Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người năm 2019 giữa Việt Nam và Trung Quốc Ngày đăng: 21/08/2019
Ngày 20⁄8⁄2019, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công an tổ chức Hội nghị thường niên đánh giá kết quả phối hợp thực hiện Hiệp định năm 2018 và thống nhất kế hoạch ưu tiên năm 2019 giữa Việt Nam và Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

 

Theo báo cáo, từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2019, toàn quốc phát hiện 191 vụ mua bán người, liên quan đến 292 đối tượng, lừa bán 319 nạn nhân. Riêng 7 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc và 5 địa phương trọng điểm về mua bán người (gồm: Nghệ An, Sơn La, Tây Ninh, Tuyên Quang và Yên Bái) đã phát hiện 82 vụ (chiếm 42,9% tổng số vụ trên toàn quốc), liên quan đến 145 đối tượng (chiếm 49,6%), lừa bán 103 nạn nhân (chiếm 32,2%). Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan vẫn diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng đã phát hiện một số đường dây môi giới, đưa phụ nữ Việt Nam sang Quảng Đông (Trung Quốc) “đẻ thuê” với giá từ 120.000 – 140.000 NDT/trường hợp (khoảng 400- 500 triệu VNĐ). Các đường dây này lo “trọn gói” các thủ tục từ việc đưa người sang Trung Quốc, chăm sóc, thăm khám, sinh con tại các cơ sở y tế cũng như hợp thức hóa hồ sơ cho những đứa trẻ được sinh ra.

Theo đánh giá, địa bàn tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới giáp Trung Quốc, đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin; hoặc một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, nên dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng người Trung Quốc khá giả, dẫn đến bị lừa bán.

Từ 15/6/2018 đến 14/6/2019, các lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp xác minh, giải cứu, tiếp nhận trên 1.000 trường hợp liên quan tới di cư tự do và mua bán người, trong đó, xác định 427 trường hợp là nạn nhân bị mua bán và hồi hương nạn nhân. Sau khi tiếp nhận, các cơ quan chức năng đã lập hồ sơ, tiến hành các thủ tục hỗ trợ cho nạn nhân theo quy định (sắp xếp chỗ ăn, ở an toàn; tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống; trợ giúp pháp lý…)

Trong năm qua, các Bộ, ngành chức năng và địa phương, nhất là 7 tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân (ký kết ngày 15/9/2010 tại Bắc Kinh), lồng ghép với thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người gắn với Chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; duy trì cơ chế giao ban, trao đổi đoàn các cấp; đàm phán, ký kết thỏa thuận, biên bản ghi nhớ; xác định đầu mối và số điện thoại đường dây nóng để trao đổi thông tin, khảo sát, điều tra, bắt giữ, chuyển giao đối tượng phạm tội.

Ngoài ra, lực lượng chức năng hai nước cũng tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật hai nước cho quần chúng nhân dân khu vực giáp biên; tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giữ gìn an ninh biên giới, chống xuất nhập cảnh trái phép… phù hợp với điều kiện từng địa phương và pháp luật của mỗi nước.

Đại diện hai nước ký kết biên bản tăng cường phối hợp về phòng, chống mua bán người năm 2019

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai Dự án tăng cường hoạt động của đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2 tại Việt Nam; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phần mềm cơ sở dữ liệu của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em và tiếp nhận thông tin phòng, chống mua bán người (số máy 111), đào tạo nhân viên tư vấn, cộng tác viên phát triển mạng lưới kết nối của Tổng đài với đầu mối kết nối tại 63 địa phương, trong đó có 7 địa phương giáp biên giới với Trung Quốc; nghiên cứu, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng, xây dựng mô hình thí điểm dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại cộng đồng, trọng tâm là tại các tỉnh giáp biên giới, bao gồm các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc.

Tại hội nghị, đại diện  Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an Việt Nam và Cục Điều tra hình sự, Bộ Công an Trung Quốc đã ký kết biên bản về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, đồng thời, hai bên nhất trí tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm (giai đoạn 2010 – 2020) về phối hợp thực hiện Hiệp định sẽ tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2020./.

Như Ngọc