10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống tệ nạn mại dâm ở Đồng Tháp Ngày đăng: 17/12/2014
Thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh việc triển khai Pháp lệnh này trong cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ góp phần đẩy lùi tệ nạn mại dâm trên địa bàn.

Trong 10 năm qua, các ngành chức năng đã phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCMD bằng nhiều hình thức như: các cơ quan báo chí trong tỉnh mở các chuyên trang, chuyên mục để đăng, phát 450 tin, bài, phóng sự, văn bản chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; phản ánh các hoạt động phòng, chống tội phạm, phòng chống mại dâm, mua bán người, nêu gương điển hình người tốt, việc tốt và những mô hình kinh nghiệm có hiệu quả trong phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, mua bán người. Phân phát hàng ngàn quyển tài liệu về phòng chống mại dâm đến các ngành, đoàn thể, các huyện, thị thành và xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành liên quan tổ chức cuộc thi tuyên truyền viên về PCMD thu hút 450 người là công chức các cơ quan huyện, thị, thành tham dự, qua đó góp phần nâng cao kiến thức pháp luật về PCMD trong công nhân viên chức lao động và người dân trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các cấp, ngành trong tỉnh đã thực hiện lồng ghép các phong trào, cuộc vận động ở địa phương như toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ hoàn lương,... có tác dụng mạnh mẽ làm giảm TNMD.

Đội kiểm tra liên ngành các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý 353 trường hợp vi phạm (trong đó có 115 cơ sở cho thuê, bán băng đĩa, truy cập internet có nội dung không lành mạnh); phát hiện, tạm giữ 7 đối tượng tổ chức chiếu, bán phim có nội dung kích dục, khiêu dâm. Kiểm tra cho viết cam kết hơn 60 đối tượng nghi vấn hoạt động mại dâm đứng đường, chèo kéo khách tại các ngã ba, ngã tư, quán đèn mờ,... Lực lượng chức năng đã triệt phá 197 vụ, bắt 735 đối tượng (118 chủ chứa, chủ trọ, chủ nhà; 14 môi giới; 310 gái mại dâm; 293 khách mua dâm), đề nghị truy tố 32 bị can (21 chủ chứa, 7 môi giới, 4 chủ trọ); số còn lại xử lý hành chính.

Trong 10 năm qua, Trung tâm Giáo dục- Lao động Xã hội đã tiếp nhận, quản lý, giáo dục, chữa bệnh dạy nghề cho 160 lượt gái bán dâm. Trong công tác quản lý luôn tập trung đến công tác giáo dục về đạo đức, lối sống nhằm giúp họ thay đổi hành vi. Thường xuyên phối hợp với các đoàn thể tổ chức nhiều buổi sinh hoạt giao lưu, tuyên truyền cho các đối tượng về những vấn đề có liên quan đến pháp luật phòng chống mại dâm, ma túy, HIV/AIDS, nhất là giáo dục về đạo đức lối sống, phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt việc khám và điều trị bệnh cho đối tượng. Song song với việc giáo dục đạo đức lối sống, Trung tâm đã tổ chức dạy nghề cho học viên, trong đó: 25 may gia đình, 94 dệt chiếu lát xuất khẩu, 30 thắt võng và 38 đan thắt sản phẩm lục bình; Mở 3 lớp xóa mù chữ cho 44 học viên, sau khi học nghề xong tổ chức cho các học viên được tham gia lao động sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng từ các nghề đã học cung cấp cho thị trường.

Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm mại dâm trong 10 năm qua được các ngành, các cấp đẩy mạnh, nhiều ổ nhóm, đường dây mại dâm có tổ chức bị triệt xóa, qua đó, tình hình TNMD đã được kiềm chế, kéo giảm số tụ điểm mại dâm đứng đường, hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ từng bước được chấn chỉnh. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm và TNMD còn hạn chế, vì vậy, thời gian tới, để công tác PCMD đạt kết quả cao cần thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng tệ nạn mại dâm trên địa bàn, thực hiện đồng bộ các hoạt động, giải pháp theo Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015. Tăng cường trấn áp tội phạm liên quan đến mại dâm, triệt phá các tụ điểm, "khu vực", đường dây tổ chức hoạt động mại dâm ở các địa bàn trọng điểm, khu du lịch, nghỉ mát...; điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh các tội phạm liên quan đến mại dâm. Thành lập, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp. Xây dựng các mô hình hỗ trợ tại cộng đồng đối với người bán dâm để có thể cung cấp kịp thời các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý, khám, điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục; kỹ năng sống, trợ giúp xã hội, hỗ trợ học nghề, việc làm, tiếp cận các nguồn vốn nhằm tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi công việc, hòa nhập cộng đồng bền vững. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm; nêu gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, những địa phương có cách làm sáng tạo, hiệu quả, đồng thời phê phán những địa phương để tệ nạn mại dâm gia tăng. Hình thức, nội dung tuyên truyền phải phù hợp và đến được các đối tượng cần tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm….

T.T