Phòng, chống mại dâm ở Đắk Lắk: cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của cả cộng đồng Ngày đăng: 15/12/2014
Qua 10 năm thi hành Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu tệ nạn này và đã mang lại kết quả khả quan với những chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống mại dâm đạt hiệu quả cao hơn, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn của cả cộng đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 3.845 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện: 1.384 cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, 150 nhà hàng, 2 vũ trường; 256 cơ sở  karaoke; 2.150 quán cà phê, cắt tóc thanh nữ, Internet; 46 cơ sở massage; còn lại là cơ sở kinh doanh dịch vụ khác… và có khoảng 4.500 nữ nhân viên đang hoạt động ở lĩnh vực này (trong đó, 75 cơ sở kinh doanh dịch vụ và khoảng 350 nữ nhân viên thuộc diện nghi vấn có hoạt động mại dâm).

Trong 10 năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ở những địa bàn “nóng”, kiểm tra, xử lý, triệt phá nhiều tụ điểm mại dâm có quy mô lớn: Đội kiểm tra liên ngành 178 của tỉnh đã tổ chức được 202 lượt kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh; tiến hành lập biên bản kiểm tra 803 cơ sở kinh doanh với các loại hình kinh doanh (lưu trú, karaoke, xông hơi, xoa bóp, nhà hàng, cà phê đèn mờ), phạt hành chính 359 triệu đồng; nhắc nhở, cảnh cáo 647 cơ sở. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành 814, 141 đã phối hợp thanh tra, kiểm tra 1.557 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh, xử lý vi phạm hành chính 523 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 1,4 tỷ đồng. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng đã triệt phá 168 tụ điểm, bắt 969 đối tượng là chủ chứa, môi giới, người bán dâm, mua dâm và đã tiến hành khởi tố điều tra 157 vụ (191 bị can); xử lý hành chính 11 vụ…

Công tác bảo vệ quyền lợi, sức khỏe, giúp đỡ, hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng trong thời gian qua đã được các cơ quan, đoàn thể chú trọng: cấp phát  hơn 200 nghìn bao cao su cho các cơ sở kinh doanh lưu trú và  gái mại dâm; xét nghiệm HIV cho 1.120 người bán dâm và điều trị HIV cho 27 người bán dâm. Hội Phụ nữ đã phối hợp với các ngành, địa phương giúp đỡ vận động 23 người bán dâm hoàn lương, trong đó giúp đỡ về vốn kinh doanh cho 9 chị em hoàn lương với số tiền 77,2 triệu đồng. Công tác chữa trị bệnh xã hội, giáo dục dạy nghề cho người bán dâm đã có những kết quả khả quan...

Từ những hoạt động đó, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; tệ nạn mại dâm được kiềm chế về tốc độ, phạm vi và quy mô; đã kiểm soát được tình trạng gái mại dâm đứng đường, chào mời khách nơi công cộng, các tụ điểm ở một số địa bàn trọng điểm tại các huyện, thị xã, thành phố; hạn chế nguy cơ phát sinh tệ nạn ở những cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm không để phát sinh các điểm nóng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tệ nạn mại dâm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tuy có xu hướng giảm về bề nổi, ít lộ liễu công khai  nhưng lại chuyển sang hoạt động trá hình rất tinh vi dưới nhiều hình thức, cơ động, khép kín, có nhiều thành phần tham gia và sử dụng các kỹ thuật thông tin hiện đại. Phổ biến nhất vẫn là lợi dụng  các dịch vụ nhà hàng, kinh doanh lưu trú, vũ trường, cà phê, tẩm quất, mát-xa... Đặc biệt, hoạt động mại dâm qua mạng Internet, điện thoại di động đang có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó xuất hiện hiện tượng mại dâm nam, mại dâm đồng giới... Chính vì vậy, công tác quản lý, đấu tranh và phòng, ngừa mại dâm ngày càng khó khăn, gian nan.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trong giai đoạn hiện nay, thiết nghĩ cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn của cả cộng đồng: tạo được sự thống nhất về quan điểm, nhận thức; phát huy và nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống mại dâm bằng những nội dung, biện pháp cụ thể, thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, giáo dục đến phòng ngừa và đấu tranh. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục theo chiều sâu, đi vào từng nhóm đối tượng, địa bàn, từng khu phố để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng mô hình điểm về phòng, chống mại dâm; lồng ghép thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nhằm ngăn chặn, kiềm chế tệ nạn mại dâm. Xây dựng các mô hình hỗ trợ pháp lý, học nghề, việc làm, tiếp cận các nguồn vốn nhằm tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi công việc, hòa nhập cộng đồng bền vững. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống mại dâm về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước, công tác xã hội và tuyên truyền…