Tình hình mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức Ngày đăng: 02/10/2017
Theo Đề án “Tiếp nhận xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” do Bộ LĐ-TBXH chủ trì triển khai, các nạn nhân bị mua bán trở về sau khi được xác minh, tiếp nhận đều được các cơ quan chức năng của địa phương trợ giúp ban đầu về sức khỏe, y tế, tư vấn về tâm lý và hỗ trợ sinh kế nhằm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, tình hình mua bán người ở Việt Nam diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước với nhiều hình thức và thủ đoạn ngày càng tinh vị, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, Campuchia, Lào như Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ninh, Thừa Thiên  Huế, Tây Ninh…

Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Thừa Thiên  Huế đã xảy ra 12 vụ liên quan đến tội phạm mua bán người, với hơn 50 nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ vùng sâu, vùng xa. Tại tỉnh Nghệ An, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm nay các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho 23 nạn nhân. Tương tự, tại Quảng Ninh, trong giai đoạn từ 2011-2016, các huyện, thị đã tiếp nhận 197 nạn nhân, trong đó 6 nạn nhân là người địa phương, còn lại là người ngoại tỉnh. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2017, Quảng Ninh đã tiếp nhận 34 nạn nhân…

Việc mua bán người tại Việt Nam chủ yếu thông qua các hình thức như xuất khẩu lao động, du lịch, kết hôn, đi du học... Đa phần các trường hợp mua bán đều nhằm mục đích cưỡng ép kết hôn và bóc lột tình dục hoặc bóc lột lao động…’, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TBXH) chia sẻ.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng năm 2016, giai đoạn 2010-2015 có 2.596 trường hợp, trong đó có 1.162 nạn nhân; 1.414 người nghi bị mua bán và 26 người chưa thành niên trở về cùng nạn nhân. Một số địa phương có nhiều nạn nhân là Sơn La (367 người), Lào Cai (267), Nghệ An (263)… Trong đó, 97% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ; trong đó 68% nạn nhân chưa lập gia đình. Hầu hết nạn nhân đều có kinh tế khó khăn thuộc hộ nghèo (chiếm 84%), 71% là người làm ruộng hoặc không nghề nghiệp. Đa phần nạn nhân không biết chữ hoặc chỉ học xong tiểu học. Trong số 98% nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, có 90% bị mua bán sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH tỉnh Lào Cai cho biết: từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 609 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có 265 người trong tỉnh, số còn lại thuộc các tỉnh khác, có 2 nạn nhân là người Lào, 82%  nạn nhân là người dân tộc ít người. Qua việc tiếp xúc với nạn nhân trở về, đa phần nạn nhân không có hiểu biết về việc bị mua bán; hầu hết nạn nhân đều nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo, kinh tế khó khăn ở vùng sâu, vùng xa,... Việc tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ với các nạn nhân còn nhiều khó khăn do nhận thức pháp luật của nạn nhân còn hạn chế; công tác truyên truyền chưa thực sự đạt hiệu quả, nhất là những đối tượng “đích” ở địa bàn có nguy cơ cao… Vì vậy, công tác truyền thông tại các thôn, bản, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa cần được quan tâm để chính quyền và người dân nâng cao nhận thức và cảnh giác với cạm bẫy mua người sẽ đem lại hiệu quả thiết thực./.

Ng.Cương