Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội Ngày đăng: 14/12/2020
Ngày 11⁄12, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm quốc tế về trợ giúp người nghiện ma túy, người sau cai nghiện, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở về, giai đoạn 2016-2020. Phó Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Thùy Dương chủ trì hội thảo.

 

 

 

 

Tham dự Hội thảo có đại diện 11 tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, gồm: Phái đoàn EU, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ, các Tổ chức: Reach, Hagar, UNODC, IOM, World Vision, SCDI,..

Đảm bảo nhất quán quan điểm, đường lối ngoại giao

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với một số đối tác quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ, tư vấn về quan điểm, quy phạm pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, tiếp cận xu hướng phát triển của thế giới và phù hợp với các công ước quốc tế, pháp luật của Việt Nam.

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí trong các hoạt động đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; xây dựng tài liệu... góp phần không nhỏ vào kết quả chung đã đạt được trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.

Phó Cục trưởng Cục PCTNXH Nguyễn Thùy Dương phát biểu khai mạc Hội nghị

Cụ thể, Cục PCTNXH phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức các hội thảo triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em; “Rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”; “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2016-2020”; góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ... và  các lớp tập huấn cho cán bộ về kỹ năng quản lý ca; phương pháp tiếp cận lấy nạn nhân là trung tâm và hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý; tiếp nhận và chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Phối hợp với Văn phòng Liên Hợp quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm về hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị mua bán tại Australia; hội thảo tham vấn xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP.

Phối hợp với UNICEF và Chương trình Colombo Plan tổ chức hội thảo lấy ý kiến báo cáo khảo sát thực địa chuẩn bị tiền đề xây dựng công cụ cho việc nghiên cứu thực trạng trẻ em sử dụng chất gây nghiện ở Việt Nam và tổ chức nhiều khóa tập huấn đào tạo giảng viên nguồn về tham gia chương trình điều trị nghiện chất cho cán bộ làm công tác xã hội; tập huấn về thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy.

Phối với với Dự án hợp tác chống lại nạn mua bán người của Liên Hợp quốc (UN- ACT) xây dựng Bộ tài liệu về hướng dẫn công tác tiếp nhận, hỗ trợ, chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán trở về. Tổ chức các lớp tập huấn về phòng, chống mua bán người cho đại biểu đại diện cho ngành Lao động, Công an, Y tế, Bộ đội Biên phòng, Phụ nữ về nội dung hỗ trợ dựa trên sự hiểu biết về sang chấn tâm lý.

Phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 09/2013/NĐ-CP; hỗ trợ thuê chuyên gia tư vấn xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế nghị định số 09/2013/NĐ-CP và JICA cùng với IOM hỗ trợ tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP.

Phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI ) tiến hành khảo sát đánh giá tác động về chương trình quản lý người nghiện tại thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh; hỗ trợ xây dựng “Mô hình tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực của người bán dâm trong tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới”…

Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả” thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã duy trì và phát triển tốt các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong việc thực hiện các hoạt động trên cơ sở đảm bảo nhân quyền, bình đẳng giới, quyền của các nhóm yếu thế trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên

Sau khi các đại biểu nêu các ý kiến tham luận tại hội nghị, Phó Cục trưởng Nguyễn Thùy Dương ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ thời gian qua, đồng thời, đề xuất phương án xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên trong thời gian tới.

Về phương hướng cụ thể, Phó Cục trưởng cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước: "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển", tăng cường đối thoại và hợp tác quốc tế, trong đó, coi trọng vấn đề liên quan đến nhân quyền. Với tinh thần đó, nội dung hợp tác quốc tế giai đoạn 2021-2025 tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tệ nạn theo hướng ưu tiên đảm bảo quyền con người, quyền bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ xã hội; từng bước phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ xã hội chuyên biệt, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn tối thiểu, phù hợp với các đặc điểm xã hội của người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng; tăng cường khả năng, cơ hội tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ xã hội chuyên biệt của nhóm đối tượng trên.

Thứ nhất, các đối tác hỗ trợ kỹ thuật phục vụ xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách thuộc lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội giai đoạn 2021-2025, ưu tiên việc đánh giá Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 01/3/1994 của Ban chấp hành Trung ương về lãnh đạo phòng, chống tệ nạn xã hội; đề xuất ban hành Chỉ thị mới về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong tình hình mới phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng các mô hình thí điểm quy trình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng; mô hình tái hòa nhập cộng đồng đối với nạn nhân bị mua bán trở về; mô hình điều trị, cai nghiện ma túy.

Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách và phát triển hệ thống can thiệp dự phòng sớm cho nhóm người sử dụng ma túy và điều trị nghiện ma túy toàn diện, tự nguyện và dựa vào cộng đồng; đào tạo kiến thức kỹ năng về can thiệp dự phòng, điều trị nghiện ma túy cho cán bộ trực tiếp làm công tác can thiệp dự phòng và điều trị nghiện ma túy; nghiên cứu xây dựng và triển khai các mô hình can thiệp dự phòng và điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ xây dựng tài liệu chuẩn về nâng cao năng lực cho cán bộ làm công cai nghiện ma túy về y tế, tâm lí hỗ trợ xã hội khác.

Thứ tư, tổ chức các khóa tập huấn, kỹ năng tiếp cận, thực hiện quy trình chuyển tuyến, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về./.        

Như Ngọc