hơn nhiều so với số bé gái, có khi tới 148,4 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Mất cân bằng GTKS gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc dân số, cấu trúc gia đình.

Tình trạng mất cân bằng GTKS đã được cảnh báo nhưng thực tế chúng ta lại chưa có các biện pháp hiệu quả để giải quyết thỏa đáng vấn đề này. Đáng nói là 50% số tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ số mất cân bằng GTKS năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014, có 15 trong số 63 tỉnh, thành phố có tỷ số GTKS là 115 trẻ nam/100 trẻ nữ; năm 2016, tăng lên 22 trong số 63 tỉnh, thành phố.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đã diễn ra phổ biến tại 5/6 vùng kinh tế xã hội trong cả nước, riêng khu vực Tây Nguyên tình trạng này ít hơn nhưng cũng đang nhích lên. Vùng Đồng bằng Sông Hồng là nơi xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhiều nhất đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định… tỷ lệ là 120-122 bé trai/100 bé gái. Riêng Hà Nội có tỷ lệ cao nhất là 115 bé trai/100 bé gái  Chi Cục Dân Số-Kế Hoạch hóa Gia đình Hà Nội cho biết, đến hết quý I-2017, tổng số trẻ mới sinh của thành phố là 22,502 trẻ, tăng 175 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉ số giới tính khi sinh là 114.5 trẻ trai/100 trẻ gái. Ở nhiều quận, huyện, con số này đã ở mức 120 trẻ trai/100 trẻ gái, như tại Hà Đông, Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh.

Tại buổi công bố Nghị quyết về công tác dân số và công tác y tế trong tình hình mới, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá Gia đình đã thừa nhận, mất cân bằng GTKS tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng.

Theo ông Tân, có 3 nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là do tâm lý muốn có con trai; nguyên nhân tiếp theo là sự phát triển của khoa học công nghệ y học tiên tiến làm cho việc lựa chọn giới tính trước khi sinh ngay từ lần sinh đầu tiên và nguyên nhân cuối cùng là việc đảm bảo an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc bố mẹ khi về già… Bên cạnh đó, việc hạn chế mức sinh cũng làm tăng lựa chọn giới tính khi sinh. “Các nguyên nhân này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là đến năm 2020 nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3- 4,3 triệu phụ nữ hay nói cách khác là 2,3- 4,3 triệu đàn ông Việt sẽ có nguy cơ khó lấy được vợ”- ông Tân nhấn mạnh.

 Phụ nữ sẽ bị “giành giật”

Việc gia tăng mất cân bằng GTKS không chỉ khiến nam giới khó lấy vợ, nhiều người kết hôn muộn, hoặc không kết hôn, làm thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình mà còn có thể kéo theo những hệ lụy về an ninh trật tự, bạo hành gia đình; một số ngành nghề sẽ bị thiếu hụt lao động như: giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá…

Bà Hà Thị Quỳnh Anh – Cán bộ Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cho rằng, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đã rơi vào tình trạng này và đang phải đối mặt với hệ lụy của nó. Hằng năm, các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc phải “nhập khẩu” cô dâu mà vẫn không đáp ứng được số nam giới đến tuổi trưởng thành có nhu cầu kết hôn. Điều đó cho thấy, nếu tình trạng mất cân bằng GTKS không được khống chế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề hơn nhiều so với các nước có tình trạng tương tự.

“Nếu vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không được giải quyết, Việt Nam sẽ đi vào vết xe đổ của Trung Quốc hiện nay. Mức sinh thấp, mất cân bằng GTKS có thể đưa đến những hệ luỵ lớn trong xã hội. Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng sự bất bình đẳng giới. Phụ nữ và trẻ em gái  sẽ có nguy cơ bị bắt cóc, buôn bán nhiều hơn.  Phụ nữ sẽ bị “giành giật” và sẽ phải kết hôn sớm hơn, thậm chí phải làm nô lệ tình dục… Tình trạng bạo hành giới, mua dâm sẽ gia tăng.  Thiếu hụt phụ nữ dẫn đến mất cân bằng trong thị trường lao động” – bà Quỳnh Anh cảnh báo.

Còn tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận Xã hội, Viện Xã hội học) nhận định: “Trước đây nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang 'trọng nam khinh nữ' nên việc nam giới sẽ “bị ế” sẽ khiến phụ nữ được coi trọng hơn. Nhưng theo tôi ý kiến này không nghiêm túc lắm. Một xã hội mà giới tính nghiêng về phía nam sẽ khiến tính “cuồng bạo” của xã hội tăng. Xã hội sẽ thiếu đi sự nhẫn nhịn, dịu dàng vốn có của phụ nữ”, tiến sĩ Bình nói.

Sự mất cân bằng về giới tính cũng sẽ đe dọa tính chất bền vững của xã hội. Ông Bình phân tích, một xã hội toàn nam thì tốc độ sống sẽ “chóng mặt” hơn, tính “chinh phạt” trong xã hội sẽ gia tăng, sự “tăng giá” của phụ nữ sẽ trở lên bất thường. “Chúng ta không được phép chậm hơn nữa, phải cần chung tay ngăn chặn xu hướng này. Xã hội sẽ vận hành méo mó nếu cân bằng dân số không được ổn định”, Tiến sĩ Bình nhấn mạnh.

Minh Châu (Dân sinh)