Hội thảo khoa học “Công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý đối tượng suy giảm chức năng nhận thức, ảo giác, loạn thần do sử dụng ma tuý tổng hợp và các chất hướng thần mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội” Ngày đăng: 18/07/2017
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra một số vụ việc gây mất an ninh, trật tự do các đối tượng sử dụng ma tuý tổng hợp hoặc các chất hướng thần mới (NPS) gây ra trong trạng thái bị suy giảm chức năng nhận thức, ảo giác, loạn thần (gọi tắt là “ngáo đá”). Các đối tượng “ngáo đá” đã và đang gây ra nhiều hậu quả xấu, tác động đến cuộc sống bình yên và trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô. Nhằm tìm ra những biện pháp, giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý số đối tượng "ngáo đá" Công an Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học "Công tác quản lý, phòng ngừa, xử lý đối tượng suy giảm chức năng nhận thức, ảo giác, loạn thần do sử dụng ma tuý tổng hợp và các chất hướng thần mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội”. Hội thảo diễn ra vào ngày 13⁄7⁄2017.

Tham dự Hội thảo, phía đại diện Bộ Công an có đồng chí Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, các đồng chí đại diện Lãnh đạo các cục, vụ, viện, học viện, trường CAND, đại diện Hội đồng Lý luận Bộ Công an. Phía Công an Hà Nội có Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, chủ trì Hội thảo. Ngoài ra còn có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban, sở, ngành Thành phố, đại diện các cơ sở điều trị y tế…

Tại báo cáo đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đề nghị Hội thảo tập trung trao đổi, đánh giá, nêu bật những quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các đối tượng; phân tích một cách khách quan, toàn diện tình trạng đối tượng “ngáo đá” và những hậu quả gây ra cho chính bản thân người sử dụng và toàn xã hội. Từ thực trạng trên chỉ ra những cách làm hay, những tình huống đặc trưng, điển hình và cách xử lý, hạn chế khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác, nguyên nhân của những hạn chế khó khăn, vướng mắc đó cũng như phương hướng tháo gỡ; dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến ma tuý tổng hợp và các chất hướng thần mới trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đề xuất những biện pháp cụ thể, trong đó chú trọng đến các giải pháp về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế phối hợp huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân.

Toàn cảnh Hội thảo

Phân tích thực trạng đối tượng sử dụng ma tuý tổng hợp, các chất hướng thần mới có biểu hiện “ngáo đá” theo Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, các đối tượng này chủ yếu tập trung trong nhóm từ 18 đến 40 tuổi, có biểu hiện cụ thể là ảo giác, loạn thần, dẫn đến thực hiện các hành vi nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Công an Thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong Công an toàn quốc chủ động nắm tình hình, áp dụng các biện pháp, giải pháp cụ thể, tập trung chỉ đạo các lực lượng làm tốt công tác quản lý, phòng ngừa và quyết liệt đấu tranh, giải quyết nhóm đối tượng này; đảm bảo 100% các đối tượng có hồ sơ, kế hoạch quản lý cụ thể.

Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp phòng ngừa trên thực tế vẫn còn một số khó khăn như: quy trình xác định tình trạng sử dụng ma tuý tổng hợp và các chất hướng thần còn chưa thực hiện được, các đối tượng thường xuyên vắng mặt tại gia đình gây khó khăn trong công tác quản lý, sự tham gia của các ngành, tổ chức với lực lượng Công an còn hạn chế, một số đối tượng có hồ sơ bệnh án nên việc áp dụng biện pháp chữa bệnh, cách ly khỏi xã hội gặp trở ngại.

Tại Hội thảo có nhiều ý kiến tham luận cũng như đưa ra các kiến nghị giải pháp nhằm mục đích giảm thiểu, phòng ngừa có hiệu quả các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới có biểu hiện "ngáo đá".

 Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đánh giá: Cần phải có một cách nhìn nhận toàn diện, đồng bộ về tình hình tội phạm sử dụng ma tuý tổng hợp và các chất hướng thần mới trong giai đoạn hiện nay. Nếu không quản lý chặt chẽ các đối tượng, không đảm bảo tốt công tác quản lý địa bàn thì tình hình các đối tượng phạm tội trên lĩnh vực này sẽ ngày càng gia tăng. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, phải quan tâm đến công tác nghiệp vụ, đưa các đối tượng này vào lập hồ sơ để có kế hoạch quản lý cụ thể; đồng thời cùng với gia đình tiến hành quản lý việc chữa bệnh tại nhà; dành riêng một số ngân sách của thành phố để tổ chức chữa bệnh tự nguyện cho các đối tượng này; đối với các đối tượng tái nghiện hay có hành vi nguy hiểm thì cần cương quyết lập hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các giải pháp trên quan trọng nhất là tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở; tiến hành công tác tuyên truyền đối với từng đối tượng, từng khu vực, từng gia đình, từng trường hợp cụ thể về tác hại nghiêm trọng mà ma tuý gây ra. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả hợp lý, ngăn chặn ngay từ đầu vào; lực lượng Công an, chủ công là lực lượng phòng chống ma tuý cần tích cực đấu tranh triệt phá các tụ điểm, đường dây, ổ nhóm ma tuý, cần phải kiên trì xoá bỏ các tụ điểm, giữ ổn định địa bàn trọng điểm; cần tăng cường quan hệ phối hợp giữa các lực lượng liên quan; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, triển khai hội thảo đối với một số loại hình tội phạm để các ngành, các cấp đều nắm được và chung tay vào cuộc, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội./.

Theo Tạp chí CSND